Giữa núi rừng thăm thẳm, hàng ngàn học trò và thầy cô lặng lẽ với năm học mới đầy cách trở. Nhưng vì sự học, thầy và trò nơi đó vẫn nỗ lực để có một ngày khai giảng để lại những ấn tượng đẹp của tuổi thơ và tương lai phía trước.
Ở Mường Lát, Thanh Hóa, hàng ngàn HS đã vượt lên nỗi đau sau trận lũ lịch sử kinh hoàng chưa từng thấy suốt 20 năm đã qua, vượt đèo, lội suối suốt nhiều giờ để kịp đến với lễ khai giảng năm học mới. Một cô giáo ở Tam Chung cho biết trước ngày khai giảng các thầy cô đã chia nhau đến từng nhà động viên các em đến trường, bởi chỉ có con chữ mới mong thoát nghèo, chỉ có con chữ thì vùng đất, quê hương các em đang ở mới đổi thay được. Thầy cô gieo vào lòng HS của mình những khát vọng và những ước mơ cháy bỏng để rồi trong ngày khai giảng đầy đủ mang theo cả hoài bão riêng của mỗi em. Ở huyện biên giới Mường Lát có 112 điểm trường lẻ ở các thôn bản, trong đó có đến 30 điểm là nhà tranh tre, nứa lá đã xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có những điểm trường bị lũ bùn đất ngập lên tận nóc nhà, trang thiết bị dạy học nhiều trường bị hư hỏng hoàn toàn. Nhưng vì con chữ, vì tương lai, thầy và trò nơi đây đã vượt qua bộn bề, trùng trùng gian khó để bắt đầu năm học bằng buổi lễ chào cờ long trọng, trang nghiêm nhưng cũng đầy xúc động.
Lễ khai giảng tại điểm trường bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu. Ảnh: Facebook
Còn hình ảnh khai giảng ở điểm trường bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu lại khiến những ai nhìn thấy cũng phải dừng lại thổn thức. Trên một bãi sông đầu nguồn, dòng nước đục ngầu cuộn chảy, thầy và trò nghiêm trang chào đón năm học mới. Thật thiêng liêng một lễ khai giảng giữa đất trời, sông núi.
Thầy giáo Nguyễn Long Khánh, giáo viên của trường viết trên Facebook: “Người ta khai giảng tưng bừng/ Tôi đây khai giảng dưng dưng lệ sầu”. Hai câu thơ khiến người đọc gợi nhớ về tình cảm của thầy dành cho HS của mình phải khai giảng trong điều kiện khó khăn. Nhưng để có buổi khai giảng với hình ảnh các em giơ tay chào cờ, đứng trang nghiêm lừng lững giữa núi rừng, sông nước ấy lại cho thấy sức mạnh của con chữ nơi thâm sơn cùng cốc ấy thật đáng trân trọng và cảm phục các em.
Có thể gọi là nốt lặng trong ngày khai giảng nhưng nốt lặng ấy không phải là bi ai, buồn thương, không có nỗi sợ hãi nào mà chỉ có sự chiến thắng bản thân của chính các thầy cô, của các em HS trong hành trình chinh phục con chữ…