Công trình nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1A đi qua các phường 2, 4 và 5 của TP Tân An được khởi công từ tháng 9-2013 do Sở GTVT tỉnh Long An làm chủ đầu tư. Lẽ ra công trình (dài hơn 5 km) đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng đến nay việc thi công bị tạm ngưng do vấp phải phản ứng từ phía người dân.
Nắn cong cống thoát nước
Theo quan sát của phóng viên, hiện nay còn một đoạn ngắn khoảng 200 m tại phường 5 vẫn còn ngổn ngang. Theo chủ đầu tư, khi lắp đặt cống thoát nước qua khu vực này đã gặp phản ứng từ người dân nên phải nắn cong để né. “Khi chúng tôi tập kết thiết bị, vật tư, ống cống thì người dân ra ngăn cản. Họ nói rằng đất chưa được bồi thường, không cho thi công nên buộc lòng phải làm cống theo đường vòng. Tuy nhiên, hiện nay phần vỉa hè ở đoạn này vẫn chưa làm được” - đại diện đơn vị thi công cho hay.
Được biết ở dự án này còn 21 trong tổng số gần 830 hộ dân bị ảnh hưởng vẫn chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Theo ông Hồ Văn Phải, chủ quán ăn Điểm Hẹn (phường 5), gia đình ông bị giải tỏa hơn 130 m2 nhưng chỉ khoảng phân nửa diện tích được bồi thường (trên 400 triệu đồng), phần còn lại thì tỉnh vận động hiến. “Tôi cũng từng là cán bộ của tỉnh nên rất đồng tình và ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, chính quyền nên tính toán lại để bồi thường cho người dân vì phần đất diện tích người dân mất lớn, thiệt hại nhiều”.
Người dân không đồng tình hiến đất, ngăn cản thi công nên còn một đoạn khoảng 200 m của công trình mở rộng quốc lộ 1A qua Tân An vẫn chưa xong. Ảnh: HOÀNG NAM
Tương tự, ông Trương Hạnh Phúc (bị giải tỏa hơn 110 m2, đã nhận trên 280 triệu đồng tiền bồi thường đợt 1) cho biết chỉ được bồi thường 50% diện tích đất thu hồi. TP đề nghị hiến phần còn lại nhưng tôi không đồng ý. Ông Phải, ông Phúc và nhiều hộ dân khác bộc bạch: “Đường mở rộng, khang trang hơn ai mà chẳng thích. Người dân chúng tôi còn ủng hộ làm đường thông qua việc cho các công nhân xài điện, nước miễn phí. Nhưng việc nào ra việc nấy và giá trị đất họ đề nghị hiến lên đến hàng trăm triệu đồng, trong khi chúng tôi phải dành dụm, vay mượn tiền mới mua được mà kêu hiến thì không ổn”.
Thiếu kinh phí nên chỉ có thể vận động
Ông Nguyễn Văn Trung, một hộ dân tại phường 5 cho biết các đoạn khác đã thông thoáng nhưng chỉ riêng một đoạn khoảng 200 m qua địa bàn vẫn chưa thể hoàn thành. Công trường còn ngổn ngang nên bụi bặm ô nhiễm làm ảnh hưởng đến việc buôn bán, sức khỏe và an toàn cho người dân. Do vậy, ông Trung mong muốn nhanh chóng thi công, hoàn thành công trình để dân đỡ khổ.
Theo ông Phan Văn Hết, Phó Chủ tịch UBND TP Tân An, công trình nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A có tổng kinh phí gần 800 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh chịu trách nhiệm bồi thường, giải phóng mặt bằng, cây xanh, ánh sáng (khoảng 500 tỉ đồng - NV). Tuy nhiên, do ngân sách hạn chế nên TP vận động người dân thông cảm và chia sẻ khó khăn vì lợi ích chung. Theo đó, TP Tân An và tỉnh vận động người dân hiến khoảng 4,5 m tính từ mép nhựa trở vào. Đây là phần nằm trong lộ giới, không được phép xây dựng. Riêng phần đất còn lại thì bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định. Tuy nhiên, qua nhiều lần UBND TP Tân An và tỉnh đối thoại với dân nhưng đến nay 21 hộ nói trên vẫn không bàn giao mặt bằng và cản trở thi công. Điều này làm tiến độ dự án chậm trễ, gây nhếch nhác, ô nhiễm và mất an toàn cho người đi đường” - ông Hết nói.
Trao đổi thêm với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Văn Rạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết đây là một dự án quan trọng của tỉnh song do kinh phí khó khăn nên không đủ chi trả bồi thường theo yêu cầu của người dân. Do vậy, tỉnh sẽ tiếp tục vận động người dân để sớm hoàn tất dự án.
Vận động không xong, phải bồi thường Luật sư Nguyễn Minh Thao, Đoàn Luật sư tỉnh Long An, cho biết theo Điều 42 Luật Đất đai năm 2003 và Điều 8 Nghị định 197/2004 thì việc UBND TP Tân An thu hồi đất của người dân, thực hiện dự án mở rộng quốc lộ 1A phải có nghĩa vụ bồi thường cho người dân. Do vậy, trong trường hợp chính quyền không thương lượng được với người dân để họ hiến đất thì phải bồi thường theo quy định. Ông Phan Văn Hết, Phó Chủ tịch UBND TP Tân An, cũng thừa nhận phần diện tích đề nghị người dân hiến đất (không bồi thường) nằm trong lộ giới và không được xây dựng. Tuy nhiên, theo quy định phải bồi thường cho dân và do địa phương không đủ kinh phí nên mới vận động. |