Ngày 8-10, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng công bố hiện TP Đà Nẵng đang nợ 1.751 lô đất tái định cư cho người dân nhưng có đến 9.128 lô thừa tại các dự án… Đâu là lý do?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP Đà Nẵng, cho biết: Năm 2013, Đà Nẵng đã từng chỉ đạo rà soát các dự án để bố trí đất tái định cư cho dân nhưng đến nay sự việc mới sáng tỏ.
Lý giải nguyên nhân, ông Võ Văn Thương (Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) nhận định: Các đơn vị không phối hợp, không kiểm soát được đất ở đâu; không nắm được kế hoạch sử dụng đất của TP Đà Nẵng và đây là bài học về bố trí tái định cư, cần rút kinh nghiệm.
Chung cư bố trí cho người tái định cư thuê bị đập bỏ trong khi họ vẫn chưa nhận đất tái định cư. Ảnh: LÊ PHI
Tuy nhiên, nhiều người dân đặt câu hỏi: Liệu có phải các ban quản lý dự án, các đơn vị được giao làm nhiệm vụ bố trí tái định cư cố tình làm như vậy hay quy hoạch có vấn đề?
Ông Trần Thọ (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) thừa nhận: “Ở đây, sự phối hợp giữa các ban quản lý dự án và phân công nhiệm vụ, quyền hạn chưa phù hợp. Sự phối hợp giữa các ban, các quận, huyện còn rời rạc. Quan trọng nhất là thiếu một “nhạc trưởng” trong vấn đề bố trí tái định cư cho dân. “Từ nay, Đà Nẵng chỉ giải tỏa dân khi đã có đất tái định cư thực tế và sẽ bố trí tái định cư cùng tuyến đường, loại đường và tổ chức bốc thăm để tạo sự công bằng.
Đà Nẵng sẽ đẩy nhanh việc trả nợ đất cho dân, đến tháng 11-2014 cố gắng hoàn thành để chấm dứt tình trạng nợ đất tái định cư cho dân, chấm dứt tình trạng lãng phí” - ông Thọ nói.
Theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), quy hoạch bao giờ cũng phải đi trước, quy hoạch xong thì xây dựng hạ tầng. Chỗ đất thừa có thể đang trong giai đoạn chuyển đổi giao cho dân và có thể chưa đủ thủ tục hoặc đang vướng gì đó.
“Ở Đà Nẵng, thủ tục tạo điều kiện cho người dân tái định cư tương đối tốt và chúng tôi sẽ làm việc lại với TP Đà Nẵng. Bởi trong đợt kiểm tra vào tháng 5 vừa qua, việc giải quyết nhà ở, tái định cư ở địa phương này thuộc loại tốt của cả nước. Với con số đất thừa nhưng nợ nền tái định cư của dân, chúng tôi sẽ xem xét lại...”.
Trong 1.751 lô đất tái định cư còn nợ người dân thì năm 2011 về trước là 630 lô; năm 2012 là 501 lô; năm 2013 là 290 lô và chín tháng đầu năm 2014 là 329 lô. Trong khi đó, đất thừa đến thời điểm hiện tại là hơn 9.100 lô! Dù thừa đất như trên nhưng trong kế hoạch bố trí vốn xây dựng cơ bản năm 2014, TP Đà Nẵng dành gần 95 tỉ đồng để thực hiện 20 khu tái định cư mới cho các dự án. Chưa có đất tái định cư để xây nhà nên hằng năm ngân sách phải hỗ trợ cho người dân bị giải tỏa đi thuê nhà ở hàng chục tỉ đồng. Nên tìm lối ra Theo PGS-TS Phương Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM, các tỉnh trong thời gian qua phát triển thiếu bền vững và Đà Nẵng không tránh khỏi sự phát triển quá nóng, dựa quá nhiều vào nguồn thu từ đất đai và bất động sản. Việc đầu tư quá mức vào bất động sản gây ra hậu quả lớn, ngập sâu trong nợ ngân hàng. Với nhiều dự án tỉ đô đắp chiếu ở Đà Nẵng, những dự án bất động sản sẽ khó phục hồi. Vì thế, Đà Nẵng nên chú trọng các dự án liên quan tới du lịch, phát triển sản xuất, liên kết sản xuất, kinh doanh với các công ty trong nước và nước ngoài, phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống… TÁ LÂM |