Sài Gòn - tờ báo thuở xưa - Bài 2:

Dân chúng - tờ báo của người lao động

(PLO)- Là báo quốc ngữ của Đảng Cộng sản Đông Dương đấu tranh với chính quyền thuộc địa giữa lòng Sài Gòn, Dân chúng trong hai năm ở làng báo đã gây dấu ấn lớn.

Tờ Dân chúng bằng chữ quốc ngữ được Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập năm 1938 không qua xin phép trước.

Ảnh trái: Báo Dân chúng số 1, ra ngày 22-7-1938 tại Sài Gòn. Ảnh phải: Báo Dân chúng số xuân 1939. Ảnh: TL

Tờ báo “gây nhiều phấn khởi trong đồng bào cả nước”

Theo hồi ức Tiếng sóng bủa ghềnh của bà Ngô Thị Huệ thì việc này nhà cách mạng Nguyễn Văn Trấn có kể trong tác phẩm Chúng tôi làm báo là được thực hiện với sự tư vấn của luật sư Trịnh Đình Thảo, vì căn cứ vào luật dành cho người Pháp và cả thuộc địa Pháp, “nếu muốn ra báo thì chỉ cần làm một tờ khai… nộp cho nhà đương cuộc trước hai mươi bốn giờ đồng hồ”.

Sự ra đời của Dân chúng “gây nhiều phấn khởi trong đồng bào cả nước”. Nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt trong Nhân dân ta rất anh hùng cũng cho biết sự ra đời không xin phép trước của tờ Dân chúng đã góp phần mở ra một bước ngoặt lớn cho sự tự do xuất bản báo chí ở Việt Nam.

Theo thông tin ở số đầu tiên của báo Dân chúng thì báo ra ngày 22-7-1938, tòa soạn ở số 51-E Colonel Grimaud, Sài Gòn (đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 hiện nay). Trang nhất của số 1 ghi đậm dòng chữ có tính chất cổ động, kêu gọi: “Trong lúc nầy… Hơn lúc nào hết toàn thễ [thể] nhân dân trong nước đều muốn có tự do báo chí”. Ngay trên trang nhất của báo đã có bài “Tự do xuất bản báo chí. Luật 29 Juillet 1881” để bình luận cho việc ra đời của báo và bài bố cáo “Dân chúng ra đời”. Bài “Dân chúng ra đời” cho thấy rõ tôn chỉ, mục đích xuất hiện và hoạt động của báo:

“Thường thường mỗi tờ báo hay tạp chí nào ra đời đều có mấy lời tuyên bố mục đích và hành vi của mình cho độc giã [giả] rõ. Không muốn qua cái lệ ấy, nhưng Dân Chúng không dám hứa hẹn đủ đều [điều] mà chỉ có vài lời gọip là đễ [để] ra mắt bạn đọc. Đứng trước tình thế nghiêm trọng ngày nay, chúng ta có biết bao công việc phải làm đễ [để] binh vực lấy ta trong sự tiến hóa. Chúng ta phãi giử gìn lảnh thổ [phải giữ gìn lãnh thổ] chúng ta trước sự xâm lấn của Nhựt bản. Chúng ta phãi [phải] mở mang nền Kỹ nghệ xứ ta cho được phồn thịnh. Chúng ta phải dìu dắc [dắt] các bạn dốt nát lên đường văn minh tiến bộ. Chúng ta làm sao cho mổi [mỗi]” người dân xứ nầy đều biết đặng cái gì gọi là giá trị đời người. Vì những phận sự lớn lao ấy, “Dân chúng” nguyện làm cơ quan chung cho những ai muốn xứ Đông dương khỏi phải chìm đắm trong vòng tối tăm cùng khổ”.

Sau này, dưới manchette báo đề dòng chữ “Cơ quan của lao động và dân chúng Đông Dương” và cho hay báo ra ngày thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần, như Dân chúng số 32 ra ngày 23-11-1938 thể hiện. Đúng với tinh thần của một báo tranh đấu, Dân chúng từ khi ra đời cho đến lúc đình bản đã đứng về phía người lao động, về dân chúng mà đấu tranh với chính quyền thuộc địa qua các tin, bài mang tính thời sự như “Nguyện vọng thiết tha của anh em bưu điện”, số 5, ngày 6-8-1938; “Hơn 1000 chị em chợ Bạch Mai bãi thị”, số 13, ngày 3-9-1938…

Báo cũng đồng thời là cầu nối giữa dân với nhà cầm quyền khi đăng những kiến nghị, thư từ của hội đoàn, dân lành. Báo cũng có phần dành cho tin tức thế giới, mảng văn học dành một phần đất thêm gia vị cho những tin tức thông tin. Có những bài phóng sự, điều tra của báo phê phán trực tiếp công chức chính quyền thuộc địa hay việc làm ăn khuất tất như “Tên Chà Ababoilet góp tiền chợ phi pháp” (số 44, ngày 14-1-1939), “Nhà máy rượu Bình Tây hay lò nấu thuốc độc” (số 50, ngày 28-2-1939).

Đúng với tinh thần của một báo tranh đấu, Dân chúng từ khi ra đời cho đến lúc đình bản đã đứng về phía người lao động, về dân chúng mà đấu tranh với chính quyền thuộc địa.

Độc giả đông đảo, ủng hộ nhiệt tình

Báo lên tiếng rất mạnh mẽ cho quyền tự do báo chí. Điều này không chỉ thể hiện ngay ở số đầu tiên khi ra đời ngày 22-7-1938 mà còn được thấy ở nhiều số báo khác, như Dân chúng số 74, ra ngày 22-7-1939 là số đặc biệt “Kỷ niệm đệ nhứt chu niên” của báo. Số này là cả loạt bài đòi tự do báo chí, kêu gọi thủ tiêu đạo luật Varenne, đòi thả hết những nhà báo bị giam và đòi tự do ngôn luận, có nhiều bài đi thẳng vào vấn đề như “Tự do báo chí”, “Ý kiến danh nhân đối với tự do báo chí”, “Hưởng ứng bạn đồng nghiệp Công Luận để đi tới “một ngày báo giới” une journée de la presse”…

Khi điểm tên những tờ báo cánh tả ở Việt Nam đầu năm 1939, Nguyễn Ái Quốc trong “Thư gửi một đồng chí ở Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản” ngày 20-4-1939 đã đề cập đến những tờ đang hoạt động ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ như Dân chúng, Lao động (Le Travail), Dân tiến (Progrès), Dân muốn (Voeux du Peuple), Đời nay, Notre Voix… và lưu ý rằng “những tờ báo này bị cấm nghiêm ngặt ở Trung Kỳ và luôn luôn bị các nhà chức trách Bắc Kỳ và Nam Kỳ không để cho yên”. “Báo cáo gửi Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản” cuối tháng 7-1939 dưới tên gọi Lin, Nguyễn Ái Quốc còn cho rằng Dân chúng là tờ báo có số lượng độc giả nhiều nhất ở Đông Dương khi số lượng phát hành của báo lên tới 1 vạn bản. Độc giả đọc báo Dân chúng bị chính quyền đe dọa gây khó dễ mà số 22, ngày 5-10-1938 có phản ánh trong tin “Khủng bố báo Dân chúng”. Tuy vậy, báo vẫn dành được nhiều thiện cảm của bạn đọc, được ủng hộ tiền để duy trì hoạt động. Nhiều số Dân chúng như số 53 (28-3-1939), số 70 (21-6-1939)… đăng rõ số tiền độc giả ủng hộ.

Năm 1939, báo Dân chúng bị cấm ở Nam kỳ, đội ngũ nhân viên tòa soạn thì bị bắt, theo lời Hoàng Quốc Việt trong hồi ký Chặng đường nóng bỏng. Dân chúng số 70 thông tin báo bị khám xét tới ba lần trong ba tháng. Quản lý báo Huỳnh Văn Thanh, phóng viên Võ Văn Khánh, Trần Kim Tiền bị bắt.

Cái kết của báo là dễ hiểu khi báo qua hai năm đã đối đầu trực diện với chính quyền thuộc địa trên trường ngôn luận, có số báo tỏ rõ sự ủng hộ công khai khuynh hướng cộng sản mà Dân chúng số 28, ra ngày 29-10-1938 là một minh chứng. Số này là số đặc biệt “Kỷ niệm 21 năm cách mạng vô sản”, đăng ảnh Lénine, Karl Marx, Engels, Stalin ngay trang nhất, tuyên bố: “Xa lìa Liêng bang Xô viết là ủng hộ chiến tranh. Liên hiệp với Liên bang Xô viết là ũng [ủng] hộ hòa bình”, kèm cả bài “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với thời cuộc”.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới