Sài Gòn - tờ báo thuở xưa - Bài 1:

Sài Gòn - tờ nhật báo nhanh nhạy

(PLO)-  Sài thành nhật báo ( Sài thành, Sài Gòn ) trong 15 năm nơi làng báo, làm chức năng một tờ nhật báo đưa tin tức thời sự nhanh nhạy cho độc giả đất Sài Gòn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Tờ Sài thành nhật báo đưa tin tức thời sự nhanh nhạy nhất, tờ Dân chúng đấu tranh cho tự do báo chí, Tổng xã báo bàn chuyện năm châu... Nhân kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, giữa thời báo chí truyền thông đa phương tiện, Pháp Luật TP.HCM lần giở những tờ báo cũ quý giá đã úa màu thời gian như một cách ôn cố tri tân và hàm ơn người đi trước.

-------

Trong mẩu tin đăng trên số 33, ra ngày 30-12-1930, Sài thành nhật báo tự nhận đối tượng phục vụ của mình là đông đảo độc giả: “Sài thành là một tờ báo chung của đồng bào, nhứt là anh em lao động, vậy anh em chẳng là nên đọc báo Sài thành mà lại càng nên cỗ [cổ] động giúp cho Sài thành được nhiều độc giả”.

Ảnh trái: Số 1 phụ trương đua ngựa của Sài thành nhật báo ra ngày 23-11-1930. Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam Ảnh phải: Sài Gòn số xuân Giáp Tuất 1934. Ảnh: Tư liệu của Đình Ba

Ảnh trái: Số 1 phụ trương đua ngựa của Sài thành nhật báo ra ngày 23-11-1930. Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam
Ảnh phải: Sài Gòn số xuân Giáp Tuất 1934. Ảnh: Tư liệu của Đình Ba

Tờ nhật báo thông tin tức, luận thế sự

Trong cảm nhận của độc giả về báo, có thể xem Sài thành nhật báo số 51, ra ngày 22-1-1931 có bài thơ Đặng Thúc Liêng gửi tặng báo. Nội dung như sau: “Mở xem tờ báo Sài thành/Làm cho ta phỉ tấm tình lâu nay/Kiến văn ngày rộng một ngày/Lại thêm bút ý càng hay vô ngần/Đường đời nhiều nỗi khó khăn/“Nhơn sanh hoài bảo [bão]” khuyên răn các ngài/Tiếng thơm hẳn giử [giữ] lâu dài!”. Đối với Bà Tùng Long, Sài thành nhật báo chắc chắn là in đậm trong ký ức của nữ nhà văn, bởi qua tờ báo này mà tác giả của những Bóng người xưa, Đời con gái, Một vụ án tình… mới nên mối lương duyên tơ tóc trăm năm cùng người chồng Như Hoa. Như Hoa chuyên trị mục “Tranh xã hội” chỉ là một bút danh của Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy, Chủ bút Sài thành nhật báo, em của Chủ nhiệm Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận.

Đứng chân nơi làng báo 15 năm, ban đầu báo tên Sài thành nhật báo, sau rút gọn là Sài thành, rồi chuyển thành Sài Gòn kể từ ngày 3-5-1933, đánh số 1. Trong Sài thành số 340, ra ngày 2-5-1933 có mục tin “Ngày 3 Mai là ngày gì???” thông báo về sự ra đời của Sài Gòn, được kế thừa từ chính Sài thành, cho biết ngày này sẽ là ngày Sài Gòn ra đời, “là ngày đồng bào trong nước có được một cái cơ quan chánh thức… Là ngày kẻ tham ô có nơi kiêng sợ. Là ngày trong văn học giới, thực nghiệp giới có được một người bạn hiền. Là ngày bọn hư danh, mê tục lợi có được một tiếng chuông kỉnh tỉnh”. Kể từ khi đổi tên thành Sài Gòn, báo tồn tại đến số 17.035, ngày 18-9-1945.

Là tờ nhật báo quen thuộc của dân Sài Gòn những năm 1930, đầu những năm 1940, Sài thành giữ vai trò tờ báo thông tin tin tức thời sự hằng ngày. Ban đầu, báo do Trương Duy Toản giữ vai tổng lý, rồi chuyển về vị trí là sáng lập; Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận giữ chân chủ nhiệm; quản lý đề tên Alpha. Nguyễn Đức Huy giữ vai chủ bút.

Không đơn thuần là tờ báo có những tin tức khô khan hằng ngày, Sài thành nhật báo còn mềm hơn ở những món văn thơ qua mục “Văn uyển” đăng thơ cùng các tiểu thuyết đăng dài kỳ như Mối sầu bạc tóc, Ông cọp lửa (Phú Đức); Trời xanh ngày tỏ (Hồng Tiêu); Tâm hồn nghệ sĩ (Đào Phụng Du)... Báo tôn vinh những danh nhân dân tộc, trong đó có cụ Nguyễn Đình Chiểu ở số 16.381, ngày 26-6-1943 qua bài Nhơn ngày kỷ niệm đồ Chiểu: Nên biết thân thế và văn nghiệp của Tiên sanh; số 16.382, ngày 28-6-1943 ở bài Lể [lễ] kỷ niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu...

Là tờ báo địa phương nhưng báo có mục “Việc nước nhà” đưa tin khắp nơi. Vượt ngoài biên giới quốc gia, mục “Tình hình thế giới” điểm tin năm châu. Chẳng hạn Sài Gòn số 14.181, ngày 27-7-1939 đưa tin “Huê Kỳ làm cho Anh phải nhịn thua Nhựt”; số 15.173 ngày 30-9-1942 đưa tin “Ngày kỷ niệm hiệp ước tam quốc ở Ý và ở Đức”. Mục “Tranh xã hội” luận bàn những vấn đề thời sự của Hồng Tiêu là dấu ấn riêng của báo. Nhiều phóng sự, điều tra của báo thực hiện giúp độc giả hiểu thêm những vấn đề thiết thân. Nào là “Vấn đề nước mắm ở Phan Thiết” (số 11, ngày 14 và 15-5-1933), “Nghề điều dưỡng” (số 874, ngày 8-7-1936). Báo cũng thực hiện những hoạt động xã hội khi tổ chức “Cây mùa xuân” giúp trẻ em nghèo; kêu gọi lạc quyên khi đồng bào bị lũ lụt.

Không đơn thuần là tờ báo có những tin tức khô khan hằng ngày, Sài thành nhật báo còn mềm hơn ở những món văn thơ qua mục “Văn uyển”.

Cổ động món đua ngựa bằng phụ trương

Là nhật báo, Sài thành còn ra thêm phụ trương cho dân cá độ đua ngựa. Số 35, ngày 2-1-1931 của Sài thành nhật báo đăng mẩu tin “Xin lưu ý” giới thiệu phụ trương đua ngựa được xuất bản vào thứ Sáu hằng tuần. Ngày 23-11-1930, phụ trương đua ngựa xuất hiện số đầu tiên. Trong số 1 có “Lời nói đầu” khá hài hước nói về việc ra phụ trương: “Mượn tên Sài thành, xuất bản “tờ đua ngựa”. Nghĩ việc trớ trêu, nín cười nôn ruột; nhưng cũng có xơi ngơi, cũng có chơi. Làm người nào phải phát lo đời! Thú nào vui thú nấy, cái nghiệp bút nghiêng, người chạy, ngựa đua, ngứa nghề là muốn viết. Đã cho đời như thể sòng me, thì đua ngựa là một cái đời dành dựt [giành giựt], ăn thua ở giửa [giữa] trời trong nắng chói (Đoạn sau ghi “Tòa kiễm [kiểm] duyệt bỏ một câu”)”.

Là tờ báo thông tin về đua ngựa, mà lúc ấy đua ngựa thịnh nhất là ở Sài Gòn nên phụ trương luôn có chương trình chi tiết các cuộc đua sẽ diễn ra ghi rõ tên ngựa, tuổi ngựa, màu lông, cân nặng cùng chủ ngựa, nài ngựa, màu áo nài mặc… và ngày giờ đua để độc giả, người tham gia cá cược biết mà phân định việc đặt cược và ngày giờ đua để độc giả, người tham gia cá cược biết mà phân định việc đặt cược. Bên cạnh đó là những tin bài phân tích ngựa đua, những cuộc đua đã diễn ra kèm kết quả. Có thể nhận biết nội dung thông tin qua những mục “Lời bàn rõ từng độ”, “Chương trình cuộc đua ngày…”, “Đại thể cuộc đua tuần rồi”.

Khi mới ra phụ trương vào sáng thứ Bảy hằng tuần, về sau báo ra vào thứ Sáu. Dung lượng ban đầu là bốn trang, rồi nâng lên sáu trang từ số 5, thậm chí là tám trang từ số 7, ra ngày 4-1-1931.•

Kỷ niệm 79 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 _ 21-6-2022), Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ra mắt độc giả tác phẩm Đằng sau mặt báo - Chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945 của tác giả Trần Đình Ba. Tác phẩm Đằng sau mặt báo - Chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945 là ấn phẩm giúp độc giả hiểu thêm về báo chí Việt Nam gần một thế kỷ, chứa đựng nhiều thông tin báo chí, chuyện hậu trường thú vị.

Được sự cho phép của nhà xuất bản và tác giả, báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải loạt bài lược trích từ tác phẩm này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm