Sáng 24-12, sau bốn ngày xét xử và nghị án kéo dài, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với tám bị cáo trong vụ án nâng khống giá robot phẫu thuật sọ não, xảy ra tại bệnh viện (BV) Bạch Mai và một số đơn vị liên quan.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Quốc Anh (cựu giám đốc BV Bạch Mai) bị phạt năm năm tù, Nguyễn Ngọc Hiền (cựu phó giám đốc BV Bạch Mai) ba năm sáu tháng tù, Phạm Đức Tuấn (cựu chủ tịch HĐQT, giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Năm bị cáo còn lại là cựu cán bộ thuộc BV Bạch Mai, công ty BMS và đơn vị thẩm định giá bị phạt từ 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 24 tháng tù giam.
Các bị cáo tại tòa
Theo HĐXX, các bị cáo trong vụ án này vì động cơ vụ lợi khác nhau mà thực hiện hành vi phạm tội, xâm phạm đến quyền lợi của hàng trăm người bệnh, ảnh hưởng đến uy tín của BV Bạch Mai, đồng thời gây bức xúc dư luận xã hội.
Trách nhiệm chính của các sai phạm thuộc về bị cáo Nguyễn Quốc Anh – người có thẩm quyền cao nhất trong việc quyết định chủ trương liên danh liên kết lắp đặt hệ thống robot phẫu thuật sọ não. Các bị cáo còn lại có vai trò đồng phạm, giúp sức.
Ngoài căn cứ buộc tội, HĐXX cũng ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ cho tám bị cáo. Tòa cho rằng trên thực tế, BV Bạch Mai đã triển khai nhiều đề án liên danh liên kết lắp đặt trang thiết bị y tế, qua đó giúp chi phí khám chữa bệnh thấp hơn nhiều lần so với phải ra nước ngoài, đồng thời cũng giúp đội ngũ y bác sỹ có cơ hội nâng cao tay nghề.
Tuy nhiên, tại một số dự án, BV còn tồn tại các hạn chế, mà như vụ án này đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự. Ngoài các nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khác còn do việc liên danh liên kết triển khai trong bối cảnh các thông tư, nghị định quy định liên quan còn chưa chặt chẽ, gây nhiều cách hiểu…
Quá trình điều tra, các bị cáo đều khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, nhiều bị hại có đơn xin giảm nhẹ, đã nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính...
Riêng bị cáo Nguyễn Quốc Anh có nhiều đóng góp cho ngành y, từng được tặng thưởng nhiều huân huy chương, trong đó có danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, bản thân tuổi cao lại mắc nhiều bệnh.
Đối với bị cáo Trần Đức Tuấn, HĐXX ghi nhận cha mẹ bị cáo là người có công với nước, bị cáo đã khắc phục triệt để hậu quả vi phạm, chủ động đề nghị tặng lại hệ thống robot cho BV Bạch Mai, có đóng góp lớn vào quỹ phòng chống COVID-19…
Bị cáo Nguyễn Quốc Anh, cựu giám đốc BV Bạch Mai
Khoảng tháng 5-2016, Phạm Đức Tuấn đến gặp Nguyễn Quốc Anh để bàn việc hợp tác cung cấp các hệ thống phẫu thuật. Tuấn giới thiệu công ty của mình có hai loại robot phẫu thuật, gồm hệ thống robot Rosa (phẫu thuật thần kinh) có giá 39 tỉ đồng và robot Mako (phẫu thuật khớp gối) có giá 44 tỉ đồng.
Nguyễn Quốc Anh không đồng ý mua các robot vì cho rằng BV không có vốn, thủ tục phê duyệt từ Bộ Y tế lại phức tạp. Do đó, cựu giám đốc BV Bạch Mai thống nhất sẽ để BV và Công ty BMS liên doanh lắp đặt robot. Mức giá do Tuấn đưa ra. Tuy nhiên, Nguyễn Quốc Anh không thông qua Đảng ủy, ban giám đốc và công đoàn BV.
Tháng 1-2017, trong khi robot Rosa vẫn chưa được nhập về, BV Bạch Mai đã ký kết đề án xã hội hóa với Công ty BMS, lắp đặt robot này với mức giá 39 tỉ đồng.
Để hợp thức hóa việc lắp đặt trên giấy tờ, các bị cáo thuộc Công ty Thẩm định giá VFS đã phát hành chứng thư khống. Mãi đến tháng 2-2017, Công ty BMS mới nhập khẩu robot Rosa từ Pháp về sân bay Nội Bài, giá hơn 7,4 tỉ đồng.
Sau khi lắp đặt trên thực tế, BV Bạch Mai sử dụng robot Rosa phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, trong đó thu phí 637 ca. Do giá robot bị “nâng khống”, số tiền mà bệnh nhân phải chi trả lên tới hơn 16 triệu đồng/ca phẫu thuật, cao hơn nhiều so với đúng giá. Tổng số tiền thiệt hại cho người bệnh là hơn 10,5 tỉ đồng.
Đặc biệt, quá trình triển khai lắp đặt robot, Tuấn khai từng biếu cho Nguyễn Quốc Anh 400 triệu đồng và 10.000 USD (ông Anh thừa nhận đã cầm 100 triệu đồng và 10.000 USD), biếu Nguyễn Ngọc Hiền 150 triệu đồng, biếu Trịnh Thị Thuận 50 triệu đồng.
Cơ quan tố tụng xác định việc tạo điều kiện cho Công ty BMS liên doanh liên kết lắp đặt robot Rosa không đúng giá trị thực tế đã mang lại lợi nhuận cho tập thể và cá nhân Nguyễn Quốc Anh hơn 330 triệu đồng, Nguyễn Ngọc Hiền 150 triệu đồng, Trịnh Thị Thuận 50 triệu đồng.
Đến nay, hầu hết các bị cáo đã tự nguyện nộp lại số tiền hưởng lợi không chính đáng. Riêng Phạm Đức Tuấn vận động gia đình nộp 10 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.