“Bây giờ chúng tôi đã phải dùng đến kịch bản và biện pháp cuối cùng là sẽ cấp nước từng khu vực theo thời gian nhất định trong ngày để đảm bảo khu vực nào cũng có nước sử dụng” - ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), thông tin với Pháp Luật TP.HCM chiều 8-11.
Canh từng giọt nước
Từ đầu tuần, người dân ở cuối đường ống nước của Đà Nẵng tại các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Hải Châu than trời vì thiếu nước sinh hoạt. Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên người dân TP phải hứng chịu cảnh thiếu nước nghiêm trọng.
Ngồi cầm nồi cơm điện chờ hứng từng giọt nước để vo gạo cho bữa cơm trưa, anh Hà Nam (thuê trọ tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho hay đã ba ngày nay phải tắm lúc nửa đêm. Sau đó anh phải tranh thủ hứng nước cho đầy các thau, chậu để dành cho sinh hoạt ngày hôm sau.
“Mình đàn ông còn đỡ chứ mấy bạn nữ tội nghiệp lắm vì nhu cầu tắm rửa, giặt giũ nhiều hơn. Bạn nữ phòng bên cạnh phải qua phòng mình hứng nước thêm cho đủ để giặt quần áo” - anh Nam kể.
Tương tự, anh Đinh Anh Dũng (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết nhà anh nước chảy nhỏ giọt từ ngày 5-11, nước chỉ chảy được mạnh hơn vào ban đêm. “Tôi phải dậy từ 2 giờ sáng để mở nước, ngồi canh hứng vào thùng. Phải hứng cho sinh hoạt hôm sau chứ đến sáng là nước không chảy được rồi” - anh Dũng kể.
Nhiều người dân thắc mắc: Trước đây thiếu nước sinh hoạt chỉ xảy ra cục bộ giữa mùa khô nhưng nay đang là mùa mưa, cả TP lại lao đao vì nước (!?).
Về vấn đề này, ông Ngô Văn Trấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam-Đà Nẵng, đặt nghi vấn: “Nhà tôi hiện nước chỉ nhỏ từng giọt nên việc sinh hoạt rất khó khăn. Trước khi cổ phần hóa, Dawaco không có tình trạng này. Lãnh đạo TP cần làm rõ nguyên nhân là Đà Nẵng thiếu nước thật hay vì mục đích khác?”.
Anh Hà Nam phải dùng nước uống đóng chai để vo gạo nấu cơm. Ảnh: HẢI HIẾU
Cần xây thêm nhà máy nước?
Về việc người dân TP Đà Nẵng đang kêu than vì thiếu nước dù thời gian qua vẫn có mưa thường xuyên, ông Hồ Hương cho hay từ ngày 20-10 đến nay, tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ, tình trạng nhiễm mặn xảy ra liên tục.
PV đặt câu hỏi: “Theo giấy phép khai thác và sử dụng nước mặt do Bộ TN&MT cấp cho Dawaco vào ngày 5-7-2018, tại điều 7 thì khi độ mặn trên 1.000 mg/lít phải đóng cửa lấy nước và bơm nước từ đập An Trạch về hồ điều tiết (hiện nay, độ mặn tại Nhà máy nước Cầu Đỏ là 1.509 mg/lít), tại sao Dawaco không bơm? Như vậy, Dawaco có làm sai giấy phép của Bộ cấp?”.
Ông Hồ Hương thông tin: “Theo số liệu thống kê từ năm 2003, chưa có năm nào nhiễm mặn như năm nay. Dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn cho thấy lượng mưa sắp tới cũng không nhiều vì hiện tượng El Nino sẽ xảy ra. Do đó chưa thể dự đoán tình trạng nhiễm mặn tại Cầu Đỏ sẽ kéo dài thêm bao lâu nữa”. |
Ông Hương thừa nhận: Theo quy định của Bộ TN&MT, khi độ mặn trên 1.000 mg/lít phải đóng cửa lấy nước và bơm nước từ đập An Trạch về hồ điều tiết. Trong khi đó, trạm bơm An Trạch chỉ đáp ứng được 70% nguồn nước cấp cho hai nhà máy hiện tại nên không đủ lượng nước thô để xử lý. Việc này làm lượng nước sạch cấp vào mạng lưới giảm 50.000-70.000 m3/ngày.
Cũng theo ông Hương, Dawaco đã chủ động liên hệ với các thủy điện đầu nguồn để đưa nước về kéo giảm độ mặn tại cửa thu Cầu Đỏ. Tuy nhiên, mực nước tại thủy điện A Vương đang thấp hơn mực nước đón lũ 30 m nên không thể góp phần xả nước về hạ du.
Phía đập thủy điện Đắk Mi 4, ông Hương cho biết mực nước trong hồ đang thấp hơn mực đón lũ 11 m nhưng trước tình hình nhiễm mặn ở Cầu Đỏ, thủy điện này buộc xả về hạ du 12,5 m3/giây nhằm đảm bảo mực nước tại An Trạch trên 1,5 m. Nên việc xả nước để đẩy mặn cho Cầu Đỏ cũng không thể thực hiện.
Về giải pháp lâu dài, ông Hương cho hay TP cần đẩy nhanh việc xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1 là 60.000 m3/ngày đêm, giai đoạn 2 nâng công suất lên gấp đôi. Dùng đập ngăn mặn để đảm bảo nước thô tại Nhà máy nước Cầu Đỏ. Đồng thời, thuê các đơn vị tư vấn nghiên cứu các giải pháp công trình nhằm đảm bảo nguồn nước thô cho các nhà máy. Hiện nay, các phương án trên Dawaco đã trình các cấp xem xét và chờ quyết định.
PV đặt câu hỏi: “Liệu Dawaco có đang nghiêm trọng hóa vấn đề để giành quyền đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên?”. Ông Hương khẳng định: “Tôi thấu hiểu được sự xáo trộn sinh hoạt của người dân khi thiếu nước. Các số liệu mà Dawaco công bố là hoàn toàn chính xác. Những số liệu này Sở Xây dựng cũng biết và có tài khoản để theo dõi. Ngoài ra, có hàng loạt đơn vị quan trắc, đài khí tượng cùng làm việc và cùng có số liệu nên chắc chắn không có sự gian dối”.
Theo ghi nhận, thời gian qua Đà Nẵng có mưa thường xuyên nhưng ông Hương lại cho rằng do không có mưa nên mực nước ở đập thủy điện A Vương thấp (!?). Tuy nhiên, tối 8-11, chúng tôi truy vấn việc Đà Nẵng thường xuyên có mưa và lượng nước về là rất lớn, đồng thời độ mặn không như báo cáo thì ông Hương thừa nhận độ nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ đang xuống ở mức 600 mg/lít. “Chiều nay khi đo là 1.200 mg/lít, đến hiện tại (19 giờ - PV) độ nhiễm mặn chỉ còn 600 mg/lít. Chúng tôi đang cho lấy nước ở cả sông Cầu Đỏ và đập An Trạch để cung cấp về cho hai nhà máy Cầu Đỏ và Sân Bay. Trong đêm nay (8-11), nếu độ nhiễm mặn duy trì ở mức 400-600 mg/lít thì lưu lượng nước cấp cho toàn TP sẽ được khôi phục” - ông Hương nói. Với những lý giải đầy mâu thuẫn như trên thì thực tế chuyện gì đang xảy ra trong việc toàn TP Đà Nẵng mất nước? Chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, để hỏi về trách nhiệm của Dawaco khi để xảy ra tình trạng thiếu nước này. Tuy nhiên, ông Tuấn đề nghị PV hỏi Sở Xây dựng để nắm thông tin. Trong khi đó, ông Lê Tùng Lâm (Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, người phụ trách lĩnh vực này) không nghe điện thoại dù PV đã gọi rất nhiều lần ngày 8-11. |