“Nồng nàn” thành nồng nặc
Với khoảng 700 cây cổ thụ và hàng vạn cây xanh khác gồm nhiều loài, trong đó có cả những loài có giá trị cao: vàng anh, sao, dầu, giá tị... khiến Trà Vinh trở thành đô thị xanh hấp dẫn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Duy trì và làm đậm thêm nét văn hoá cây xanh này, hơn mười năm trước Trà Vinh bắt đầu thực hiện kế hoạch trồng những loài cây có hoa thơm. Thoạt đầu, nhiều người lấy làm ngây ngất với mục tiêu mang hương hoa thủ đô về với tỉnh ven biển này đã thành hiện thực. Cây hoa sữa (còn được gọi cây mù cua) đã có mặt ở một số tuyến đường nội ô thành phố Trà Vinh: đường Quang Trung, Hùng Vương…; thị trấn Càng Long; ngay cả ven quốc lộ 53 đoạn đi qua thị trấn Cầu Ngang mấy năm nay cũng đã đậm đà hương mù cua mỗi độ hoa rộ (từ tháng 5 đến tháng 9).
Vậy rồi mục tiêu ban đầu sớm đổ vỡ khi không gian sống ngày càng ngột ngạt mỗi mùa hoa rộ nở.
Ông Sáu Hồng ở đường Quang Trung bức xúc, chuyện này người dân đã lên tiếng từ nhiều năm nay nhưng biện pháp được đưa ra của cơ quan hữu trách chỉ là chặt bớt nhánh cây để giảm số lượng hoa. Theo ông Sáu Hồng, việc làm này chỉ là đối phó chứ chưa thật sự hiệu quả, mùa hoa tới người dân vẫn cứ phải sống trong cảnh ngột ngạt, đặc biệt trong những ngày khô nóng mà trời đứng gió hay lúc đêm về. Ông Tư Long, một viên chức ở thành phố Trà Vinh cũng thôi không còn ngây ngất hương hoa Hà thành tại xứ mình nữa. Theo ông, mùa hoa nở rộ người đi đường thường tránh đi qua các tuyến đường có nhiều cây hoa sữa. Nếu lỡ buộc phải đi qua ai cũng phải nín mũi vượt nhanh qua khoảng không gian đặc quánh mùi hoa sữa đó. Ông Lê Văn Mận ở đường Quang Trung kể lể, nếu như cách làm lúc đầu được tính tới là trồng xen những loại cây có hoa tạo chút hương thơm cho đô thị này thì đâu đến nỗi ngột ngạt như hiện tại. Làm mà không tính bây giờ dân lãnh đủ, còn nếu chặt bỏ đi thì lãng phí của công, ông Mận tiếc rẻ nói.
Chính quyền: nguy cơ thành bị đơn
Bên cạnh việc lén lút chặt bỏ hoa sữa và gửi đơn đến các nơi đề nghị đốn bỏ loài cây này, người dân Trà Vinh còn phản ảnh lên bàn nghị trường nhưng hoa sữa vẫn “nồng nàn đầu phố đêm đêm”. Cuối cùng, họ tuyên bố sẽ kiện cơ quan chức năng nào đã trồng hoa sữa.
Giám đốc công ty Công trình công cộng đô thị tỉnh Trà Vinh – ông Hồ Văn Trí – thừa nhận, ý tưởng ban đầu là để có hương thơm thoang thoảng trong phố thị. Nào ngờ trồng nhiều quá nên mùi thơm trở nên đậm đặc, cư dân trên tuyến đường không chịu được nên họ phản ảnh. Trước thực tế đó, ông Hồ Văn Trí cho biết, đơn vị đã có kiến nghị hạ bỏ loại cây này để đảm bảo không gian sống cho dân. UBND tỉnh Trà Vinh cũng đã có chỉ đạo phòng Quản lý đô thị xử lý theo phản ảnh của người dân.
Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, mùi hoa sữa là tác nhân gây cơ chế dị ứng, hiện nay y học chỉ giúp sức phần nào cho các cơ chế gây dị ứng, còn về lâu dài thì bỏ đi tác nhân gây bệnh mới là điều đáng quan tâm. “Vì sức khoẻ của người dân, tôi nghĩ chính quyền nên thay thế hoa sữa bằng một loại cây khác vừa cho bóng mát, vừa không có mùi gắt như hoa sữa”, ông Nghĩa nói.
Luật sư Đỗ Biên Thuỳ, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, người dân muốn kiện thì phải xác định được hoa sữa là tác nhân gây tổn hại đến sức khoẻ, hoặc tinh thần của mình. Muốn thu thập chứng cứ này, người dân phải nhờ đến một cơ quan giám định có chuyên môn về thực vật để xem danh mục cây hoa sữa có phải là gây bệnh cho họ hay không. Sau đó, từ những chứng cứ này, họ mới có thể kiện đơn vị cho trồng cây hoa sữa trên đường phố ra toà để đòi bồi thường hoặc loại bỏ cây.
Theo tài liệu, cây hoa sữa có tên khoa học là Alstonia scholaris, phân bố nhiều ở khu vực châu Á như Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ… và Việt Nam. Đây là loài hoa có thân cao, hoa nở trắng và rất thơm. Mùi hoa sữa là tác nhân gây cơ chế dị ứng làm người dân bị viêm xoang, viêm mũi hoặc suyễn. Đây là những chứng bệnh gây khó chịu và nguy hiểm với sức khoẻ con người. Thực chất của mùi hoa sữa khi trồng dày thì không còn là hương thơm nữa, mà trở nên rất gắt. Hầu như khó ai chịu nổi mùi hoa này. Mỗi năm hoa sữa chỉ nở độ một tháng rồi tàn, nên nếu có điều kiện thì người dân nên đi du lịch để tránh, nếu không phải chặt bỏ cây! Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, |
Theo Ngọc Tùng (SGTT.VN)