Dân kiện một đằng, tòa xử một nẻo

Ông Bùi Văn Tẩu (ngụ xã Sông Phan, Hàm Tân, Bình Thuận) vừa gửi đơn kiến nghị giám đốc thẩm đề nghị TAND cấp cao và VKSND cấp cao tại TP.HCM xem xét kháng nghị giám đốc thẩm vụ án hành chính mà ông là người khởi kiện. Lý do là ngay từ đầu ông đã khởi kiện hành vi hành chính (HVHC) của UBND huyện Hàm Tân nhưng sau đó hai cấp tòa lại sửa là khởi kiện quyết định hành chính (QĐHC) và ra phán quyết là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Kiện “hành vi”, xử “quyết định”

Theo hồ sơ, năm 1987, gia đình ông Tẩu khai phá được một mảnh đất để làm nhà, trồng trọt, có đóng thuế và sử dụng ổn định đến nay. Sau đó, ông đã được cấp giấy đỏ một phần. Còn lại 96.000 m2 (thuộc năm thửa khác nhau), tháng 6-2013, ông Tẩu đề nghị UBND xã Sông Phan thẩm định, tham mưu cho UBND huyện cấp giấy đỏ cho ông thì UBND xã trả lời là hồ sơ của ông không đủ điều kiện cấp.

Ông Tẩu khiếu nại đến UBND huyện Hàm Tân thì huyện ban hành công văn trả lời ông rằng việc từ chối của UBND xã Sông Phan là đúng. Công văn có nội dung: “Thông báo cho ông Tẩu biết”, người ký ban hành là phó chủ tịch UBND huyện Hàm Tân (ký thay chủ tịch UBND huyện) chứ không phải chủ tịch UBND huyện thay mặt UBND huyện (ký, đóng dấu).

Đầu năm 2014, ông Tẩu khởi kiện HVHC không cấp giấy đỏ cho ông của UBND huyện Hàm Tân. Sau khi thụ lý, TAND huyện Hàm Tân đã tự điều chỉnh lại yêu cầu khởi kiện của ông Tẩu là hủy bỏ QĐHC trong lĩnh vực đất đai (tức công văn của huyện trả lời ông Tẩu nói trên - NV) để giải quyết.

Kiện sao mới đúng?

Tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 9-2014, TAND huyện Hàm Tân lập luận công văn trả lời của UBND huyện Hàm Tân có chứa nội dung của QĐHC. Việc phó chủ tịch UBND huyện ký thay chủ tịch UBND huyện trong công văn là không đúng thẩm quyền nhưng thực chất công văn này là ý kiến của UBND huyện nên việc cấp phó ký thay cũng không ảnh hưởng đến nội dung.

Trong khi đó, đại diện VKSND huyện Hàm Tân khẳng định công văn nói trên là văn bản hành chính cá biệt của chủ tịch UBND huyện nên phải xác định là kiện HVHC mới đúng. Còn nếu cho rằng đó là QĐHC của UBND huyện thì phải xem lại thẩm quyền ban hành, tức người ký phải là chủ tịch UBND huyện (thay mặt UBND huyện) mới đúng.

Tuy nhiên, TAND huyện Hàm Tân vẫn giữ nguyên quan điểm và tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Tẩu.

Ông Tẩu kháng cáo. Sau đó, VKSND huyện Hàm Tân cũng kháng nghị đề nghị TAND tỉnh Bình Thuận sửa bản án sơ thẩm. Theo VKS huyện, ông Tẩu khiếu nại việc UBND huyện không cấp giấy đỏ là khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai nên thẩm quyền giải quyết là của chủ tịch UBND huyện. Huyện trả lời không cấp đất là công văn chứa đựng nội dung giải quyết khiếu nại với chủ thể ký ban hành là chủ tịch UBND huyện. Khi ông Tẩu kiện HVHC của chủ tịch UBND huyện thì tư cách tham gia tố tụng của người bị kiện lúc này phải là cá nhân chủ tịch UBND huyện chứ không phải UBND huyện.

Tháng 1-2015, tại phiên xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Thuận đã không hề có nhận định nào về những vấn đề tố tụng nêu trên mà chỉ tuyên bác kháng cáo của ông Tẩu, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Trước phiên xử, VKS huyện cũng rút kháng nghị mà không đưa ra lý do, tại phiên xử thì đại diện VKS chỉ nói ngắn gọn là đề nghị tòa xem xét kỹ.

Trong đơn khiếu nại giám đốc thẩm, ông Tẩu vẫn cho rằng ông kiện HVHC của chủ tịch UBND huyện Hàm Tân (cụ thể là hành vi không cấp giấy đỏ) chứ không kiện thông báo trả lời của chủ tịch UBND huyện. Hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã xác định sai đối tượng bị kiện và thẩm quyền ký văn bản. Việc này vi phạm tố tụng nghiêm trọng, khiến hai cấp tòa đã không xem xét đúng yêu cầu khởi kiện của ông. Đây là lỗi sai cơ bản, ảnh hưởng đến việc đánh giá của các tòa với toàn bộ vụ kiện, cần phải hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm để giải quyết lại.

Trong vụ việc này, phải xác định là kiện hành vi hay kiện quyết định mới đúng? Chúng tôi sẽ trao đổi với các chuyên gia về tố tụng hành chính và tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Quy định liên quan

- Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

- Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

(Theo khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm