Kiện một đằng, tòa xử một nẻo

Ông Bùi Văn Tẩu (ngụ xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) trình bày: “Đầu năm 2014, tôi khởi kiện hành vi hành chính (HC) của UBND huyện Hàm Tân (Bình Thuận) vì không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng TAND huyện này tự điều chỉnh lại yêu cầu khởi kiện của tôi là hủy bỏ quyết định HC trong lĩnh vực đất đai”.

Sửa yêu cầu khởi kiện và tuyên bác

Ông Tẩu kể năm 1987 gia đình ông khai phá được một mảnh đất rộng để làm nhà, trồng cây, có đóng thuế và sử dụng ổn định đến nay. Sau đó ông được cấp giấy đỏ một phần, còn lại 96.000 m2 (thuộc năm thửa khác nhau) thì tháng 6-2013 ông mới xin cấp nhưng UBND huyện Hàm Tân từ chối.

Cụ thể, ông Tẩu đã gửi hồ sơ đề nghị UBND xã Sông Phan thẩm định, tham mưu cho UBND huyện cấp giấy nhưng xã trả lời là hồ sơ của ông không đủ điều kiện theo Luật Đất đai. Ông Tẩu khiếu nại đến UBND huyện Hàm Tân. Hai tháng sau, UBND huyện ban hành công văn trả lời, khẳng định việc từ chối của UBND xã là đúng. Phần cuối của công văn nêu rõ nội dung trả lời trên là: “Thông báo cho ông Tẩu biết”. Người ký ban hành công văn là phó chủ tịch UBND huyện (ký thay chủ tịch) chứ không phải chủ tịch UBND huyện thay mặt UBND (ký, đóng dấu).

Ông Tẩu sau phiên xử phúc thẩm. Ảnh: T.TÙNG

Tháng 9-2014, tại phiên xử sơ thẩm, TAND huyện Hàm Tân vẫn xác định đây là vụ kiện quyết định HC vì công văn trả lời trên chứa nội dung của quyết định HC. Theo tòa này, việc ông phó chủ tịch huyện ký thay chủ tịch huyện trong công văn của UBND là không đúng thẩm quyền. Nhưng thực chất công văn này là ý kiến của UBND huyện nên dù phó chủ tịch có ký thay chủ tịch thì cũng không ảnh hưởng đến nội dung của quyết định.

Tại tòa, đại diện VKS huyện cho rằng công văn trả lời trên là văn bản HC cá biệt của chủ tịch huyện (phó chủ tịch huyện ký thay) nên phải xác định là kiện hành vi HC mới đúng. Còn nếu xác định văn bản này là quyết định HC của UBND huyện thì phải xem lại thẩm quyền ban hành, tức người ký phải là chủ tịch huyện thay mặt UBND huyện mới đúng.

Tuy nhiên, tòa vẫn tuyên bác yêu cầu khởi kiện hủy bỏ quyết định HC của ông Tẩu.

Sai đối tượng khởi kiện nhưng vẫn tuyên

Sau đó viện trưởng VKSND huyện ký quyết định kháng nghị đề nghị tòa phúc thẩm sửa án vì ông Tẩu khiếu nại UBND huyện không cấp giấy đỏ là khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai. Theo khoản 2 Điều 138 Luật Đất đai thì thẩm quyền giải quyết là của chủ tịch UBND huyện. Do đó UBND huyện trả lời ông Tẩu với nội dung không cấp đất là công văn chứa đựng nội dung giải quyết khiếu nại với chủ thể ký ban hành là chủ tịch UBND huyện. Khi ông Tẩu kiện hành vi HC của chủ tịch UBND huyện thì tư cách tham gia tố tụng của người bị kiện phải là chủ tịch UBND huyện chứ không phải UBND huyện.

Kháng nghị là vậy nhưng không hiểu sao trước phiên xử phúc thẩm, VKSND tỉnh Bình Thuận đã rút quyết định kháng nghị của VKSND huyện.

Trong phiên xử ngày 20-1 vừa qua, VKS tỉnh không lý giải lý do rút nhưng cũng chỉ đề nghị tòa sửa án xác định lại đối tượng khởi kiện và người ký ban hành. Theo Viện, tòa sơ thẩm xác định đối tượng khởi kiện như vậy là sai vì công văn chỉ là thông báo việc không chấp nhận khiếu nại của ông Tẩu, không chứa đựng nội dung của quyết định HC. Nó là hành vi HC và thẩm quyền ban hành phải là UBND huyện, do chủ tịch làm đại diện ký.

Phía ông Tẩu đề nghị tòa hủy án sơ thẩm để xử lại vì chưa cần xét nội dung thì đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng do xác định sai đối tượng khởi kiện và thẩm quyền ban hành như ý kiến của VKSND hai cấp. Đây là lỗi sai cơ bản, ảnh hưởng đến việc đánh giá của tòa với toàn bộ vụ kiện, không thể nhận định đó là lỗi nhỏ và chỉ cần sửa án là xong.

Ông Tẩu cũng cho rằng về hình thức, việc ban hành văn bản trên cũng trái luật. Bởi thực chất công văn trả lời trên là trả lời khiếu nại và như vậy UBND huyện phải thực hiện theo Luật Khiếu nại. Theo đó, khoản 3 Điều 6 luật này nghiêm cấm việc ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định (trong vụ này là bằng công văn). Theo ông Tẩu, với các vi phạm trên có thể kết luận tòa sơ thẩm đã thụ lý và xét xử sai, không thể công nhận bản án...

Thế nhưng theo ghi nhận của PV, trong phần tuyên án tòa không có một nhận định nào về những vấn đề tố tụng nêu trên của kiểm sát viên và luật sư. Tòa chỉ nói ngắn gọn: “Công văn của UBND huyện được ban hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành và đúng quy định của pháp luật”. Sau đó tòa phân tích về nội dung của công văn và kết luận việc ông Tẩu xin cấp giấy là không có cơ sở. Từ đó tòa kết luận: “Nội dung trả lời trong công văn là đúng, cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng nên bác kháng cáo của ông Tẩu, giữ nguyên bản án sơ thẩm”.

Cần giám đốc thẩm bản án

Tôi cho rằng án sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi xác định sai đối tượng bị kiện. Đây là lỗi lớn và nghiêm trọng, không thể nói là thiếu sót và chỉ cần sửa án là xong. Khi đã xác định không đúng vụ án thì tòa sẽ không xem xét đúng yêu cầu khởi kiện, cho dù về nội dung có thể nhận định đúng. Tòa cũng không thể sửa được việc sai thẩm quyền ban hành văn bản khi chủ thể có hành vi HC và người ký quyết định HC là khác nhau. Việc tòa phúc thẩm chỉ nhận định sơ sài về tố tụng là thiếu sót lớn, đáng ra tòa phải áp dụng khoản 3 Điều 205 Luật Tố tụng HC để tuyên hủy án sơ thẩm.

Do cấp phúc thẩm đã tuyên y án nên phía người bị kiện có thể kiến nghị người có thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm vì cơ sở để xem xét rất rõ. Vì một bản án chuẩn xác phải tuân thủ pháp luật và chuẩn cả nội dung lẫn tố tụng.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm