Mới đây, TAND TP.HCM đã tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa ông Nguyễn Văn Phận (Tân Thạnh Đông, Củ Chi) với ông Đoàn Văn Cường ở chung xã. Theo tòa, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là giấy đỏ) của ông Phận đã bị bị đơn thế chấp cho người thứ ba và người này bỏ đi đâu không rõ...
Tiền mất, giấy đỏ cũng mất
Ông Phận trình bày tháng 2-2011, ông Cường nhận giấy đỏ đứng tên 157 m2 đất của ông và 150 triệu đồng để đi tách thửa cho ông. Hai bên thỏa thuận khi nào có biên nhận ông sẽ chịu chi phí đi lại cho ông Cường. Nhưng ông Cường không thực hiện và cũng không trả lại giấy đỏ cùng tiền cho ông. Tháng 4-2013, ông khiếu nại lên UBND xã. Ông Cường thừa nhận mọi việc nhưng lại nói đã đem giấy đỏ của ông thế chấp cho bà Phan Thị Đào. Vì vậy, ông khởi kiện buộc ông Cường trả lại giấy đỏ cho mình.
Ông Cường thì trình bày: “Tôi cũng khổ mới đem cầm giấy đỏ của ông Phận để vay tiền. Nhưng khi đến xin chuộc lại thì người cho vay nói giấy đỏ này đã thất lạc. Nay tôi xin thời gian đến khi nào bà Đào tìm được giấy sẽ chuộc để trả lại cho ông Phận”.
Tòa triệu tập bà Đào, người liên quan của vụ án nhưng bà này vắng mặt.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Củ Chi buộc ông Cường có trách nhiệm trả lại cho ông Phận giấy đỏ ngay khi án có hiệu lực. Quá thời hạn 30 ngày kể từ khi án có hiệu lực, nếu ông Cường không thực hiện thì ông Phận có quyền liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để xin cấp phó bản giấy này.
Sau đó, VKS huyện kháng nghị cho rằng án sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng, cần hủy án. Bởi trong quá trình giải quyết, bà Đào là người liên quan trong vụ án không có mặt tại địa phương mà tòa huyện không tiến hành xác minh cụ thể bà còn cư trú tại địa phương hay nơi khác mà đã tiến hành xét xử là không đúng quy định.
Khổ vì người thứ ba
Thụ lý hồ sơ, TAND TP xác minh với kết quả bà Đào không còn cư trú tại địa phương từ tháng 1-2013. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Phận cũng trình bày khi biết ông Cường đem thế chấp giấy đỏ, ông còn tìm đến nhà bà Đào để chuộc. Tuy nhiên, bà Đào đòi giá quá cao (60 triệu đồng) nên ông không đồng ý. Sau đó ông nhiều lần đến nhà bà Đào để thương lượng nhưng bà này đã bỏ đi khỏi địa phương, hiện không rõ ở nơi nào.
HĐXX phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm xác định đây là quan hệ tranh chấp hợp đồng dịch vụ là có cơ sở. Tại tòa, hai ông Phận và Cường cũng thừa nhận đến nhà bà Đào xin chuộc nhưng do bị đòi lãi quá cao nên ông Phận không đồng ý. Rồi bà Đào nói làm thất lạc giấy trên. Sau đó bà bỏ đi đâu không rõ và không trả lại giấy đỏ. Như vậy, có cơ sở xác định giấy đỏ của ông Phận do bà Đào đang giữ. Việc tòa sơ thẩm tuyên buộc ông Cường trả là chưa chính xác.
Theo kết quả xác minh, bà Đào đã đi khỏi nơi cư trú trước thời điểm tòa sơ thẩm thụ lý. Án sơ thẩm đã vi phạm tố tụng. Đồng thời, ông Phận cũng không cung cấp được địa chỉ của bà Đào hiện tại nên cần hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án do chưa đủ điều kiện khởi kiện theo điểm d khoản 1 Điều 168 BLTTDS.
Nên xin cấp lại phó bản
Trước đây, Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh chuyện không thể kiện đòi giấy tờ đất. BLTTDS không quy định thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết yêu cầu đòi lại các giấy tờ do các cơ quan hành chính cấp cho các đương sự như giấy đỏ, giấy hồng… Mặt khác, pháp luật cũng không xác định các loại giấy tờ này là loại giấy tờ có giá. Điều 163 BLDS quy định các loại giấy tờ trên không phải là tài sản và không được phép giao dịch, trao đổi. Vì vậy, giấy đỏ không phải là tài sản (như cái nhà, cái xe cụ thể…) nên không thể khởi kiện để đòi.
Một thẩm phán chuyên xử dân sự cho biết việc kiện tụng sẽ gặp khó khăn vì nguyên đơn không biết làm sao tìm được địa chỉ của bà Đào. Từ đây, ông hướng dẫn thay vì ra tòa, ông Phận có thể liên hệ trực tiếp cơ quan có thẩm quyền xin cấp phó bản giấy đỏ đúng các quy định của luật với lý do bản chính bị thất lạc. Nếu đúng như những gì ông trình bày, trường hợp này sẽ không có ai tranh chấp và ông sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp lại theo quy định.
Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng hướng dẫn nếu giấy đỏ bị mất thì dân có quyền đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp lại giấy đỏ bị mất theo quy định tại Điều 77 Nghị định 43/2014 (quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai). Bên có lỗi trong việc làm mất giấy tờ phải chịu toàn bộ chi phí, lệ phí trong việc cấp lại giấy tờ mới.