Mới đây, ông Nguyễn Văn Dũng đã khiếu nại UBND huyện Củ Chi (TP.HCM) vì cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là giấy đỏ) cho bà Nguyễn Thị Thu Thủy. Ông cho biết bà Thủy thế chấp giấy đỏ cho ông để vay tiền giúp người quen. Hai bên cam kết khi nào phía người vay trả tiền thì ông hoàn giấy lại. Thế nhưng đến hạn, người vay không trả nên ông tìm hiểu rồi biết bà Thủy đã làm cớ mất và được cấp lại giấy đỏ.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Phong (Trưởng phòng TN&MT huyện Củ Chi) cho biết trước mắt thấy rằng hồ sơ thủ tục xin cấp lại giấy đỏ của bà Thủy đã được làm đầy đủ như có đơn cớ mất được công an địa phương xác nhận, đơn trình báo về việc mất sổ và đề nghị cấp lại sổ mới (cấp phó bản). Việc cấp lại giấy đỏ được niêm yết công khai và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Khi hết thời hạn quy định, không thấy ai khiếu nại nên Phòng đề xuất UBND huyện cấp lại giấy. Đối với những nội dung khác, Phòng sẽ tiến hành rà soát, xác minh. Trong trường hợp xác minh đúng là bà Thủy giả làm mất giấy đỏ để xin cấp lại thì Phòng sẽ kiến nghị thu hồi giấy đỏ cấp sau. Còn xử lý trách nhiệm bà Thủy ra sao thì rất khó vì chưa có quy định cụ thể nào.
Luật sư Đàm Bảo Hoàng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết thêm đúng là hiện khó xử lý nghiêm những hành vi gian dối này. Thực tế cũng đã có những trường hợp cơ quan chức năng thấy gian rõ ràng nhưng cũng không thể làm gì hơn ngoài việc thu hồi giấy đỏ cấp sai. Đơn cử như cuối năm 2008, Công ty TNHH SX và CB S.N. cũng làm thủ tục báo mất giấy đỏ của một lô đất tại huyện Định Quán (Đồng Nai). Tháng 3-2009, Sở TN&MT tỉnh cấp lại cho Công ty S.N. giấy đỏ khác. Bà M. đã tố việc trên đến cơ quan chức năng vì trước đó công ty đã dùng giấy đỏ thế chấp vay tiền của bà nhưng sau đó lại làm cớ mất. Sau khi xác minh, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cũng chỉ ra quyết định thu hồi lại giấy đỏ đã cấp cho Công ty S.N. mà không thể áp dụng biện pháp xử lý nào khác.
HỒNG TÚ
Cần đăng ký giao dịch bảo đảm Pháp luật hiện hành chưa quy định chế tài nào khác (ngoài việc thu hồi giấy đã cấp) để xử lý hành vi khai báo gian dối nói trên. Hiện thời, tùy theo tính chất hành vi, nếu việc khai báo gian dối để xin cấp lại giấy thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… thì người có hành vi bị truy cứu về tội danh tương xứng. Còn nếu không thì cũng không xử phạt hành chính được. Đây là một lỗ hổng cần phải nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện pháp luật, phòng ngừa, răn đe với những tình huống tương tự. Mặt khác, theo tôi, để tránh những hậu quả, rủi ro đáng tiếc trong các giao dịch dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất, người dân cần làm đúng quy định là thông qua cơ quan quản lý nhà nước để đăng ký giao dịch đảm bảo. ThS CAO VŨ MINH, |