Sáng nay (19-12), kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII bước sang ngày thứ hai với nội dung nghe báo cáo tóm tắt tổng hợp tình hình và kết quả thảo luận tại các tổ đại biểu.
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ vào chiều 18- 12, đại biểu nêu thực trạng hiện nay người dân có thể mua thuốc ở bất kỳ đâu mà không cần đơn thuốc của bác sỹ.
Các đại biểu nghe báo cáo tóm tắt tổng hợp tình hình và kết quả thảo luận tại các tổ.
Dân nghèo nên tiếc tiền khám?
Ông Nguyễn Văn Thương, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở Y tế Nghệ An, cho rằng ở các nước phát triển, người dân đi mua viên thuốc kháng sinh nếu không có đơn của BS thì không bao giờ mua được nhưng ở Việt Nam thì mua được. "Ở đây có mấy lý do, thứ nhất là ý thức người dân. Thực ra người dân chúng ta rất là nghèo, bây giờ nói đi khám BS hết 20.000-30.000 đồng rồi mới được BS kê đơn, trong khi ra ngoài chợ hay ra đại lý thuốc mua một liều nói bán cho em 5.000 đồng tiền thuốc là có. Dân rất là khổ, cái khổ của dân là ý thức kém.
Cái thứ hai là cơ sở bán thuốc hiện nay là đại lý, quầy thuốc. Đại lý thuốc thì người bán thuốc có trình độ đại học bán còn chặt chẽ hơn. Còn quầy thuốc biết cấm nhưng vẫn bán, có người mua là bán.
Cái tiếp theo hiện nay Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 23 (ban hành danh mục thuốc không kê đơn), tất cả đã biết cái này, đã làm và Sở Y tế vừa có văn bản chỉ đạo, kiểm tra nhưng vấn đề vẫn khó”.
Ông Thương cho rằng để giải quyết được vấn đề này thì chờ “xã hội phát triển, dân giàu hơn”.
Ông Nguyễn Văn Thương- Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở Y tế Nghệ An
Đại biểu Phan Thị Hoan (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) phản biện lại: “Tôi không đồng ý với trả lời của đại diện Sở Y tế Nghệ An. Người dân sử dụng thuốc tùy tiện, ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, đến cả thế hệ sau nữa. Tôi muốn hỏi là trách nhiệm của ngành y tế là cơ quan quản lý, cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong vấn đề này như thế nào chứ không thể đợi đến khi người dân giàu rồi khi đó mới sử dụng thuốc có hiệu quả. Khi nào người dân mới giàu?”.
Ông Thương nói: “Hiện toàn tỉnh Nghệ An có 1.066 đại lý thuốc mà đại lý thì tiêu chuẩn thấp. Theo quy định của Bộ Y tế, đến hết ngày 30-6-2020, nếu các đại lý này không đảm bảo chuyển sang quầy thuốc thì sẽ phải đóng cửa. Trong năm 2017 có 90 đại lý thuốc hoàn thành chuyển đổi, năm 2018 sẽ có khoảng hơn 400 đại lý chuyển sang quầy thuốc. Khi đó sẽ giải quyết được tình trạng bán thuốc không cần kê đơn”. Ông Thương cho rằng Phòng Quản lý dược và Sở Y tế đã tham mưu nhiều văn bản chỉ đạo quản lý cũng như công tác truyền thông về vấn đề trên.
Cán bộ cũng lên facebook bán hàng xách tay
Các đại biểu cũng nêu vấn đề trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) có nhiều cửa hàng bán “hàng xách tay” giá rất cao “trên trời” nhưng lại không rõ nguồn gốc xuất xứ hàng. Thậm chí nhiều cán bộ công chức lên Facebook, đi bán hàng xách tay không rõ nguồn gốc.
Các đại biểu thảo luận tại tổ, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII.
Đại biểu Nguyễn Đình Hùng (huyện Con Cuông, Nghệ An) nêu: “Lâu nay trên các trang mạng, Facebook cá nhân, mỗi công chức chúng ta đi làm vẫn sẵn sàng bán "hàng xách tay", mỗi cán bộ, thậm chí học sinh, sinh viên cũng bán "hàng xách tay". Mặc dù không có cái gì ở trong nhà nhưng cứ thông qua mạng xã hội thông báo ngày mai là có hàng. Khi lên mạng thì long lanh còn khi mua về nhà thì không thể dùng được, tình trạng này rất nhiều”.
Theo số liệu của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An, trong năm 2017, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử lý 145 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ với tổng giá trị thu phạt gần 1,3 tỉ đồng.
Các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ chủ yếu các mặt hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, nước giải khát, hàng hóa vi phạm sở hữu công nghiệp… Hàng kém chất lượng xuất hiện cả ở miền núi.
Các đại biểu cho rằng ngành công thương và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động bán hàng xách tay, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc thông qua mạng xã hội để không gây thiệt hại cho người tiêu dùng.