Dân muốn trả tiền, thi hành án muốn bán nhà

Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) vừa có văn bản nêu ý kiến về việc tổ chức THA liên quan đến khiếu nại của bà Nguyễn Ngọc Kiều Trang ở quận 5, TP.HCM. Theo đó, Tổng cục THADS cho rằng để tránh gây hậu quả không khắc phục được thì Cục THADS TP.HCM phải giải quyết khiếu nại của bà Trang, đồng thời yêu cầu tòa án giải thích bản án liên quan. Từ đó Tổng cục mới có căn cứ để hướng dẫn cụ thể.

Ba bản án với số nợ hơn 23 tỉ đồng

Sự việc xuất phát từ năm 1996, bà Trang đem căn nhà ở đường Nguyễn Trãi, quận 5 để bảo lãnh cho Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại Gia Phú vay ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Hoa 7 tỉ đồng để xây khách sạn Tân Đào Viên. Sau đó, Ngân hàng Việt Hoa lại đem hồ sơ của bà Trang để tái thế chấp cho Ngân hàng Nhà nước TP.HCM mà không có sự đồng ý của bà.

Do Công ty Gia Phú không trả đúng hạn nên tháng 6-2003, TAND quận 5 xử sơ thẩm đã tuyên buộc Gia Phú phải thanh toán cho Ngân hàng Việt Hoa hơn 12,2 tỉ đồng. Tòa còn tuyên nếu Công ty Gia Phú không thanh toán đúng thời hạn thì người bảo lãnh là bà Trang phải thanh toán số tiền trên. Bản án có hiệu lực ngay sau đó.

Tháng 8-2003, Đội THA quận 5 (nay là Chi cục THADS quận 5) ra quyết định THA đối với Công ty Gia Phú và kê biên khách sạn Tân Đào Viên.

Do có tranh chấp về hợp đồng xây dựng khách sạn nên tháng 3-2004, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thế Giới Mới kiện Công ty Gia Phú ra tòa. Ngày 7-12-2004, TAND TP.HCM ra quyết định công nhận sự thỏa thuận với nội dung: Công ty Gia Phú trả cho Công ty Thế Giới Mới hơn 5,7 tỉ đồng.

Ngoài ra, tháng 7-2010, TAND TP.HCM xử sơ thẩm còn tuyên buộc Công ty Gia Phú phải trả nợ cho Công ty Xây dựng Thương mại Sài Gòn 5 hơn 5,2 tỉ đồng.

10 năm sau, tức tháng 8-2013, Cục THADS TP.HCM rút hồ sơ vụ Công ty Gia Phú phải trả cho Ngân hàng Việt Hoa hơn 12,2 tỉ đồng từ Chi cục THADS quận 5 lên để giải quyết. Còn hai bản án mà Gia Phú nợ Thế Giới Mới và Sài Gòn 5 thì Chi cục THADS quận 5 giải quyết.

Bà Nguyễn Ngọc Kiều Trang và căn nhà của bà sắp bị cơ quan thi hành án bán trong khi chưa rõ nghĩa vụ trả nợ thay của bà là bao nhiêu. Ảnh: NN

20 tỉ đồng còn đó nhưng vẫn nhắm bán nhà

Tháng 5-2016, Chi cục THADS quận 5 bán đấu giá thành công khách sạn Tân Đào Viên của Gia Phú với giá gần 20 tỉ đồng. Người mua trúng đấu giá tài sản đã nộp đủ số tiền gần 20 tỉ đồng nhưng vẫn không đủ để Công ty Gia Phú thi hành cho cả ba bản án trên. Cục THADS TP.HCM và Chi cục THADS quận 5 lại không thống nhất được về cách chia tiền. Vì thế dù đã năm tháng qua, Chi cục THADS quận 5 vẫn chưa THA cho bản án nào.

Thấy vậy, Cục THADS TP.HCM xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục THADS. Trong khoảng thời gian này, Cục THADS TP ra thông báo bán đấu giá căn nhà của bà Trang với giá khởi điểm hơn 8 tỉ đồng.

Tháng 6-2016, Ngân hàng Việt Hoa đề nghị Cục THADS TP cho bà Trang được tạm hoãn THA ba tháng để chờ chia số tiền gần 20 tỉ đồng.

Bà Trang trình bày: “Khi nào các cơ quan THA thống nhất chia gần 20 tỉ đồng cho ba bản án xong, nếu Công ty Gia Phú còn thiếu Ngân hàng Việt Hoa, tôi sẽ vay mượn để trả thay. Nhưng chấp hành viên không đồng ý, cũng chẳng cho tôi biết rõ số tiền tôi còn phải thanh toán cho ngân hàng. Vậy mà họ cứ muốn mang nhà tôi ra tổ chức bán đấu giá. Tôi khiếu nại, cục trưởng đã chấp nhận đơn của tôi, yêu cầu chấp hành viên báo cáo đề xuất trình hồ sơ để ra quyết định hoãn THA nhưng chấp hành viên không trình. Họ dự kiến ngày 3-11 sẽ đem nhà tôi ra bán đấu giá. Tôi biết kêu ai đây?”.

“Cứ bán trước đã, nếu dư thì trả lại”

Ngày 22-9, phó cục trưởng THADS TP.HCM thừa nhận chấp hành viên không trình hồ sơ để lãnh đạo Cục xem xét, ban hành quyết định hoãn THA đối với bà Trang là có thiếu sót.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vào ngày 19-10, Phó Cục trưởng Cục THADS TP Phạm Thị Thanh Loan nói: “Chúng tôi vẫn phải kê biên phát mại căn nhà của bà Trang, không có cớ gì phải ngưng cả. Vì nếu hoãn phát mại căn nhà sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người được THA mà Ngân hàng Việt Hoa đang nợ. Vả lại, bản án cũng tuyên nếu Công ty Gia Phú không trả đúng hạn thì bà Trang phải thanh toán. Cho nên bà Trang không muốn bán nhà thì phải nộp tiền vào để THA”.

PV hỏi trong khoảng thời gian chờ Tổng cục chỉ đạo, tại sao Cục không ngưng phát mại nhà của bà Trang để tránh gây ra hậu quả lớn sau này. Bà Loan trả lời: “Chúng tôi cứ bán trước đã, nếu dư thì sẽ trả lại tiền cho bà Trang”.

PV hỏi tiếp: Sau khi chia gần 20 tỉ đồng cho ba bản án, bà Trang còn phải thay Công ty Gia Phú trả nợ cho Ngân hàng Việt Hoa bao nhiêu nữa để bà ấy biết mà nộp thêm tiền? Tuy nhiên, bà Loan không nêu ra được con số cụ thể…

Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc khi vụ việc có diễn tiến mới.

Không nên vội vàng, dễ gây hậu quả lớn

Trường hợp một người chỉ có một tài sản duy nhất mà phải thi hành cho nhiều bản án, trong đó có một bản án có người bảo lãnh, còn những bản án khác không được bảo lãnh thì hiện nay luật chưa có quy định cụ thể.

Theo tôi, nên căn cứ vào khoản 2 Điều 47 Luật THADS, dùng số tiền gần 20 tỉ đồng của Công ty Gia Phú để chia theo tỉ lệ cho: Ngân hàng Việt Hoa, Công ty Sài Gòn 5 và Công ty Thế Giới Mới. Sau khi chia tỉ lệ xong, phía Công ty Gia Phú còn thiếu nợ Ngân hàng Việt Hoa bao nhiêu thì bà Trang phải có nghĩa vụ trả nợ thay.

Cục THADS TP.HCM lấy lý do là bản án tuyên “nếu Công ty Gia Phú không trả đúng hạn thì bà Trang phải thanh toán” để tổ chức bán đấu giá nhà của bà Trang là không đúng với quy định pháp luật. Ở đây bà Trang đã có thiện chí bằng cách chủ động đề nghị dùng tiền trả nợ để không phải bán nhà thì Cục THADS TP phải tôn trọng đề xuất này. Vì căn cứ theo Điều 13 Nghị định 62/2015 thì khi chưa thống nhất về quan điểm chia tiền cho ba bản án nghĩa là chưa rõ bà Trang phải trả nợ bao nhiêu. Lúc này Cục THADS TP chỉ có thể kê biên căn nhà của bà Trang để tránh tình trạng tẩu tán tài sản. Nếu chấp hành viên đem bán đấu giá căn nhà ngay khi chưa rõ số nợ là quá vội vàng, chưa lường hết hậu quả xảy ra.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, ĐH Luật TP.HCM

“Phải giải quyết khiếu nại cho bà Trang”

Một ngày sau khi PV trao đổi với Cục THADS TP.HCM thì tổng cục THADS có văn bản cho rằng cơ quan THADS đã không tích cực, không chủ động làm rõ nội dung duy trì việc thế chấp với việc xử lý tài sản thế chấp, tổ chức THA bị kéo dài… Cục THADS TP.HCM không tổ chức họp liên ngành mà đã xin ý kiến chỉ đạo là chưa đúng quy trình. Tổng cục còn cho rằng để tránh gây hậu quả không khắc phục được tài sản khi đã bán thì Cục THADS phải giải quyết khiếu nại của bà Trang và đồng thời yêu cầu tòa án giải thích bản án. Từ đó Tổng cục THADS mới có căn cứ để hướng dẫn cụ thể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới