Dân tố thi hành án kéo rê vụ việc

Phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Tài (ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết: Theo một bản án dân sự phúc thẩm tháng 8-2013, bà LTTH có trách nhiệm bồi thường cho ông hơn 1,27 tỉ đồng. Ngay sau đó, ông đã làm đơn yêu cầu thi hành án (THA) nhưng đến nay Cục THA dân sự TP Cần Thơ vẫn chưa giải quyết dứt điểm, gây thiệt thòi cho ông.

Án tuyên thi hành án xong mới được sang tên

Theo hồ sơ, năm 2004 ông Tài mua giấy tay thửa đất rộng 1.600 m2 của bà H. với giá 164 triệu đồng. Năm năm sau, bà H. chuyển nhượng hầu hết diện tích đất đã bán cho ông Tài cho sáu người khác (có hợp đồng công chứng). Sau đó, khi ông Tài đi làm thủ tục chuyển nhượng thửa đất này thì xảy ra tranh chấp với bà H. Ông bèn khởi kiện yêu cầu TAND quận Bình Thủy buộc bà H. tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng đất cho ông, hủy hợp đồng chuyển nhượng của bà H. với sáu người mua đất sau ông (người có quyền lợi liên quan trong vụ án).

Xử sơ thẩm, TAND quận Bình Thủy đã hủy hợp đồng chuyển nhượng đất bằng giấy tay giữa hai bên, buộc bà H. bồi thường cho ông Tài. Tháng 8-2013, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm cũng tuyên buộc bà H. phải bồi thường cho ông Tài hơn 1,27 tỉ đồng. Cạnh đó, tòa tuyên rất rõ là “để đảm bảo cho việc THA, buộc bà H. phải THA xong phần nghĩa vụ trả tiền cho ông Tài mới có quyền lập thủ tục chuyển nhượng đất cho sáu người mà bà H. đã chuyển nhượng”. Ngoài ra, tòa phúc thẩm còn tuyên bà H. có trách nhiệm sang tên quyền sử dụng đất cho sáu người có quyền lợi liên quan trong vụ án.

Ông Nguyễn Văn Tài cho biết đã khiếu nại nhiều nơi về vụ việc của mình nhưng chưa được giải quyết rốt ráo. Ảnh: N.NAM

Thay bốn chấp hành viên chưa xong

Ngay sau đó, ông Tài đã làm đơn yêu cầu THA. Hơn ba năm qua, vụ việc đã được chuyển giao cho bốn chấp hành viên nhưng vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Ban đầu, chấp hành viên kê biên toàn bộ hai thửa đất của bà H. (trong đó có cả thửa đất tranh chấp) để THA cho ông Tài. Sau đó, Cục THA dân sự TP Cần Thơ ra thông báo tạm dừng việc THA để xin ý kiến Tổng cục THA dân sự. Ông Tài khiếu nại thì Tổng cục THA dân sự chấp nhận hủy thông báo tạm dừng nói trên. Vụ việc được chuyển cho một chấp hành viên khác, rồi giao cho cục trưởng Cục THA dân sự TP Cần Thơ và hiện nay là phó cục trưởng Cục THA dân sự TP Cần Thơ giải quyết.

Trong quá trình này, sáu người có quyền lợi liên quan trong vụ án đã khiếu nại giám đốc thẩm nhưng năm 2014 cả VKSND Tối cao lẫn Tòa Dân sự TAND Tối cao đều có văn bản trả lời họ là không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm. Cả hai cơ quan này đều cho rằng việc tòa phúc thẩm buộc bà H. phải THA xong phần nghĩa vụ trả tiền cho ông Tài mới có quyền sang tên thửa đất tranh chấp cho sáu người có quyền lợi liên quan là phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho ông Tài và không gây thiệt hại gì đến quyền lợi của họ.

Mới đây, trả lời khiếu nại của ông Tài, Cục THA dân sự TP Cần Thơ giải thích: Sau khi chấp hành viên kê biên hai thửa đất của bà H. thì sáu người có quyền lợi liên quan khiếu nại. “Qua nghiên cứu bản án đều công nhận và buộc bà H. có trách nhiệm chuyển quyền sử dụng đất cho sáu người liên quan. Vì vậy nếu kê biên, xử lý toàn bộ quyền sử dụng đất của bà H. để THA cho ông Tài, bao gồm các quyền sử dụng đất đã được tòa công nhận và buộc bà H. có trách nhiệm chuyển nhượng cho sáu người nêu trên là chưa phù hợp với nội dung bản án, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các đương sự” - văn bản giải quyết khiếu nại nêu. Từ đó Cục THA cho biết đã có văn bản đề nghị tòa án có thẩm quyền xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, đồng thời kê biên, xử lý thửa đất không liên quan đến sáu người này để tiếp tục THA cho ông Tài. Tuy nhiên, thửa đất này qua bốn lần hạ giá (hiện còn gần 300 triệu đồng) vẫn chưa có người đăng ký mua...

Cơ quan thi hành án: Không biết chờ đến khi nào

“Từ năm 2014, cả VKSND Tối cao và Tòa Dân sự TAND Tối cao đều có văn bản trả lời cho sáu người có quyền lợi liên quan là không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm, bây giờ Cục THA cứ nói phải chờ ý kiến của TAND Tối cao là sao? Theo bản án phúc thẩm thì tôi phải được ưu tiên THA trước. Giờ tôi còn phải chờ đến bao giờ nữa?” - ông Tài bức xúc.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Cục trưởng Cục THA dân sự TP Cần Thơ Nguyễn Duy Quốc (cũng là người đang giải quyết vụ việc) vẫn cho biết là phải chờ ý kiến của TAND Tối cao rồi mới tiến hành giải quyết tiếp thửa đất liên quan đến sáu người mua đất sau ông Tài. Chúng tôi hỏi phải chờ đến khi nào thì ông Quốc nói... không biết.

Ông Quốc cũng thông tin thêm là tháng 8-2016, TAND Tối cao có văn bản yêu cầu TAND TP Cần Thơ, VKSND TP Cần Thơ phối hợp Cục THA dân sự TP đo đạc lại để xác định nếu trừ thửa đất mà sáu người có quyền lợi liên quan đã lập hợp đồng chuyển nhượng thì còn đủ để THA cho ông Tài hay không. TAND Tối cao cũng đề nghị cơ quan THA tiến hành hòa giải giữa các đương sự về việc tự nguyện thỏa thuận THA (nếu được) rồi báo cáo về TAND Tối cao để có cơ sở giải quyết. Mới đây, Cục THA dân sự TP đã có báo cáo gửi TAND Tối cao. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

Theo bản án, ông Tài được ưu tiên thi hành án trước

Theo tôi, bản án phúc thẩm ưu tiên cho ông Tài được THA trước thông qua nội dung tuyên buộc bà H. phải thực hiện xong nghĩa vụ trả tiền cho ông Tài rồi mới được làm thủ tục sang tên cho sáu người có quyền lợi liên quan.

Mặt khác, việc tòa phúc thẩm tuyên bà H. phải sang tên quyền sử dụng đất cho sáu người có quyền lợi liên quan không có nghĩa là công nhận quyền sử dụng đất của sáu người này. Bởi lẽ Điều 692 BLDS 2005, khoản 4 Điều 146 Nghị định số 181/2004 đều quy định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất. Hiện nay phần đất tranh chấp chuyển nhượng vẫn thuộc quyền sử dụng của bà H. vì chưa đăng ký tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất.

Do đó, cơ quan THA cần ưu tiên kê biên phát mại tài sản khác của bà H. để THA cho ông Tài. Trong trường hợp bà H. không có tài sản nào khác thì phải kê biên phát mại cả thửa đất đề cập trong bản án để ưu tiên THA cho ông Tài trước.

Với sáu người có quyền lợi liên quan, nếu sau khi đã THA cho ông Tài xong mà bà H. không thể làm thủ tục sang tên vì không còn đất để giao thì xem như bà H. vi phạm hợp đồng. Sáu người này có quyền khởi kiện bà H. yêu cầu trả lại tiền và bồi thường thiệt hại.

Luật sư LÊ QUANG VŨ, Văn phòng luật sư
Người Nghèo, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm