Dù bản án của TAND Tối cao đã tuyên xử thắng kiện nhưng suốt sáu năm nay ông Lâm Lệ Đắc vẫn không thể nào giao dịch nhà, đất ở quận 6, TP.HCM.
Bị thu hồi giấy chủ quyền nhà, đất
Năm 1991, vợ chồng ông Đắc mua mảnh đất 352 m2 nằm trong khuôn viên nhà 767D Hậu Giang, phường 11, quận 6. Đến năm 1997, ông Đắc được UBND TP cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (giấy chứng nhận).
Kế nhà ông Đắc là nhà của ông Lâm Lệ Hoàn (anh ruột ông Đắc), giữa hai nhà có một lối đi chung thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Đắc. Phần đất này cũng đã được cấp giấy chủ quyền.
Thắng kiện 6 năm vẫn chưa được thi hành án
Năm 1999, gia đình ông Nguyễn Văn Ba mua nhà về ở giáp với lối đi chung và đã xin gia đình ông Đắc được trổ cửa sổ bên hông nhà sang phần đất lối đi chung. Ông Đắc đồng ý với điều kiện chỉ cho trổ tạm thời.
Tuy nhiên, đến năm 2003, ông Ba tranh chấp phần lối đi chung của anh em nhà ông Đắc, cho rằng đó là lối đi công cộng. Sau đó, UBND quận 6 xác nhận phần đất đó là do Nhà nước quản lý và buộc ông Đắc phải tháo dỡ tài sản trên đất. Gia đình ông Đắc khiếu nại lên UBND phường, quận và UBND TP nhưng đều bị bác đơn. Năm 2005, UBND TP đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp trước đó cho ông Đắc, với lý do là đoàn đo đạc bản đồ tính toán nhầm nên đã gộp phần đất trống nằm ngoài ranh vào diện tích khu đất.
Ông Đắc khởi kiện yêu cầu hủy quyết định hành chính của UBND TP về thu hồi giấy chứng nhận thì cả tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm đều bác đơn.
Thắng kiện nhưng chủ quyền nhà, đất vẫn bị “treo”
Ông Đắc tiếp tục khiếu nại xin xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. TAND Tối cao nhận định UBND TP ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận của ông Đắc là không có căn cứ. TAND Tối cao cho rằng lối đi chung bị tranh chấp nằm trong diện tích đất của ông Đắc. Thêm vào đó, theo quy định của pháp luật đất đai thời điểm ấy, việc thu hồi giấy chứng nhận chỉ thực hiện trong hai điều kiện. Trường hợp một là cấp đổi lại giấy sạt lở tự nhiên đối với cả thửa đất, có thay đổi ranh giới thửa đất mà phải cấp mới giấy chứng nhận. Trường hợp hai là thu hồi theo quy định tại Điều 38 Luật Đất đai. Trong khi đó, lý do thu hồi giấy chứng nhận của ông Đắc lại là do sai số đo vẽ.
Từ những căn cứ này, TAND Tối cao đã giao hồ sơ về cho TAND Tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm lại. Tháng 11-2010, TAND Tối cao tại TP.HCM đã ra bản án tuyên hủy quyết định của UBND TP về việc thu hồi giấy chủ quyền nhà, đất của ông Lâm Lệ Đắc.
Ông Đắc cho biết từ khi bản án có hiệu lực đến nay, UBND TP vẫn chưa hủy quyết định thu hồi giấy chứng nhận cho gia đình ông. Ông Đắc đã nhiều lần làm đơn gửi cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết. Đến tháng 10-2015, UBND TP có công văn giao Sở TN&MT kiểm tra, rà soát nội dung đơn của ông Đắc. Sau đó một tháng, Sở TN&MT có văn bản gửi UBND TP rằng việc TP ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận trước đây của ông Đắc là trên cơ sở ý kiến tham mưu, đề xuất của Sở Xây dựng. Do đó, Sở TN&MT kiến nghị TP giao vụ việc về cho Sở Xây dựng. Từ đó đến nay, yêu cầu của ông Đắc vẫn chưa được giải quyết. “Do TP chưa thi hành án nên nhà, đất của chúng tôi gần như không được thực hiện bất cứ giao dịch gì” - ông Đắc cho hay.
Mới đây, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế-xã hội chín tháng đầu năm, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP, đề nghị Pháp Luật TP.HCM cung cấp hồ sơ về trường hợp của ông Đắc để TP chỉ đạo giải quyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sau khi có phản hồi của UBND TP.