"Lũ gì mà lũ hoài, lũ riết giờ hết gạo ăn"
Ngày 17-12, lũ ở Quảng Ngãi bắt đầu rút. Đây là đợt lũ kéo dài nhất trong nhiều thập niên trở lại đây. Lệ thường bước vào mùa mưa bão người dân vùng lũ thường dự trữ khoảng 10 ngày lương thực. Nhưng rồi lũ kéo dài đến 18 ngày (tính từ ngày 30-11) nên nguồn lương thực dự trữ cũng hết. Người dân, nhất là hộ nghèo, neo đơn ở vùng ngập sâu, vùng bị cô lập trong nhiều ngày đang gặp khó khăn về gạo ăn.
Xã Hành Dũng nằm bên sông Phước Giang. Đây là nơi đầu tiên hứng chịu lũ ở Quảng Ngãi từ ngày 30-11. Cũng từ thời điểm đó, năm cơn lũ đã đi qua ở xã này.
Nước lũ vừa rút, lực lượng dân quân xã Hành Dũng đã cùng với người dân lo cào bùn non, rác rưởi trôi tấp ở khu vực UBND xã và đường liên huyện Nghĩa Hành, Minh Long (Quảng Ngãi).
Ngày hôm nay, nước bắt đầu rút. Cơ quan xã, trường học, trạm y tế và nhà dân đều phủ lớp bùn sâu. Những người dân chống chọi sau những cơn lũ kéo dài đều mệt mỏi nhưng phải cố gắng dọn dẹp, cào bùn theo nước lũ rút, bởi làm chậm, lũ xuống thấp sẽ tốn công sức nhiều hơn. "Cái khó đâu chỉ là dọn dẹp mà thùng gạo trong nhà đã cạn. Sáng nay, phải xuống Chợ Chùa mua gạo chứ nhà hết gạo rồi” - anh Võ Đình Dương, nhà ở gần chợ Phiên Tam Bảo nói.
Cực nhất là các hộ nghèo, bình thường trong thời điểm cuối năm cuộc sống đã khó, giờ lại càng khó hơn về gạo ăn. Bà Mai Thị Bích Đào chỉ ngôi nhà còn ngập nước nói: “Con cái đi xa hết, chỉ có tui ở đây một mình. Trước lũ cũng dự trữ 15 lon gạo. Lũ gì mà lũ hoài, lũ riết giờ hết gạo ăn. Lúa cũng còn trong bao nhưng sau lũ ai mà xay xát nên hết gạo phải vay mượn bà con chòm xóm”.
Bà Mai Thị Bích Đào - hộ neo đơn ở xã Hành Dũng rất cần hỗ trợ gạo. Trong chiều 17-12, bà đã được bà con trong xóm đến giúp cào dọn bùn non
Rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Hành Dũng trong sáng nay đã cùng với công an, xã đội lo dọn vệ sinh trường học, trạm y tế và khu vực sân UBND xã. Ông Nghĩa cho hay: "Xã có 505 nhà dân với khoảng 2.000 nhân khẩu bị ngập. Trong đó có nhiều hộ nghèo nhà cửa tạm bợ lúa gạo bị ướt và quá nhiều hộ gạo dự trữ trong lũ đã hết sạch nên thời điểm này rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm để họ vượt qua khó khăn sớm ổn định cuộc sống".
Ông Đàm Bàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, cho hay: "Trước mưa lũ huyện đã dự trữ 10 tấn gạo, 2.000 thùng mì tôm, 1.000 thùng nước khoáng. Những ngày mưa lũ vừa qua ở huyện có đến 48 thôn bị chia cắt, 2.976 hộ với 10.120 nhân khẩu phải sơ tán di dời. Bà con đi tránh lũ trong thời điểm nước dâng cao, bị cô lập nên huyện đã trích một phần để cứu trợ trong lũ ở các xã Hành Đức, Hành Minh, Hành Thiện, Hành Nhân, thị trấn Chợ Chùa. Số còn lại đang tiến hành cấp phát cho dân".
Cũng theo ông Bàng, lũ dâng cao và kéo dài nên ở những vùng hiện còn ngập sâu, bị cô lập thì cần cứu trợ mì tôm và nước uống. Còn những hộ nghèo tại những vùng bị ngập sâu giờ đã hết bị cô lập do lũ thì cần hỗ trợ gạo để có cái ăn. Bởi vì, sau lũ nhiều hộ lúa gạo bị ngập, hoặc có lúa nhưng các cơ sở xay xát chưa hoạt động (do bản thân chủ cơ sở cũng lo dọn dẹp cho gia đình của mình).
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến về ứng phó và khắc phục mưa lũ ở miền Trung sáng nay do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã báo cáo: Từ ngày 30-11 đến 17-12, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 9 người chết, 4 người mất tích, 9 người bị thương; 20 nhà sập hoàn toàn, gần 100 nhà hư hỏng, trên 17.500 nhà bị ngập nước. Tổng thiệt hại tài sản ban đầu ước khoảng 600 tỉ đồng. Trước những khó khăn sau mưa lũ kéo dài, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh Quảng Ngãi 1.500 tấn gạo, 7 tỉ đồng để mua 250 tấn giống lúa, 20 tấn giống rau các loại, 5 tấn CloraminB và 250 tỉ đồng khắc phục các công trình thiết yếu để khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. |