Tỷ lệ hôn nhân đổ vỡ cao khiến Anh chỉ đứng số 18 trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Mặc dù là một trong những quốc gia giàu có trên thế giới nhưng nước Anh lại chỉ xếp vị trí thứ 18 trong số 20 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, theo một báo cáo chính thức của Liên Hợp Quốc.
Thậm chí, Vương quốc Anh còn đứng sau Costa Rica, một quốc gia có mức thu nhập bình quân chỉ bằng 1/4 so với Anh.
Số lượng các cuộc hôn nhân đổ vỡ tương đối cao ở Anh là một trong những lý do tại sao quốc gia này lại bị đẩy xuống vị trí 18 của bảng xếp hạng.
Các nước Scandinavia là nơi hạnh phúc nhất thế giới.
Đứng đầu danh sách là các nước Scandinavia với Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy lần lượt là ba quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Những quốc gia nghèo khó và bị chiến tranh tàn phá ở châu Phi như Sierra và Togo trở thành những nước đứng ở cuối bảng.
Mặc dù có mối liên hệ chung giữa mức độ giàu có và tâm trạng của người dân ở một quốc gia nhưng tác giả của Báo cáo Hạnh phúc Thế giới cho bết hai yếu tố này không phải lúc nào cũng ảnh hưởng tới nhau.
Jeffrey Sachs, một nhà kinh tế phát triển tới từ Đại học Columbia New York cho biết hạnh phúc có thể có được một cách độc lập với hiệu suất kinh tế của một quốc gia.
"Mỹ đã có sự gia tăng tổng sản phẩm quốc dân bình quân đầu người gấp ba lần từ năm 1960, nhưng chỉ số hạnh phúc vẫn không hề nhúc nhích."
Những yếu tố khác như quan hệ xã hội và sức khỏe được xem trọng hơn.
Sierra và Togo trở thành những nước đứng ở cuối bảng.
Báo cáo trên cũng hợp nhất với một vài nghiên cứu của Anh, vốn chỉ ra rằng hôn nhân và sự tự làm chủ là nhân tố chủ chốt làm tăng mức độ hạnh phúc tại xứ sở sương mù.
"Sự sung túc tạo ra nỗi khổ của riêng nó."-Ông Sachs cho biết.
Ông cũng nói rằng sự phát triển kinh tế dẫn tới một số vấn đề như rối loạn ăn uống, béo phì, tiểu đường và các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Các nghiên cứu còn cho thấy kinh tế phát triển kéo theo thói nghiện mua sắm, xem TV và chơi cờ bạc.
Bảng xếp hạng trên do Liên Hợp Quốc thực hiện dựa trên việc biên soạn các câu trả lời khảo sát trên toàn thế giới từ năm 2005 tới giữa năm 2011 để xác định mức độ hạnh phúc của 156 quốc gia khác nhau.
Theo Sầm Hoa (VNN / Daily Mail)