Dân số vàng nhưng chất lượng thấp

GS-TS Nguyễn Đình Cử (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, chia sẻ đối với sự kiện mang ý nghĩa lịch sử về dân số Việt Nam.

Ba thách thức lớn

. Phóng viên: Ông cảm nhận như thế nào khi đón nhận thông tin dân số nước ta cán mốc 90 triệu?

Dân số vàng nhưng chất lượng thấp ảnh 1

+ GS-TS Nguyễn Đình Cử: Cảm nhận đầu tiên của tôi là dân số nước ta phát triển nhanh. Năm 1960, cả nước có 30 triệu người, vậy mà chỉ khoảng nửa thế kỷ trôi qua con số này đã tăng lên gấp ba lần. Việt Nam là quốc gia có số dân đông thứ 3 Đông Nam Á và đứng thứ 13 trên thế giới. Nhiều nước đông dân hơn Việt Nam nhưng lãnh thổ rộng lớn hơn nhiều lần nên mật độ dân số của họ vẫn thấp, như Nga: 8 người/km2, Mỹ: 33 người/km2… Việt Nam lên đến 272 người/km2.

. Mật độ cao tạo ra những thách thức nào?

+ 90 triệu dân sẽ tạo một áp lực toàn diện lên sự phát triển của Việt Nam trên các  khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Trước hết, đó là bài toán giải quyết việc làm. Chúng ta có  66%-67% dân số trong độ tuổi lao động (khoảng 60 triệu người). Đây là nguồn lực lớn của đất nước, tuy nhiên nếu không giải quyết được việc làm sẽ nảy sinh tiêu cực, tệ nạn, tội phạm xã hội. Tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên trong độ tuổi lao động được đào tạo theo điều tra dân số năm 2009 mới chỉ được khoảng 14%, đây là tỉ lệ rất thấp. Đi cùng với nó, nguồn lao động không được đào tạo thì năng suất cũng khó mà cao lên được. Vì vậy, bài toán thứ hai đó là đào tạo nâng cao chất lượng lao động. Mặt khác, quy mô dân số lớn nhưng quy mô gia đình lại nhỏ, điều này tạo sức ép rất lớn cho việc giải quyết nhiều vấn đề xã hội.

Dân số vàng nhưng chất lượng thấp ảnh 2

Việt Nam có cơ cấu dân số vàng nhưng chất lượng chưa cao. Ảnh: HTD

. Cụ thể đó là những sức ép nào?

+ Sức ép lên y tế, giáo dục đào tạo… Do quy mô gia đình nhỏ, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con nên họ thường đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao hơn. Không phải tất cả những gia đình có quy mô nhỏ ấy đều có nhu cầu, có khả năng thanh toán về dịch vụ chất lượng cao nhưng chỉ cần vài ba chục phần trăm của 90 triệu dân cũng tạo thành một tổng nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao lại chưa theo kịp với nhu cầu dẫn đến căng thẳng xã hội. Quy mô gia đình nhỏ, ngược lại cũng sẽ là yếu tố góp phần tăng chất lượng nguồn dân số, trẻ em được chăm sóc tốt, dinh dưỡng và đào tạo cũng được chăm lo hơn.

HDI thấp, suy dinh dưỡng cao, đào tạo kém

. Ông đánh giá thế nào về chất lượng dân số Việt Nam?

90 triệu dân, Việt Nam là nước đông dân thứ 13 trên thế giới và thứ ba ở Đông Nam Á.

Tuy đang ở thời kỳ dân số vàng - hai lao động nuôi một người phụ thuộc dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi - nhưng giai đoạn già hóa dân số ở Việt Nam đã bắt đầu từ 2011 với tốc độ nhanh với 7% dân số trên 65 tuổi.

+ Để đánh giá về chất lượng dân số, chúng ta có thể sử dụng một bộ chỉ tiêu. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng một chỉ tiêu mang tính tổng hợp hiện nay đó là  chỉ số phát triển con người (HDI) thì nước ta vẫn còn thấp. Năm 2009 chúng ta vẫn xếp thứ 128 trong số 187 nước so sánh. Chưa bao giờ Việt Nam lọt vào tốp 100 nước có chỉ số phát triển con người cao nhất. Ngoài ra, có thể đánh giá chất lượng dân số biểu hiện cụ thể qua các chỉ báo về thể lực, trí lực, tinh thần của con người.

. Những chỉ báo đó ở nước ta cụ thể là thế nào, thưa ông?

+ Về thể lực, trẻ em Việt Nam có tỉ lệ suy dinh dưỡng còn cao. Theo số liệu thống kê của Viện Dinh dưỡng trong năm 2012 cho thấy cứ năm trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị thiếu cân, cứ ba trẻ dưới 5 tuổi có một trẻ bị thấp còi.

Về trí lực, số liệu năm 2009 cho thấy cả nước có 6% dân số 15 tuổi trở lên mù chữ… Tỉ lệ lao động được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật cũng rất thấp lại mất cân đối. Trong số những người đang được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, ở bậc ĐH trở lên chiếm 53%  trong khi đó công nhân kỹ thuật chỉ có 1,7%.

Về tinh thần, tội phạm và tiêu cực xã hội vẫn diễn ra nghiêm trọng. Hàng loạt những con số thống kê cho thấy tình hình tội phạm ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng tăng, đạo đức xã hội xuống cấp.

. Ông từng đánh giá nước ta đã có nhiều lợi thế để nâng cao chất lượng dân số, vậy tại sao chất lượng nguồn dân số của nước ta theo chỉ số HDI vẫn đang thuộc diện thấp?

+ Chỉ số này được tính bình quân trên toàn bộ dân số của nước ta. Trong đó, đại đa số dân số nước ta thậm chí cả những người đang ở tuổi lao động phải trải qua những thời kỳ khó khăn của đất nước, chiến tranh, thiên tai hay sự kém phát triển của giáo dục, đào tạo. Họ phần lớn không được thụ hưởng sự phát triển của giáo dục đào tạo hay thành quả của phát triển kinh tế tạo ra. Hiện nay nước ta vẫn là nước đang phát triển, bình quân thu nhập chỉ nằm ở tốp cuối của thế giới. Kinh tế đóng vai trò rất lớn đối với chất lượng nguồn dân số.

Thúc đẩy khám tiền hôn nhân và kiểm soát bào thai

. Theo ông, để nâng cao chất lượng dân số, chúng ta cần phải làm gì?

+ Tôi nghĩ phải thay đổi toàn bộ nền kinh tế, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao…  mới nâng cao chất lượng dân số. Về mặt trẻ em, cần phải kiểm soát chất lượng dân số ngay từ khi còn là bào thai, thậm chí trước đó phải chú ý sức khỏe tiền hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân cho những người chuẩn bị làm cha, làm mẹ. Đối với những đối tượng có nguy cơ cao thì phải bắt buộc có chứng nhận sức khỏe hoặc được tư vấn trước khi kết hôn. Sàng lọc trước và sau sinh để phát hiện sớm bệnh tật, dị tật nhằm điều trị sớm. Tiếp theo nữa là phải phòng chống suy dinh dưỡng, ở thành phố phải phòng chống béo phì. Kiến thức về dinh dưỡng phải phổ cập cho toàn dân, đặc biệt các bậc cha mẹ đang nuôi con. Giáo dục và đào tạo có điều kiện nâng cao chất lượng, áp lực dân số lên lĩnh vực này giảm đi rất nhiều nhưng đòi hỏi chất lượng cao hơn, cải cách giáo dục rất cần thiết, đặc biệt chú ý đến đào tạo nghề.

. Nhìn vào thực tế đất nước, ông có kỳ vọng gì ở con số 90 triệu dân, thưa ông?

+ Tôi nhìn thấy ở đó khó khăn để phát triển nhiều hơn là thuận lợi. Tuy nhiên, với 90 triệu dân, Việt Nam đã trở thành một thị trường lớn. Mặt khác, chúng ta cũng đang có cơ cấu dân số vàng (tức là hai người trong độ tuổi lao động thì phải nuôi một người phụ thuộc). Cách đây 30 năm, cứ một lao động phải nuôi một người phụ thuộc nhưng hiện nay lại là thời kỳ nhiều lao động hơn, ít trẻ em hơn. Dù vậy, trong tương lai gần đây, khoảng từ năm 2020 trở đi sự phát triển của Việt Nam chủ yếu phải dựa vào chất lượng lao động, còn lợi thế về số lượng sẽ hết. Nói cách khác, đến khoảng năm 2020 trở đi, lao động sẽ tăng chậm hơn dân số, tăng trưởng kinh tế vì vậy phải dựa trên chất lượng nguồn nhân lực.

. Xin cảm ơn ông.

Đang trình Thủ tướng đề án nâng cao chất lượng dân số

Về chất lượng dân số hiện nay, chúng tôi đang xây dựng tiêu chí. Tuy nhiên, theo chỉ số HDI thì nước ta vẫn ở mức thấp. Để khắc phục điều này đã có một đề án về nâng cao chất lượng dân số được trình Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được phê duyệt. Hiện tại, chúng tôi đã triển khai một số mô hình can thiệp như mô hình nâng cao chất lượng dân số về sàng lọc sơ sinh, trước sinh, tư vấn tiền hôn nhân triển khai ở các tỉnh đạt hiệu quả tốt.

Chúng ta đang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ đến năm 2015, tuy nhiên điều này đang khó khăn về ngân sách.

Tôi tin rằng nếu nguồn lực đảm bảo chắc chắn sẽ đạt được chỉ tiêu chúng ta đã đề ra về nâng cao chất lượng nguồn dân số.

Chọn công dân thứ 90 triệu chỉ là ước tính

Nhiều người thắc mắc về việc làm sao có thể chắc chắn được ngày 1-11 thì công dân thứ 90 triệu mới chào đời, tôi phải khẳng định lại rằng đó là một sự lựa chọn ước tính mà thôi, thời điểm không bao giờ chính xác được. Theo kế hoạch là phải đến sáng 1-11, chúng tôi mới quyết định chọn đứa trẻ nào là công dân thứ 90 triệu của nước ta.

Ông HỒ CHÍ HÙNG, Phó Tổng  Cục trưởng, Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

VIẾT THỊNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm