Không chịu thấu cảnh ô nhiễm triền miên từ con rạch Bình Thọ, nhiều người dân ở phường Trường Thọ (quận Thủ Đức, TP.HCM) đã gửi đơn kiến nghị đến Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.
Rạch Bình Thọ gây… tổn thọ
Trong đơn gửi lãnh đạo TP.HCM vào đầu tháng 8-2016, hàng chục người dân cùng ký tên bày tỏ mong muốn được xây vách ngăn dọc theo con rạch Bình Thọ để hạn chế tình trạng ô nhiễm.
Ông Trần Văn Phương, nhà gần rạch Bình Thọ, bày tỏ: “Chúng tôi chịu đựng cảnh ô nhiễm từ con rạch này không biết bao nhiêu năm rồi. Trước đây, hễ mưa xuống là bốc mùi hôi nồng nặc. Nước kênh đỏ lòm như thuốc nhuộm nhưng có lúc xanh lè hoặc tím ngắt. Dòng nước ô nhiễm này từ quận 9 chảy sang. Chúng tôi đã phản ánh chuyện này nhiều lần mà đến giờ vẫn không ngăn được. Vì thế, chắc chỉ còn cách xây vách tường dọc con rạch này để ngăn bớt mùi hôi”.
Vào những ngày gần đây, theo ghi nhận của chúng tôi, dòng nước trên rạch Bình Thọ đoạn chảy qua địa bàn phường Trường Thọ thường có màu đen kịt và rất hôi. Có lúc dòng nước có màu xanh lơ, giống thuốc nhuộm vải. Dòng nước này bắt nguồn từ địa bàn quận 9 chảy qua xa lộ Hà Nội, đổ vào quận Thủ Đức.
Ngoài ra, trên lề đường xa lộ Hà Nội đoạn thượng nguồn rạch Bình Thọ có nhiều dòng nước nhiễm dầu nhớt và cặn bẩn từ các cơ sở buôn bán xe cơ giới cũ chảy ra.
Dòng nước trên rạch Bình Thọ hướng từ quận 9 đổ về quận Thủ Đức (TP.HCM) luôn có màu khác biệt so với các dòng nước khác. Ảnh: KB
Ô nhiễm là do nước sinh hoạt?
Sở TN&MT TP.HCM cho biết rạch Bình Thọ dài khoảng 2 km, bắt nguồn từ quận 9, chảy ra ngã tư Bình Thái rồi qua quận Thủ Đức trước khi đổ vào sông Sài Gòn. Khu vực này ít chịu ảnh hưởng của thủy triều. “Điều này cho thấy nếu rạch bị ô nhiễm thì do các nguồn thải dọc kênh chứ không phải từ nguồn nước sông cuối con rạch lan tỏa lên” - một cán bộ của Sở TN&MT giải thích.
Theo xác định của Sở TN&MT, khu vực đầu nguồn rạch Bình Thọ thuộc địa bàn quận 9 có một cụm công nghiệp và sáu doanh nghiệp với hoạt động chủ yếu là nghề may, dệt, nhuộm, sản xuất giày, phân bón. Bên cạnh đó còn có 1.200 hộ dân và chợ truyền thống với lượng nước xả thải lớn. Còn ở khu vực hạ nguồn của quận Thủ Đức có sáu cơ sở hoạt động thuộc các ngành nghề may, sản xuất sữa, thuốc chữa bệnh. Đoạn rạch chảy qua quận Thủ Đức tiếp nhận lượng nước thải của khoảng 930 hộ dân. Tổng lượng nước thải đổ vào rạch Bình Thọ hơn 6.860 m3/ngày, trong đó có ba nguồn gây ô nhiễm gồm: nước thải từ các hộ dân, nước thải sản xuất và nước sinh hoạt phát sinh từ 13 cơ sở công nghiệp.
“Hiện 100% nước thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất ở quận 9 và quận Thủ Đức đều đã được thu gom xử lý nên có thể đánh giá nguyên nhân ô nhiễm chính đối với nguồn nước mặt ở rạch Bình Thọ là do ảnh hưởng từ nước thải sinh hoạt của người dân” - Sở TN&MT nhận định.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng đánh giá của Sở TN&MT chưa thuyết phục vì theo phản ánh của người dân, nguồn ô nhiễm trên rạch Bình Thọ xuất phát từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Đặc biệt các bất thường về màu nước, về hiện tượng bào mòn cống thoát nước... “Các cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý nước thải nhưng không loại trừ khả năng xả lén nước thải không qua xử lý ra môi trường. Do đó, nếu chỉ dựa vào số liệu báo cáo trên sổ sách để đưa ra nhận định là không chính xác. Theo tôi, Sở TN&MT cần phải quan trắc chất lượng nước trên rạch Bình Thọ trong một thời gian dài thì mới có số liệu để xác định nguyên nhân ô nhiễm” - một chuyên gia đề nghị.
Sắt thép cũng không chịu nổi, nói gì người Cống thoát nước trên xa lộ Hà Nội đoạn thượng nguồn rạch Bình Thọ (quận 9) từng bị hư hỏng nghiêm trọng sau khi công trình đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều đoạn cống nằm gần hố gas, nơi tiếp nhận nước thải bị ăn mòn đến mức bê tông bị phá hủy, sắt thép mòn vẹt. Các chuyên gia về môi trường nhận định nguyên nhân là do tuyến cống này tiếp nhận nguồn nước thải ô nhiễm từ hoạt động sản xuất công nghiệp (có nhiều hóa chất) nên mới bị phá hủy nhanh như thế. |