Những ngày qua, các trang facebook ngập tràn thông tin về ba vụ ấu dâm xảy ra trong nước. Dễ dàng tìm thấy hàng loạt facebook chia sẻ công khai hình ảnh kèm thông tin nhân thân của cả 3 nghi phạm. 2 trong số 3 vụ đã bị khởi tố vụ án và xem xét khởi tố bị can.
Hoàn toàn có thể hiểu được thái độ bức xúc, căm phẫn của dư luận, việc lên tiếng cũng là tất yếu. Tuy vậy, chưa kể đến việc phát tán hình ảnh tùy tiện, gán ghép tội trạng cho người khác trước khi có phán quyết của tòa án là vi phạm pháp luật, việc làm này còn gây ra nhiều hệ lụy khó lường khác mà người dùng facebook chưa thực sự ý thức được.
1001 lý do để đăng ảnh nghi phạm
Diễn đàn “Đăng ảnh nghi phạm ấu dâm: Bạn nghĩ sao?” được báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức, chỉ trong 2 ngày hàng ngàn lượt bình luận, các bài viết phân tích chi tiết chủ để này được gửi về.
Có 1001 lý do để làn sóng chia sẻ hình ảnh nghi phạm cùng những lời thóa mạ nặng nề lan rộng. “Có làm có chịu. Hành vi xấu xa này không nghiêm trị và lật mặt công khai là còn nhiều con yêu râu xanh nữa. Tại sao không?”, bạn đọc Hà Thị Mỹ Dung bày tỏ.
Nhiều ý kiến vô cùng gay gắt đòi trừng trị thật nặng, không thể tha thứ, phải loại trừ khỏi xã hội v.v… được nêu. Độc giả Tam Minh còn cho rằng: “Phải xăm hẳn lên mặt người đó hai chữ "ấu dâm"... để tất cả mọi người nhìn vào biết mà đề phòng.”
Tội phạm ấu dâm cần bị lên án mạnh mẽ, trừng trị thích đáng
Có thể nói sự giận dữ của đám đông đã lên đến đỉnh điểm. Số đông độc giả ủng hộ cách trừng phạt bằng facebook muốn qua việc này đốc thúc cơ quan điều tra nhanh chóng có phán xét nghiêm minh. Sở dĩ phải cầm đèn chạy trước ô tô do chính họ lo ngại vụ việc bị chìm xuồng vì abc lý do.
Đây là biểu biện của sự thiếu niềm tin mà lý do là “theo báo chí và luật sư, một trong những bất thường của vụ ở Vũng Tàu là ban đầu công an đã mời các đương sự lên hòa giải thay cho xác minh để khởi tố. Tôi không chạy theo tâm lý đám đông nhưng tôi tin gia đình nạn nhân hai vụ ấu dâm kia”, độc giả Trần Đăng Ẩn nói.
Nạn nhân liên lụy sẽ ngàng càng nhiều
“Đưa hình ảnh của nghi can lên mạng để kết tội và thóa mạ là vi phạm quyền riêng tư của họ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của họ. Chẳng ai đi bảo vệ quyền của người này bằng cách chà đạp lên quyền của người khác cả”, ông Lê Thế Nhân, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng và Công tác xã hội, nhận xét.
Ông Nhân chỉ ra người phải gánh chịu “tai vạ” còn là người nhà của các nghi phạm, tất cả họ đều vô tội nhưng từ già đến trẻ, phụ nữ và cả trẻ em đều bị kéo vào cuộc chà đạp của đám đông.
Cộng đồng mạng thậm chí còn đưa hình vợ con của nghi phạm với những lời lẽ không chừa đường lui cho ai. Cần nhớ đây chỉ là nghi phạm, có thể là tội phạm cũng có thể không. Nếu phải thì thôi nhưng nếu chỉ cần 1 trong 3 là vô tội thì sao?
Một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Thomas Vinterberg về một vụ "án oan" ấu dâm gây ám ảnh người xem
Có lẽ qua phân tích của các chuyên gia, nhiều người đã nhận ra việc đăng ảnh như vậy là vi phạm pháp luật, có thể bị kiện vì hành vi vu khống, bôi nhọ danh dự người khác và chịu chế tài. Tuy nhiên với một đám đông cuồng nộ dường như điều này không đáng kể.
Thái độ thiếu tôn trọng pháp luật đang được mệnh danh đi đòi công lý cho kẻ yếu. Vậy có ai nhận ra kẻ yếu trong vụ việc này ngoài nạn nhân còn có gia đình của nghi phạm, trong đó cũng có trẻ em?
Nạn nhân trong các vụ việc như thế này có nhu cầu và quyền được giữ kín nhân thân vì sự bình yên cho cuộc sống về sau. Thế nhưng quá trình loan tin thiếu kiểm soát của cộng đồng mạng đang vô tình để lộ thân phận của các bé gái, mẹ của bé… “Điều này làm tổn thương các em thêm một lần nữa”, bà Nguyễn Thị An, Quản lý chương trình bảo vệ trẻ em của Tổ chức Plan nói.
Trẻ em cần được cả xã hội bảo vệ
Về phía nghi phạm và gia đình, “hình ảnh, tên tuổi của họ đã bị nguyền rủa, bêu rếu tràn lan, đồng nghiệp nhìn bằng cặp mắt ghê sợ, vợ chồng, con cái, cha mẹ cũng bị sỉ nhục. Ai sẽ đền bù những thiệt hại vô hình đó, đền bù thế nào mới đủ? Status có thể được tháo xuống nhưng vết thương từ những lời nói gươm đao đó bao giờ mới liền sẹo?”, nhà báo Nguyễn Tập phân tích.
Như vậy, việc làm của cộng đồng vừa vi phạm pháp luật vừa chỉ gây thêm phiền phức, tạo thêm nỗi đau cho nhiều người, gia tăng số lượng nạn nhân của vụ việc. Xét về mặt nào đó đấy là một hành động tàn nhẫn. Đến khi có hậu quả đáng tiếc khác xảy ra, trách nhiệm sẽ thuộc về ai đây khi đám đông là tất cả mà cũng chẳng là ai cả?
Theo nhà báo Đức Hiển, “đám đông thì nhiệt thành, nhưng nhiệt thành ấy có mang lại công lý hay không là chuyện khác. Trước khi trừng trị thì cần chứng minh tội phạm đã!”
Nhiều chuyên gia cho rằng cách phản ứng của đám đông cũng là điều mà chính quyền phải suy xét. Hạn chế nhận thức chỉ là một phần, phần lớn hơn là do tâm thế nghi ngại có bao che hoặc sự bất lực của cơ quan chức năng làm nảy sinh hành động "tự đòi công lý". Trong 3 vụ việc đã nêu, nếu người đứng đầu cơ quan pháp luật cho công chúng thấy thái độ quyết liệt, minh bạch và tức thời hơn thì câu chuyện đã khác.
Đây là câu hỏi để lại cho các nhà chức trách sau vụ việc ồn ã và có thể nói là lần vào cuộc mạnh mẽ nhất của cộng đồng mạng trong thời gian gần đây.