BS Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP).
Khi tôi cùng các đồng nghiệp trong Mạng lưới phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (GBVNet) ra thông cáo về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em và khuyến nghị với những người lãnh đạo Chính phủ về những việc cần làm ngay để giải quyết vấn nạn này, chúng tôi không ngờ đã nhận được gần 30.000 chữ ký chỉ sau hai ngày. Số chữ ký thậm chí còn có thể nhiều hơn nếu như không bị nghẽn đường truyền... Cùng với đó, tôi cũng nhận được nhiều tin nhắn về các bức ảnh của các nghi phạm trong những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em chưa xử lý được chia sẻ rộng rãi trên mạng.
Tất cả biểu hiện này chỉ có thể có một giải thích: Sự giận dữ! Một sự giận dữ có thể hiểu được khi mỗi ngày lại xuất hiện tin về trẻ bị xâm hại trên mặt báo trong khi tin về những kẻ thủ ác bị trừng trị lại dường như ít hơn. Chúng ta có quyền giận dữ, tuy nhiên ứng xử thế nào trong cơn giận dữ lại là chuyện khác.
Nghĩ về những đứa trẻ bị xâm hại, nói chuyện với chúng, với cha mẹ của chúng, tôi chia sẻ nỗi đau của một người làm mẹ và bên cạnh đó cũng là nỗi đau của người làm công tác xã hội khi thấy công lý chưa được thực thi. Tuy nhiên, có đăng tải các tấm ảnh mà bạn bè gửi đến hay không tôi lại thấy cần suy nghĩ. Đăng tải hình ảnh một người nào đó lên mạng, gắn cho họ một tội danh mà tòa án chưa có kết luận, không phải là hành vi bạo lực về thể xác nhưng là hành vi bạo lực về tinh thần nặng nề.
Đăng tải hình ảnh của một người chưa được kết tội lên mạng và gắn tội cho họ. Ta từ một người muốn thực hành công lý trở thành người gây tội dù động cơ là sự thiện tâm.
Một tọa đàm liên quan đến việc phòng, chống nạn ấu dâm được tổ chức ngày 14-3 có sự tham gia của CCIHP. Ảnh: HƯƠNG GIANG
Tôi suy nghĩ về những nghi phạm đó không chỉ như những tội đồ, họ cũng là chồng của một người phụ nữ nào đó và là cha của những đứa con. Trường hợp án oan của ông Hàn Đức Long vẫn còn đó. Người đàn ông này đã bị kết án tử hình bốn lần vì tội giết người, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em. Ông ấy đi tù oan và trong ngần ấy năm vợ và con gái ông sống như chết vì sự dè bỉu khinh bỉ của bà con xóm làng, của bạn bè cùng lớp.
Tôi làm việc với các trường hợp phụ nữ bị bạo lực. Rất nhiều lần những người nam đánh vợ nói rằng họ rất ân hận nhưng trong cơn nóng giận họ không thể làm gì khác. Trong chương trình của chúng tôi làm việc với nam giới, một kỹ năng chúng tôi luôn đưa vào và được đánh giá rất tích cực là kỹ năng kiểm soát và giải tỏa cơn nóng giận. Ai cũng có quyền nóng giận, đặc biệt là trước bạo lực, trước bất công. Tuy nhiên, lấy bạo lực để giải quyết bạo lực, liệu có phải là một cách làm tốt? Cơn giận dữ tích cực tạo nên động lực thay đổi, thậm chí có thể làm nên cuộc cách mạng. Nhưng giận dữ không kiềm chế được lại có thể đốt cháy chính người giận dữ và gây hại cho xung quanh.
Mới đây báo Anh đưa tin về trường hợp người dân Đức đã rất phẫn nộ vì cảnh sát Đức mất bốn tháng điều tra mới công bố ảnh nghi phạm hiếp dâm một bé gái, trong khi đó họ chỉ cần một ngày để công bố ảnh của các nghi phạm một vụ đốt nhà giết người. Khi được hỏi về vấn đề này, người đại diện cảnh sát đã nói rằng: “Việc công bố ảnh một nghi phạm hiếp dâm là can thiệp sâu sắc vào quyền riêng tư của nghi phạm và do vậy chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của công tố viên và được phê duyệt bởi thẩm phán và chỉ thực hiện khi các cách điều tra khác đã thất bại”.
Họ lý giải về hành xử trong trường hợp nghi phạm đốt nhà giết người “vụ cháy đã làm mất hết dấu vết do vậy chúng tôi cần ảnh để điều tra còn trong trường hợp hiếp dâm chúng tôi còn nhiều dấu vết khác và chúng tôi muốn các dấu vết đó phải được sử dụng hết trong điều tra trước khi sử dụng đến các cách thức khác”.
Hãy chọn lựa cách để lên tiếng, đừng vô tình gây hại cho mình và người khác. Đồ họa: THÙY TRANG
Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình”. “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý”, trừ một số trường hợp khác như hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. “Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”…
Việc đăng ảnh hay không là hành động và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Hãy chọn lựa cách để lên tiếng, đừng vô tình gây hại cho mình và người khác.
Điều cuối cùng mà tôi muốn nói là những gì mà xã hội đang thể hiện cũng là điều mà những nhà lãnh đạo, những người thực thi pháp luật ở các cơ quan chức năng cần biết và nhìn vào đó để hành động. Là người dân, ai cũng muốn tin rằng mình được sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật và người ta cần thực tiễn để củng cố niềm tin này.
Đừng để người dân bị đẩy vào thế buộc phải tự tìm cách thực hiện công lý của riêng mình, để rồi từ chuyện đi trị cái sai này lại dẫn đến cái sai khác.