Bài tiếp theo của diễn đàn "Đăng ảnh nghi phạm ấu dâm: Bạn nghĩ sao?" là góc nhìn của Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng và Công tác xã hội (Codes).
“Chúng ta có quyền gì mà chà đạp nhân phẩm của người khác?”. Đó là câu hỏi quẩn quanh trong đầu tôi mấy trong suốt một tuần qua khi theo đuổi các vụ việc về xâm hại tình dục trẻ em và các thảo luận liên quan. Như rất nhiều người khác, tôi không chỉ phẫn nộ đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em mà cả phẫn nộ với tất cả những vụ việc mà ở đó, thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của một ai khác vị làm tổn hại mà tôi biết.
Ông Lê Thế Nhân, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng và Công tác xã hội (Codes)
Đáp trả cái được cho là sai của người khác bằng một cái sai khác là điều mà tôi đang trải nghiệm trên các diễn đàn xã hội trong những ngày qua, liên quan đến các vụ xâm hại tình dục.
Xã hội dường như đang có cảm nghiệm bế tắc trong xử lý các vụ xâm hại tình dục, chậm đưa người có hành vi xâm hại ra trước ánh sáng, sớm trả lại công lý cho các nạn nhân. Giữa tình trạng có vẻ bế tắc đó, nhiều người đi tìm công lý cho những nạn nhân bằng khuếch trương và lan tỏa sự phẫn nộ của mình bằng mọi giá.
Một ai đó hành động trong lúc phẫn nộ, họ sẽ có thể làm tổn thương người khác, kể cả người mà họ đang bảo vệ. Trong vụ việc cụ thể là cháu bé lớp 1 nghi bị xâm hại tình dục ở TP.HCM hay như các vụ xâm hại tình dục gần đây, câu hỏi đặt ra là tất cả chúng ta khi lên tiếng hay có bất kỳ hành động nào khác thì mục đích cuối cùng là gì? Tôi chắc chắn rằng đa số câu trả lời sẽ là: Đưa thủ phạm ra sánh sáng và đòi công lý cho nạn nhân.
Một buổi sinh hoạt của đường dây nóng Tư vấn-bảo vệ quyền trẻ em ở Trung tâm Phát triển cộng đồng và Công tác xã hội (Codes)
Nếu công lý được xem là mục tiêu và chuẩn mực chung trong tất cả hành động của chúng ta, hãy cùng soi chiếu nó trong những trường hợp cụ thể mà chúng ta từng biểu đạt về chúng.
Những ngày qua rất nhiều hình ảnh về các nghi can lan truyền trên mạng kèm theo đó là muôn lời buộc tội, chỉ trích, thóa mạ bằng nhiều kiểu biểu đạt khác nhau. Không chỉ các nghi can mà người nhà của họ, dòng họ của họ hay bất kỳ ai liên quan đến họ cũng bị kéo vào cuộc chà đạp đó. Chẳng hạn như cái vụ xâm hại tình dục cháu bé ở Hà Nội, người ta mang tên tuổi, nghề nghiệp, hình ảnh nghi phạm lên để kêu gọi cộng đồng hạy share mạnh mẽ. Chưa hết, người ta còn đưa cả họ tên của ông chủ tịch UBND của một tỉnh vào nói rằng ông chủ tịch này có họ hàng với nghi phạm, nhờ cái ô dù con ông cháu cha mà tên nghi phạm mới cao chạy xa bay. Trong khi đó, mới đây ông chủ tịch đã lên tiếng trong bài báo “Sự thật nhân thân “con ông cháu cha” của kẻ nghi dâm ô” để nói rằng ông không hề có đứa cháu hay người họ hàng nào có tên như thế cả.
Đưa hình ảnh của nghi can lên mạng để kết tội và thóa mạ là vi phạm quyền riêng tư của họ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của họ. Nghi can chỉ phải trả giá cho hành vi của họ bằng hình phạt cụ thể được mô tả trong bản án kết tội có hiệu lực của tòa án. Chẳng ai có quyền kết tội người khác thay cho tòa án. Một người chỉ bị xem là có tội khi bị tòa án tuyên là có tội bằng một bản án đã có hiệu lực, được thực hiện theo một quy trình tố tụng chặt chẽ và khách quan. Chẳng ai đi bảo vệ quyền của một người này bằng cách chà đạp lên quyền của người khác cả.
Tôi tin rằng chúng tất cả chúng ta đều mong muốn làm điều tốt, điều đúng. Cần giữ bình tĩnh và giữ các biểu đạt của mình trong sự tôn trọng các chuẩn mực.
Đừng đổ những gì mình không muốn lên người khác khi, cho dù họ là người lầm lỗi và họ chỉ trả giá cho cái lỗi của họ.
Bạn, và chúng ta cứ hãy tiếp tục mạnh mẽ lên tiếng nhưng bằng nhiều cách, xin đừng chọn cách sai!