Đi tìm thủ phạm ấu dâm - Bài 2

Án '1-1' và rào cản lớn nhất trong điều tra vụ ấu dâm

Như đã phản ánh, chiều 15-3, VKSND Tối cao đã có công văn thông báo kết luận chỉ đạo của Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí với vụ án dâm ô đối với trẻ em ở TP Vũng Tàu. Theo đó, sau khi chủ trì họp về vụ án với cơ quan chức năng và VKSND tỉnh này, viện trưởng VKSND Tối cao chỉ đạo phải ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Khắc Thủy về tội dâm ô với trẻ em theo Điều 116 BLHS.

Trước đó chị Th. gửi đơn tố giác ông Thủy (76 tuổi, ngụ cùng chung cư) có hành vi dâm ô với con gái sáu tuổi nhưng chưa được giải quyết.

Khó chứng minh

Đây là một trong nhiều vụ việc cơ quan tiến hành tố tụng có khó khăn trong việc xử lý bởi chứng cứ buộc tội không vững chắc. Nguyên nhân khiến nhiều hồ sơ xâm hại tình dục trẻ em bị khép lại là vì những bất cập trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Luyện (Chánh Văn phòng Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), sau khi tiếp nhận tin báo tố giác của mẹ cháu bé, Công an TP Vũng Tàu đã xác minh và khởi tố vụ án hình sự. Sau khi điều tra, công an thấy có dấu hiệu, đủ căn cứ khởi tố bị can với ông Thủy nên đã đề xuất khởi tố gửi qua VKSND cùng cấp chờ phê chuẩn. Tuy nhiên, quan điểm của cơ quan này là cần đánh giá chứng cứ thật chắc chắn, thận trọng và khách quan nên đã yêu cầu công an điều tra thêm.

“Không có chuyện công an và VKS cho chìm xuồng như lời dư luận nói. Việc thận trọng của VKSND TP Vũng Tàu là cần thiết vì cần có sự trao đổi để thống nhất” - ông Luyện khẳng định.

Ông Luyện phân tích: Hành vi dâm ô có đặc điểm khác hành vi xâm hại trực tiếp như hiếp dâm khi nhìn thấy hậu quả, tổn thương xảy ra. Hành vi dâm ô với trẻ em lại càng nhạy cảm, việc thu thập, đánh giá chứng cứ rất khó khăn. Điều này dẫn đến hậu quả không mong muốn là khó chứng minh hành vi phạm tội.

Đồng tình, Viện trưởng VKSND TP Vũng Tàu Nguyễn Anh Đoan cũng cho rằng với các vụ án dâm ô, việc thu thập chứng cứ là một thách thức lớn. Bởi có giám định pháp y cũng khó kết luận được những tổn thương trên cơ thể. Những vụ xử lý được thì đa số đối tượng đều nhận tội và hành vi phạm tội diễn ra nhiều lần. “Riêng vụ án dâm ô tại TP Vũng Tàu, chúng tôi thấy chứng cứ buộc tội chưa chắc chắn nên gia hạn thời gian để công an điều tra củng cố thêm, không phải bao che!” - ông Nguyễn Anh Đoan nói.

Bị cáo Nguyễn Tuấn Vũ bị TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt 10 năm tù về tội  hiếp dâm trẻ em vào tháng 12-2016. Ảnh: T.TÙNG

Phát hiện muộn, chứng cứ vật chất yếu

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an), việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em thường bị chậm và gặp nhiều khó khăn khách quan.

Trước hết, xâm hại tình dục là loại “án 1-1”, tức là chỉ có thủ phạm và nạn nhân, rất ít kẻ dám gây án khi có mặt người thứ ba. Loại án này thường không có nhân chứng, là rào cản lớn cho công tác điều tra. Mặt khác, dấu vết sinh học cũng rất mờ nhạt, nhất là ở các vụ dâm ô khi hành vi chỉ là sờ soạng bên ngoài cơ thể người bị hại. Hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm thì có tổn thương sản khoa; lông, tóc, tinh dịch tại hiện trường hay dính trên người và thủ phạm. Nhưng hành vi dâm ô thường bị phát hiện muộn do trẻ em không kể vì xấu hổ hay bị đe dọa, hoặc không biết là mình bị xâm hại... Vì thế đến khi phát hiện thì dấu vết giúp truy nguyên thủ phạm không còn nữa.

Thêm vào đó là khó khăn trong việc lấy lời khai. Người bị hại là những đứa trẻ, rất non nớt, khả năng tri giác hạn chế. Vì thế việc khai báo không chính xác và thống nhất, có khi mỗi lúc bé khai một kiểu. Thậm chí có những bị hại là bé gái dưới sáu tuổi, người dân tộc thiểu số còn không thể mô tả được chi tiết sự việc mình bị xâm hại ra sao với công an. Trong khi đó, nghi phạm là người lớn có đủ khôn khéo để cãi bay mọi cáo buộc.

Rào cản từ tâm lý người bị hại

“Không phải cơ quan điều tra hay VKS không quyết liệt vì ai cũng căm giận, phẫn nộ với những hành vi xâm hại trẻ em. Nhưng quả thật là khó bởi nếu khởi tố, truy tố không đúng sẽ dẫn đến oan sai, hậu quả còn nặng nề hơn” - TS Lê Minh Hùng (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) nói.

Theo TS Hùng, tâm lý e ngại của phụ huynh và bản thân trẻ là rào cản lớn trong việc kịp thời thu thập chứng cứ. Cha mẹ hoặc những người chăm sóc trẻ thường có tâm lý xóa đi những dấu tích, vết tích của chuyện đau buồn để không tạo ra những dư chấn cho con trẻ. Họ cũng không mặn mà hợp tác với cơ quan điều tra bởi họ biết khi đứa trẻ phải khai đi khai lại nhiều lần trong quá trình điều tra sẽ bị tạo ra những vết hằn trong tâm lý. Vì vậy họ luôn cân nhắc, e dè trước việc có tố cáo hay không và phối hợp điều tra đến mức nào. Có nhiều vụ ban đầu tố cáo rất dữ nhưng sau đó sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình nên phụ huynh họ buông bỏ.

Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, trong tố tụng hình sự, nguồn chứng cứ rất quan trọng vì từ đây sẽ lọc ra các chứng cứ trực tiếp hay gián tiếp phục vụ cho công tác điều tra. Với các hành vi ấu dâm thì các nguồn chứng cứ rất hạn chế, nhất là việc hợp tác không đầy đủ từ phía người bị hại. Từ đó cơ quan tiến hành tố tụng không dễ dàng kết luận mà phải đi tìm các nguồn chứng cứ khác. Về nguyên tắc, lời khai của người bị hại nếu không có các chứng cứ để đối chiếu và hỗ trợ thì không đủ căn cứ buộc tội.

Trong khi theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì không thể buộc tội một người mà không có chứng cứ rõ ràng, đầy đủ. Đây là một khó khăn không nhỏ.

Điều tra loại tội này ở nước ngoài

Ở Ấn Độ: Năm 2012 thông qua Luật Bảo vệ trẻ em và lần đầu tiên liệt kê cả phương diện chạm và không đụng chạm (như chụp ảnh trẻ em khiêu dâm) đều là các hành vi tấn công tình dục.

Theo đó, sau khi các hành vi tấn công tình dục trẻ em bị nạn nhân hoặc người khác tố cáo, cảnh sát Ấn Độ sẽ thu thập lời khai của nạn nhân tại nhà hoặc những nơi thường cư trú. Sau đó, nạn nhân sẽ được kiểm tra pháp y (là bé gái thì bắt buộc là nữ bác sĩ). Việc kiểm tra có sự hiện diện của cha mẹ hoặc bất cứ người nào mà nạn nhân tin tưởng. Việc thu thập chứng cứ từ trẻ em sẽ được làm trong 30 ngày. Một tòa án đặc biệt có thẩm quyền xét xử vụ việc ngay sau khi nhận đơn kiện về hành vi tấn công tình dục trẻ em hoặc có báo cáo của cảnh sát về một hành vi như vậy.

Tòa này phải đảm bảo rằng nạn nhân không tiếp xúc với bị cáo theo bất cứ hình thức nào trong quá trình thu thập chứng cứ.

Tại Canada: Nếu một bên thứ ba biết được một trẻ em đang bị tấn công tình dục thì người này báo cáo vụ việc cho cơ quan xã hội hỗ trợ trẻ em (CAS) tại tỉnh đang cư trú. Bước kế tiếp là liên hệ một bác sĩ pháp y để thu thập bằng chứng và tiến hành các công tác kiểm tra sức khỏe cần thiết. Tùy trường hợp và tỉnh đang cư trú, bác sĩ có bổn phận báo cáo vụ tấn công cho CAS để điều tra. Các bằng chứng thu thập bởi nhà chức trách có thể gồm lời khai nhân chứng, lời khai của nạn nhân, bằng chứng pháp y, hình ảnh… Trong quá trình điều tra, nếu một vụ tấn công tình dục trẻ em diễn ra cách đó nhiều năm, nếu bị cáo còn sống vào thời điểm kiện tụng thì người này vẫn có khả năng đối mặt với các cáo buộc hình sự.

BẢO ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm