Diễn đàn “Đăng ảnh nghi phạm ấu dâm: Bạn nghĩ sao?” (từ ngày 14-3) về việc nên hay không nên đăng ảnh của nghi can ấu dâm thu hút sự quan tâm, góp ý của đông đảo bạn đọc. Không chỉ các chuyên gia xã hội học, tâm lý, bác sĩ, nhà báo mà nhiều giới khác đều quan tâm sâu sắc vấn đề này.
Đây là một dấu hiệu đáng mừng song nhìn trên tổng thể, cách lựa chọn ứng xử của đám đông lại đưa đến một mối lo ngại khác.
Đa số lựa chọn: “Đăng!”
Ngoại trừ những chuyên gia, người hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em và những bạn đọc khác, đa số ý kiến bạn đọc đều khẳng định “đăng!”. Độc giả Manh Hung nhấn mạnh: “Phải đăng để xã hội đề phòng, đăng thật nhiều trên mọi kênh thông tin”.
Đây cũng là lý do để hàng ngàn người liên tục phát tán chân dung nghi phạm với lý lẽ “mọi người đều có quyền được biết ai là kẻ bệnh hoạn, có nguy cơ cao để phòng tránh”. Thậm chí có bạn đọc còn tuyên bố mạnh mẽ như QuaSQ: “Riêng tội này dù pháp luật không cho phép tôi cũng ủng hộ đăng ảnh nghi phạm” (!?).
Nhiều người cho biết họ có tâm lý sốt ruột khi thấy vụ việc tố cáo thủ phạm ấu dâm bị chậm đưa ra ánh sáng, dù nguyên nhân có thể từ khâu thu thập chứng cứ ban đầu của nạn nhân hay sự vào cuộc chậm chạp của cơ quan chức năng. Điều đó đã thôi thúc họ tự đi tìm công lý.
Cách phản ứng này vẫn đang nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Những bạn đọc Minh Nhân, Linh, Quốc Bảo, Trần Hoàng Dơn… cũng đồng tình “đăng ảnh nghi phạm sẽ gây sức ép, thúc đẩy cơ quan điều tra, tiếp sức gia đình nạn nhân để vụ việc không bị chìm xuồng”.
Diễn đàn “Đăng ảnh nghi phạm ấu dâm: Bạn nghĩ sao?” trên báo Pháp Luật TP.HCM thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng.
Đăng là vi phạm pháp luật
Tiếng nói công luận tuy rất có giá trị nhưng xem xét lại toàn bộ sự việc lần này có thể thấy đám đông đang hành động theo cảm tính.
Theo phân tích của độc giả Minh Tâm: “Chính chúng ta cũng gọi đó là nghi phạm, tức có thể là thủ phạm hoặc không. Thử đặt trường hợp người bị đưa hình ảnh để bêu riếu, lên án là người thân của mình thì chúng ta có cổ xúy cho kiểu hành xử cầm đèn chạy trước ô tô dựa trên sự phẫn nộ mang màu sắc chủ quan không?”.
Ở góc độ pháp lý, Trung tá, ThS Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an), chỉ rõ: “Lan truyền trên mạng hình ảnh của nghi phạm là vi phạm quyền nhân thân, bị pháp luật nghiêm cấm” và có thể bị khởi kiện.
Sự thật khi đăng ảnh, đóng mác cho người khác là “ấu dâm” trước khi các cơ quan chức năng với đầy đủ phương tiện, quyền hạn, kỹ thuật xác định sự thật, chúng ta đang vô tình mang danh chính nghĩa chà đạp lên không chỉ số phận người đó mà tất cả những người liên đới với họ, đặc biệt là những đứa trẻ.
Bà Nguyễn Thị An, quản lý chương trình Bảo vệ trẻ em của Tổ chức Plan (một tổ chức phát triển cộng đồng hoạt động trên nguyên tắc lấy trẻ em làm trung tâm), cho biết rất chia sẻ với cảm xúc của mọi người, tuy nhiên bà cho rằng việc đăng ảnh nghi phạm là sai. “Nghi phạm còn có vợ, có con, có người thân của họ. Ai đó có thể nghĩ con cái họ còn bé, chưa biết gì đâu nhưng khi chúng lớn lên thì thông tin và hình ảnh đó trên mạng vẫn còn lưu lại. Nỗi đau đó làm sao xóa? Chúng ta đang bảo vệ trẻ mà vô tình lại tước đi quyền, xâm hại trẻ khác” - bà nói.
Sự kỳ vọng từ dư luận
BS Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và Dân số (CCIHP), nhận định: “Điều 32 BLDS 2015 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình”. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ một số trường hợp khác. Do đó việc đăng tải hình ảnh một người lên mạng, gắn cho họ một tội danh mà tòa án chưa có kết luận là hành vi bạo lực về tinh thần nặng nề.
Đồng thời, những gì mà xã hội đang thể hiện cũng là điều mà những nhà lãnh đạo, những người thực thi pháp luật ở các cơ quan chức năng cần biết và nhìn vào đó để hành động. “Là người dân, ai cũng muốn rằng mình được sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật và người ta cần thực tiễn để củng cố niềm tin này” - BS Hoàng Tú Anh gửi gắm.
Các bạn đọc Hoàng Văn Nhuần, Nguyễn Linh, Trần Đăng Ẩn, Phạm Văn Thúy… đều chung suy nghĩ như trên.
Phản ứng tự phát của một bộ phận người dân dù trái hay đúng pháp luật thì sự lên tiếng ồn ào của họ là một đòi hỏi lớn đặt trước mặt cơ quan chức năng: Làm sao để các thủ phạm ấu dâm sớm được đưa ra ánh sáng, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm!
• “Chúng ta hãy cứ tiếp tục mạnh mẽ lên tiếng bằng nhiều cách nhưng đừng chọn cách sai.” - Lê Thế Nhân • “Cái cần làm là lên tiếng mạnh mẽ để luật và các biện pháp giám sát được hoàn thiện hơn.” - Minh Ngô • “Thái độ bình tĩnh của người lớn cũng là một bài học để trẻ đối phó với kẻ xấu. Cái gì cũng lồng lộn lên thì chính con trẻ cũng sẽ không tìm kiếm sự bảo vệ từ bạn.” - Tuấn Kiệt Con số giật mình! Kết quả bình chọn cho khảo sát “Theo bạn, có nên đăng ảnh nghi phạm ấu dâm hay không?” sau hơn hai ngày thực hiện trên www.plo.vn cho thấy: Điều đó cho thấy số đông người tham gia đã chọn là nên đăng hình ảnh nghi phạm ấu dâm. Chúng tôi rất thấu hiểu việc các bạn nóng lòng muốn đưa thủ phạm ra ánh sáng nhưng hành vi đưa ảnh là trái luật bởi nghi phạm chưa chắc là thủ phạm ấu dâm. Rất mong bạn đọc bình tĩnh hơn để chúng ta cùng sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. |