Có nên đăng ảnh nghi phạm ấu dâm để cảnh tỉnh?

Sau khi Báo Pháp Luật TP.HCMcó mở diễn đàn "Đăng ảnh nghi phạm ấu dâm: Bạn nghĩ sao?", đã nhận được nhiều bài viết gửi về. Dưới đây là bài viết của một bạn đọc. Nội dung bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của báo.

Có thể nói mạng xã hội là một kênh truyền tin vô cùng hiệu quả nếu khai thác đúng cách. Từ thông tin giải trí, công việc, học tập đến kêu gọi cứu trợ, tư vấn, cảnh báo nguy hiểm... rất thực tế và hữu ích. 

Ngoài ra, mọi tin tức xã hội nóng nhất đều có đầy đủ trên ấy.  Nhiều ngày qua, tôi thấy sự "thống lĩnh" của 3 gương mặt nam giới trên khắp các trang cá nhân của đủ mọi đối tượng, từ đạo diễn nhà văn đến giáo viên, giảng viên, từ sinh viên học sinh đến người kinh doanh, công chức thậm chí có cả luật sư. Đó là nghi phạm của 3 vụ ấu dâm mới xảy ra tại 3 tỉnh thành trong cả nước.

Tất cả chúng ta đều biết những người này chưa ai bị khởi tố, 2 vụ ở Hà Nội và Vũng Tàu sau nhiều ngày "dậm chân" cũng đã khởi tố vụ án nhưng bị can thì vẫn chưa. 

Nhiều người coi việc đăng ảnh của người mới bị gọi là "liên quan" lên mạng tràn lan, kèm nhiều từ ngữ xúc phạm, khiến đám đông bị lôi kéo, mặc nhiên coi đó là 3 kẻ phạm tội đáng kinh tởm là vu khống, lỡ sau này điều tra ra không phải họ thì có phải là... hớ không. 

Tôi thừa nhận chuyện nói người ta có tội khi chưa có kết luận của công an là vội vã, nhưng vì sao người ta vẫn bỏ qua chút lăn tăn đó để thông báo cho cộng đồng biết chân dung của 3 người ấy? Trước hết đó là phản xạ tự vệ của con người. 

Khi thấy một sợi dây điện thòng xuống giữa đường, trước khi nó được cơ quan chức năng sửa chữa thì người dân đã bắc loa thông báo cho tất cả người qua lại, dựng bảng cảnh báo và nghĩ ra nhiều cách nữa để báo cho nhau biết chỗ đó nguy hiểm, hãy tránh xa. 3 người đàn ông này đều không phải người lạ, thậm chí có người là người quen của gia đình nạn nhân. Điều ấy càng khiến tính chất vụ việc thêm nghiêm trọng.

Mối nguy hiểm có thể đến từ bất cứ ai, bất cứ lúc nào ở đâu. Một tấm ảnh có tác động rất cụ thể, trực quan, không có lý do phải che giấu bởi không phải vô lý mà tên họ bị nhắc tới.

Quay lại với sợi dây điện. Nếu ngay trong buổi chiều nó được nối lại thì coi như xong, nếu đợi cả tuần nửa tháng nó vẫn tòn ten ở đó thì bảng cảnh báo sẽ còn được làm to thêm, dựng từ đầu đường đến cuối đường. Trừ vụ mới xảy ra ở Thủ Đức vài ngày trước, vụ ấu dâm ở Vũng Tàu từ tháng 6-2016 đến nay lại gia hạn thêm 2 tháng điều tra, vụ ở Hà Nội cũng đã kéo dài 2 tháng nhưng chưa có thủ phạm nào bị lôi ra xét xử, chưa ai bị tạm giam, xử lý... Sự thận trọng thái quá trong quy trình thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ khiến dư luận nghi ngờ. 

Nghi ngờ về năng lực, ngờ ngợ có gì khuất tất ở đây, có bao che, lấp liếm, né tránh tai tiếng mà bưng bít hay không? Vụ việc kéo càng lâu, dư luận càng bức xúc, làn sóng phản ứng càng nhân rộng. Lan truyền thông tin, kêu gọi các cá nhân tổ chức vào cuộc là cách phản ứng thực tế nhất. Có nhiều vụ việc đã được giải quyết nhanh chóng, thấu tình đạt lý hơn nhờ sự góp tiếng của dư luận. 

Có người đã nói phải ở trong cuộc mới biết được nỗi nhọc nhằn, đau đớn của gia đình nạn nhân hiếp dâm đi kiện. Cái quá trình đó nó khó nói, xót xa, uất ức đến mức nào, huống hồ ở đây nạn nhân đều là các bé gái còn quá nhỏ. Vì vậy, đôi khi để giữ lấy chút bình yên sót lại người ta buộc lòng phải buông xuôi. Việc dư luận đồng loạt lên tiếng đang tiếp thêm sức mạnh cho các nạn nhân. Một mặt không để sự việc bị chìm xuồng, mặt khác thể hiện thái độ ủng hộ, sẵn sàng hỗ trợ người bị hại giành lại công bằng, kẻ xấu phải bị trừng phạt. 

Thử hỏi có ai nói được lời "cảm thông" cho thủ phạm ấu dâm? Không có, đến kẻ giết người có thể còn được xót thương còn tội lỗi này ai cũng chỉ muốn trừng phạt thật nặng.

Vì các lý do trên, tôi cho rằng việc lan truyền ảnh nghi phạm ấu dâm dù không muốn cũng nên làm. Đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta để bảo vệ bản thân và cộng đồng, loại bỏ khỏi xã hội những ung nhọt.
     

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm