“Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội”. Đây là nhận định chung của nhiều đại biểu tham dự phiên họp do Ủy ban Tư pháp phối hợp cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày 27-3.
Kẻ xâm hại phần lớn là người thân, quen
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong năm năm (2012-2016), cả nước phát hiện 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê. Đặc biệt, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, báo động về sự suy đồi đạo đức của một bộ phận người lớn. Nạn nhân ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những em bé tuổi mầm non, thầy giáo, nhân viên bảo vệ nhà trường xâm hại tình dục nhiều học sinh” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan nêu.
“Kẻ xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là những người thân, quen và có cả người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em bao gồm cả cha đẻ, thầy cô giáo, xâm hại cả trẻ em nam...” - báo cáo của Bộ Y tế nhận định.
Thông tin về số liệu, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hạnh cho hay: Số vụ án tòa thụ lý và giải quyết giảm dần cả về số vụ và số bị cáo. Theo đó, trong ba năm qua tòa các cấp đã xét xử theo trình tự sơ thẩm hơn 5.100 vụ với hơn 5.400 bị cáo. “Số liệu này chưa phản ánh hết tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em trên thực tế” - ông nhận định.
Mẹ một cháu bé ở Thủ Đức (TP.HCM) thông tin cho báo chí việc con mình nghi bị xâm hại ở trường học. Ảnh: N.TÂN
Dễ bị “chìm xuồng”
Điều hành phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay dư luận bức xúc một số vụ việc, khi người bị hại có đơn tố giác, có đơn đề nghị, gia đình đã đưa các cháu bé đến cơ quan công an để trình báo, luật sư cũng vào cuộc, có vụ đã được khởi tố vụ án từ nửa năm trước nhưng vụ án cứ bị đưa đi đẩy lại, có trường hợp trả lời là không đủ chứng cứ. “Nhưng tại sao khi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khi các đồng chí lãnh đạo trung ương có ý kiến, yêu cầu phải tích cực củng cố chứng cứ thì lúc đó lại khởi tố được?” - bà Nga nêu câu hỏi.
Bà Ninh Thị Hồng (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) cho rằng vẫn còn tình trạng người phạm tội là người có địa vị xã hội hoặc là người thân, quen của các lãnh đạo nên một số việc bị “chìm xuồng”. “Tôi nhận điện thoại tố cáo việc một em bé người Mông bị một anh bảo vệ xâm phạm tình dục nhưng người tố cáo lo sợ vì người phạm tội là con bí thư huyện” - bà kể. “Chúng tôi đã xác minh sự việc và có công văn gửi cơ quan công an, sau đó kẻ xâm hại trẻ bị khởi tố tội dâm ô dù nạn nhân bị chảy nhiều máu… Thôi có khởi tố là may rồi” - bà Hồng ngán ngẩm kể.
ĐB Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, cho rằng một số cơ quan tố tụng còn có tư tưởng “dễ làm, khó bỏ”, nếu vụ việc không được dư luận quan tâm, lên tiếng, lãnh đạo không quan tâm chỉ đạo thì “chìm xuồng”.
Cần thủ tục điều tra đặc biệt
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em, chưa chú trọng đầy đủ đặc tính dễ bị tổn thương của trẻ em, đồng thời chưa quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bí mật riêng tư cho trẻ em trong tố tụng, bảo vệ người tố giác.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đề xuất: Đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử phải theo một quy trình đặc biệt, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của các em. “Vì sao sau khi cơ quan điều tra lấy lời khai của em bé nạn nhân ở Cà Mau, khi về em bé uống thuốc tự tử? Tôi từng tiếp xúc với nạn nhân, khi vụ việc bị gia đình phát hiện, tố giác thì hậu quả còn kinh khủng, nặng nề hơn nhiều so với khi chưa tố giác. Bởi nạn nhân sau đó không biết phải đối mặt với hàng xóm láng giềng, bạn bè cùng trang lứa như thế nào” - ông Học cho hay.
Bà Hồng cho rằng các thủ tục tiếp xúc với trẻ em là nạn nhân hiện chưa thân thiện khiến trẻ em sợ hãi khi điều tra viên là nam giới, lại dùng các từ ngữ người lớn để hỏi các em… Bà cho rằng điều tra những vụ án này nên là những điều tra viên nữ có kinh nghiệm, được đào tạo kỹ, có kinh nghiệm xử lý những vụ việc này, khi điều tra viên làm việc nên tránh để nạn nhân hoảng sợ, làm tổn hại tinh thần của các cháu một lần nữa...
• Vụ cháu bé 13 tuổi ở tỉnh Cà Mau tự tử. Đại tá Hoàng Văn Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Hình sự Bộ Công an (C45), cho hay qua điều tra ban đầu cũng như các tài liệu chứng cứ khác cho thấy có dấu hiệu của tội hiếp dâm, dâm ô trẻ em. Cơ quan tố tụng trung ương đã yêu cầu cơ quan điều tra địa phương phải khởi tố vụ án, hủy quyết định không khởi tố vụ án. Cơ quan điều tra trung ương sẽ cử đoàn công tác xuống để hướng dẫn điều tra. • Vụ dâm ô ở Vũng Tàu: Khởi tố Nguyễn Khắc Thủy. Đại tá Vĩnh cho biết cơ quan tố tụng đã thống nhất phải khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Khắc Thủy về hành vi dâm ô và chiều 27-3, VKSND TP Vũng Tàu đã phê chuẩn quyết định khởi tố nhưng cho tại ngoại vì ông già yếu, đã 77 tuổi. Ba ngành pháp luật đến nay chưa có giải thích thế nào là “dâm ô” dẫn đến nhận thức của những người thực thi pháp luật còn khác nhau. Trong lúc chưa sửa xong BLHS thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần có nghị quyết hướng dẫn riêng về tội dâm ô. Phó Viện trưởng VKSND Tối cao NGUYỄN HẢI PHONG |