Gần đây một số bạn đọc thắc mắc về những trường hợp đăng tải hình ảnh của người khác mà chưa được sự đồng ý của người đó thì cá nhân, tổ chức đăng tải có bị xử phạt hay không? Người bị đăng hình ảnh phải làm thế nào để bảo vệ được quyền lợi của mình?
ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM cho biết: khoản 5 và khoản 8 Điều 9 Luật Báo chí 2016 quy định những hành vi bị nghiêm cấm như tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án.
. Phóng viên: Hình thức xử phạt đối với báo chí được quy định thế nào, thưa ông?
Về hình thức xử phạt được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 8 Nghị định 159/2013. Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt tiền 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu mức độ ảnh hưởng của việc đăng tải nghiêm trọng thì áp dụng điểm b khoản 4 Điều 8 của nghị định này về hành vi “đăng, phát thông tin xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” với mức phạt tiền 10-20 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả cho những hành vi vi phạm này là buộc phải cải chính, xin lỗi.
Tự đăng tải hình ảnh của người khác trên Facebook,… có thể bị xử phạt 10-20 triệu đồng. Ảnh minh họa: HTD
. Còn nếu một người tự ý đăng tải những thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác lên mạng xã hội thì có bị chế tài tương tự?
+ Những cá nhân đăng tải hình ảnh của người khác trên trang mạng xã hội như Facebook… thì bị xử phạt theo điểm e, điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng. Quy định này dùng để xử phạt đối với một trong các hành vi như thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
. Người bị đăng ảnh trái phép muốn đòi quyền lợi cho mình thì phải làm sao? Không lẽ phải đi lùng từng trang mạng xã hội, từng tài khoản cá nhân để kiện?
+ Nếu thấy việc cá nhân, tổ chức sử dụng hình ảnh mà làm ảnh hưởng đến mình thì người bị sử dụng hình ảnh có ba cách để giải quyết. Thứ nhất là gửi đơn hoặc có yêu cầu trực tiếp đến cá nhân hoặc tổ chức sử dụng hình ảnh của mình buộc gỡ bỏ những hình ảnh xuống. Thứ hai, gửi đơn đến cơ quan Sở TT&TT nơi cá nhân, tổ chức đó cư trú hoặc có trụ sở. Thứ ba, gửi đơn yêu cầu tòa án giải quyết.
Với các cơ quan báo chí đăng ảnh cá nhân mà không xin phép thì Sở TT&TT chỉ có thể kiểm tra, xử phạt tờ báo đó khi có yêu cầu của cá nhân đó. Sở chỉ chủ động nếu cơ quan báo chí đăng hình ảnh, thông tin liên quan đến cá nhân mà có vi phạm thuần phong mỹ tục, lúc đó sẽ xem xét xử phạt theo một quy định khác.
. Xin cám ơn ông.
Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý... Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. |