Thời gian qua, hàng loạt các nghi án xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em được phát hiện, điển hình như tại Vũng Tàu, TP.HCM, Hà Nội… Trong số đó, nhiều vụ đã bị khởi tố hình sự để phục vụ điều tra.
Việc liên tiếp các vụ XHTD xuất hiện đang khiến dư luận hết sức hoang mang. Các câu hỏi như: làm sao bảo đảm an toàn cho trẻ, cách phòng ngừa các đối tượng ấu dâm… được nhiều phụ huynh đặt ra.
Để làm rõ những vấn đề trên, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi cùng Trung tá, Th.S Đào Trung Hiếu – chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an).
Có tới 73% số thủ phạm trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em là người quen với nạn nhân. Ảnh minh họa
73% thủ phạm là người quen
Theo Trung tá Hiếu, tội phạm XHTD trẻ em bao gồm các hành vi như: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô…
Thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), mỗi năm trung bình Việt Nam có từ 1.600-1.800 vụ XHTD trẻ em được phát hiện. Trên thực tế, con số này có thể nhiều hơn, nhưng là “tội phạm ẩn”. Trong đó, số nạn nhân là trẻ em chiếm đến 65%, đa số là nữ, có độ tuổi từ 12 đến15; đáng lo ngại, nạn nhân dưới 6 tuổi cũng chiếm tới 13,2%.
Về nguyên nhân, do tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam còn khá cao dẫn đến “nhàn cư vi bất thiện”. Khi không có công ăn việc làm, người ta dễ bị cuốn hút vào các hành vi tiêu cực, tệ nạn xã hội.
Ngoài ra, xuống cấp của đạo đức xã hội cũng là một trong những tác nhân trực tiếp. Thực tế cho thấy có tới 73% thủ phạm trong các vụ XHTD trẻ em là người quen, trong đó 10% là cha đẻ hoặc cha dượng.
"Yếu tố tạo nên sự tiêu cực này là do văn hóa ngoại lai, bạo lực, đồi trụy…; rất nhiều vụ án XHTD trẻ em xảy ra sau khi đối tượng xem phim sex. Lối sống thực dụng cũng khiến nhiều người chạy theo đồng tiền, nhiều bậc cha mẹ coi nhẹ việc quan tâm, chăm sóc cho trẻ" - Trung tá Hiếu chia sẻ.
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, nguyên nhân dẫn tới các vụ XHTD như: tỉ lệ thất nghiệp cao, sự xuống cấp đạo đức,...
Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa đối với tội phạm XHTD trẻ em nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, còn hình thức, chưa tiếp cận đời sống người dân. Tại các nhà trường, việc giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ em lứa tuổi học đường còn bị xem nhẹ, hoặc chưa được triển khai, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số,…
Phải dạy con ngay từ nhỏ
Nói về các giải pháp cũng như trang bị kĩ năng cho trẻ để tránh bị xâm hại, Trung tá Hiếu cho rằng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, nhà trường và gia đình.
Cụ thể, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân về quyền trẻ em, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, tổ dân phố, công an xã … để có khả năng giải quyết các tình huống ngay từ cơ sở.
Một buổi giảng dạy về kĩ năng phòng ngừa tội phạm bắt cóc trẻ em của Trung tá Đào Trung Hiếu dành cho học sinh tiểu học.
Đối với các nhà trường, cần thực hiện lồng ghép giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ vào các buổi học chính khóa hoặc ngoại khóa. Việc nâng cao nhận thức cho chính các thầy cô để truyền dạy cho các em học sinh kỹ năng tự bảo vệ mình cũng hết sức cần thiết.
Đặc biệt, trong mỗi gia đình vai trò giám sát và bảo vệ con cái của cha mẹ phải được đặt lên hàng đầu.
"Phụ huynh cần quan sát các biểu hiện bất thường về tâm sinh lý của trẻ để có hướng xử lý phù hợp; dạy cho con mình ngay từ nhỏ biết ai là người được phép tiếp cận và có thể chạm vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Ngoài cha mẹ, bác sỹ (khi có cha mẹ giám sát), thầy cô giáo giúp đỡ khi bệnh tật..., không ai khác được đụng chạm vào các bộ phận kín trên cơ thể mình; nếu xảy ra, phải biết la hét, bỏ đi và báo ngay cho cha mẹ" - vị chuyên gia tội phạm học cho hay.
Thêm vào đó, để quá trình điều tra đạt hiệu quả, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trên cơ thể của trẻ, cha mẹ không được cho đi tắm, giặt, mà phải giữ nguyên bộ quần áo trẻ đang mặc; khẩn trương đưa trẻ đi khám thương, giám định tổn thương sản khoa, ghi nhận dấu vết thương tích trên cơ thể; đồng thời trình báo ngay với chính quyền, cơ quan công an gần nhất.
Việc này giúp dấu vết của đối tượng được kịp thời thu thập, phục vụ công tác chứng minh tội phạm.