Tờ Economic Times ngày 29-6 đưa tin cuộc diễn tập giữa Ấn Độ và Nhật Bản được tổ chức vào ngày 27-6 vừa qua.
Sự kiện này diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono hôm 25-6 đã bày tỏ lo ngại cả về năng lực quân sự lẫn những ý định của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản đưa ra một tuyên bố như vậy sau những động thái gây lo ngại của Trung Quốc tại nhiều khu vực của châu Á trong vài tháng qua.
Cùng thời điểm với cuộc diễn tập Ấn Độ-Nhật Bản, các lãnh đạo ASEAN hôm 26-6 đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Hai tàu chiến Nhật Bản tham gia diễn tập với Ấn Độ vào ngày 27-6. Ảnh: HINDUSTAN TIMES
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 27-6 đã hoan nghênh lập trường của ASEAN. Một ngày sau đó, Hải quân Mỹ cho biết hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã bắt đầu diễn tập chung ở biển Philippines nhằm củng cố “các cam kết đáp ứng, linh hoạt và bền bỉ” của Mỹ đối với những thỏa thuận bảo vệ tương hỗ với các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Trong khi các nguồn tin mô tả hoạt động ngày 27-6 của hải quân Ấn Độ và Nhật Bản là một cuộc diễn tập thiện chí nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau giữa hải quân hai nước, thời điểm tiến hành hoạt động này được xem là quan trọng.
“Nội dung của cuộc diễn tập này là huấn luyện chiến thuật và huấn luyện thông tin liên lạc nhưng không có kịch bản cụ thể. Đây là cuộc diễn tập thứ 15 như vậy giữa Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản và Hải quân Ấn Độ trong ba năm qua sau những nỗ lực của Delhi và Tokyo nhằm mở rộng quan hệ đối tác quốc phòng” – Economic Times dẫn một nguồn thạo tin cho biết.
Cũng theo nguồn tin trên, cuộc diễn tập ngày 27-6 có sự tham gia của hai tàu chiến Ấn Độ và hai tàu chiến Nhật Bản, và nỗ lực này nhằm “gửi tín hiệu” trong bối cảnh có những hành động hiếu chiến từ Bắc Kinh.
Cụ thể, Hải quân Ấn Độ đã điều hai tàu huấn luyện INS Rana và INS Kulush tham gia diễn tập, còn Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản cử hai tàu chiến JS Kashima và JS Shimayuki.
Tờ Hindustan Times ngày 29-6 dẫn lời Phó đô đốc Pradeep Chauhan, Tổng giám đốc tổ chức Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ, nói rằng các cuộc diễn tập như thế này nhắc nhở Bắc Kinh rằng quân đội New Delhi có thể nhanh chóng từ chối sự yểm hộ trên không dành cho các tài sản hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, và các kế hoạch như vậy “đã sẵn sàng”.
Về phần mình, lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã được nâng cấp và mở rộng do những tranh chấp lãnh thổ với một Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh và quyết đoán.