Năm 2019 tôi sinh con nhỏ, hiện tôi đang nuôi con nhỏ dưới bảy tháng tuổi và vẫn đang làm việc cho công ty. Nay công ty đột ngột ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của tôi.
Vậy việc chấm dứt hợp đồng lao động của lãnh đạo công ty có đúng hay không?
Bạn đọc Nguyễn Ngọc Tú (ngoctu…@gmail.com)
Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012, quy định về bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ, người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Các trường hợp ngoại lệ là người sử dụng lao động bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
Trong thời gian lao động nữ mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.
Đồng thời theo khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Vậy trong trường hợp này, công ty không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của bạn với bất cứ lý do gì. Bạn có quyền yêu cầu công ty nhận bạn trở lại làm việc và đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội cho bạn.
Nếu công ty không đồng ý nhận lại bạn, bạn có thể nhờ đến sự can thiệp, hòa giải của công đoàn cơ sở tại công ty hoặc hòa giải viên lao động.
Trường hợp bạn và công ty không thống nhất phương án giải quyết thì bạn có thể yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lao động.
Thời hiệu yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là một năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.