Đang đi trên cao tốc nhưng mắc vệ sinh, dừng xe lại được không?

(PLO)- Theo luật sư, tùy vào từng trường hợp có thể xét việc dừng xe trên cao tốc có được xác định là khẩn cấp hay không.

Mới đây, rạng sáng ngày 17-2, một tài xế chạy tuyến TP.HCM – Nha Trang đã bị hai người đánh, sự việc liên quan đến một nữ hành khách “xin” đi vệ sinh trên cao tốc.

Cụ thể, khi xe vừa vào cao tốc TP.HCM – Long Thành, một nữ hành khách đã đề nghị dừng xe để đi vệ sinh. Tuy nhiên, vị tài xế này lại cho rằng: Quy định cao tốc không được dừng phương tiện.

Sau đó, nữ hành khách vẫn đòi đi vệ sinh nên tài xế này đã dừng tạm xe ở làn khẩn cấp của trạm thu phí để hành khách này đi vệ sinh. Tuy nhiên, người này không chịu đi vệ sinh giữa đường vì mình là nữ.

Tài xế tiếp tục giải thích sẽ dừng xe tại trạm dừng chân cách đó hơn 20 km để khách đi vệ sinh nhưng người này tỏ ra khó chịu. Khi đến trạm dừng chân, tài xế đã dừng xe cho nữ hành khách này đi vệ sinh.

Tài xế bị hành hung trong chuyến từ TP.HCM – Nha Trang. Ảnh: PLO.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 26, Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì Tài xế chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định.

Trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết. Pháp luật không quy định cụ thể về trường hợp nào “buộc phải dừng xe, đỗ xe”.

Tuy nhiên trên thực tế quy định này có thể được hiểu rằng: Trong một số trường hợp khẩn cấp người lái xe có thể dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định nhưng phải đảm bảo an toàn bằng cách đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.

Trường hợp khẩn cấp có thể là: Xe bị hư hỏng, người trên xe cần được cứu hộ y tế khẩn cấp, người trên xe cần đi vệ sinh đến mức không thể kiểm soát được;…

"Có một số ý kiến cho rằng việc “cần đi vệ sinh đến mức không thể kiểm soát được” không phải là khẩn cấp, cấp thiết. Tôi cho rằng trường hợp này là thực sự khẩn cấp và cấp thiết. Bởi vì, vấn đề này nếu xảy ra đối với tài xế thì sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng điều khiển xe an toàn của tài xế.

Nếu xảy ra đối với hành khách, mà đặc biệt là một hành khách nữ đã trưởng thành thì càng khẩn cấp và cần thiết. Bởi vì, nó sẽ ảnh hưởng về mặt sinh học và tâm lý cho hành khách đó và tất cả những người có mặt trên xe. Mặt khác, trường hợp hành khách không kiềm chế được cảm xúc hay nóng giận mà có hành vi tranh cãi, gây mất trật tự hoặc những hành vi khác có thể gây ảnh hưởng đến việc lái xe an toàn của tài xế.

Do vậy, việc dừng xe, đỗ xe khi hành khách “cần đi vệ sinh đến mức không thể kiểm soát được” có thể được xem là trường hợp khẩn cấp.

Trao đổi với PLO, Công ty CP dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECE – đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) cho biết trên cao tốc có trạm dừng nghỉ ở km41, có cây xăng, nhà WC đầy đủ hai bên đường. Theo đó, tài xế có thể cho phương tiện vào khu vực này để phục vụ hành khách. Tuy nhiên, hành khách khi lên xe cũng cần chú ý sức khỏe, đi vệ sinh trước khi lên xe.

VETE cho biết theo quy định người điều khiển không được phép điều khiển phương tiện di chuyển trong làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc và phần lề đường.

Lái xe chỉ được phép di chuyển vào làn dừng khẩn cấp trong các tình huống xe gặp trục trặc như hết xăng, chết máy, thay lốp... hoặc tài xế không đảm bảo sức khỏe để tiếp tục lái xe. Ngoài ra, các loại xe ưu tiên như xe cấp cứu, cứu hỏa, xe cảnh sát/quân sự được phép di chuyển trên làn đường này trong các trường hợp khẩn cấp.

Hành hung người khác bị xử lý sao?

Luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết: Trường hợp những người hành hung tài xế vì không dừng xe trên đường cao tốc cho nữ hành khách đi vệ sinh có thể bị xử phạt hành chính hoặc trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích tùy vào tính chất. Mức độ và hậu quả của hành vi gây thương tích quy định tại Điều 134 BLHS.

Có thể bị xử phạt hành chính: Theo điểm a Khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP: “Người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng”.

Xử lý hình sự nếu: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Ngoài ra, còn phải bồi thường các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, thuốc men, bồi thường tổn thất tinh thần vì hành vi cố ý gây thương tích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới