Đảng không bao biện, làm thay, cũng không buông lỏng lãnh đạo

(PLO)-  Vẫn còn tình trạng bao biện, áp đặt, làm thay hoặc né tránh, sợ trách nhiệm, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.

Ngày 4-10, ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. Buổi sáng, trung ương thảo luận tại hội trường về đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Buổi chiều, trung ương thảo luận tại tổ về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Kiến nghị trung ương xem xét ban hành nghị quyết mới

Ngoài đề án nhà nước pháp quyền, đề án đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng được Bộ Chính trị quan tâm chỉ đạo sát sao. Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa X được thành lập đã tiến hành công việc một cách nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học, có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, với tinh thần trách nhiệm cao của các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương.

Các đại biểu dự Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: VGP

Báo cáo tổng kết trình trung ương tại hội nghị lần này đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X. Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và phân tích rõ nguyên nhân. Từ đó đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và kiến nghị trung ương xem xét ban hành nghị quyết mới để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy có hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.

Trước đó, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 ngày 3-10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết bản báo cáo tổng kết còn có sự tham gia của các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Theo Tổng bí thư, bản báo cáo tổng kết trình trung ương tại hội nghị lần này có những nội dung rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Từ đó, Tổng bí thư đề nghị các đồng chí dự Hội nghị Trung ương 6 tập trung nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao... Trong đó, chú ý đến những nhiệm vụ, giải pháp mới, có tính đột phá, khả thi cao nhằm tiếp tục phát huy thật tốt những kết quả, thành tựu và bài học kinh nghiệm thành công đã đạt được.

Đổi mới, nâng cao chất lượng nghị quyết

Cũng trong phát biểu mang tính gợi ý hôm khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn một số phân tích, đánh giá trong đề án về những hạn chế, yếu kém, tồn tại.

Nhiều đổi mới trong công tác kiểm tra, kỷ luật

Theo Tổng bí thư, thời gian qua công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên có mặt còn hạn chế. Chưa thật sự bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, thiếu cơ chế phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng và trọng dụng nhân tài. Chưa kiểm soát tốt được quyền lực trong công tác cán bộ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng tuy đã có nhiều đổi mới và có đột phá trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chất lượng, hiệu quả chưa đều ở các cấp, việc tự kiểm tra, giám sát còn nhiều hạn chế...

Cụ thể, nhận thức lý luận về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng còn có những vấn đề chưa thật rõ. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành các nghị quyết của Đảng, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành luật pháp, chính sách của Nhà nước chuyển biến chưa thật sự rõ nét. Vẫn còn tình trạng chất lượng một số văn bản chưa sát thực tế. Tổ chức thực hiện nghị quyết chưa nghiêm. Cách thức tổ chức quán triệt nghị quyết còn ít đổi mới.

Việc hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp giữa các cấp, các ngành; xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị còn chậm và lúng túng. Trong đó băn khoăn nhất là việc xử lý tình trạng không rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc của Đảng trong công tác lãnh đạo, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Vẫn còn tình trạng bao biện, áp đặt, làm thay hoặc né tránh, sợ trách nhiệm, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đây là một số trong nhiều nội dung, khía cạnh trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng mà Hội nghị Trung ương 6 lần này sẽ phải thảo luận, đưa ra các giải pháp để tiếp tục khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới