Đang lấy ý kiến về tiêu chí làm cửa hàng tiện lợi

(PLO)- Theo Bộ Công thương, tiêu chí cửa hàng tiện lợi phục vụ chủ yếu cho khách mua hàng trong bán kính dưới 500 m nhằm dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 18-7, Báo Công Thương tổ chức toạ đàm Dự thảo Thông tư quy định về phát triển hạ tầng thương mại.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết: Thực hiện Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong đó có mục tiêu là nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa qua các kênh phân phối hiện đại từ dưới 30 % hiện nay lên 42 % trong năm 2030, Bộ Công thương đang rà soát để ban hành những tiêu chí, tiêu chuẩn mới liên quan đến các loại hình hạ tầng thương mại.

Trên cơ sở đó, các địa phương xây dựng được những kế hoạch, quy hoạch tổng thể và phát triển được những kênh phân phối hiện đại với tốc độ nhanh hơn nữa.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết bà đồng tình với một số điểm dự thảo đưa ra. Tuy vậy, các tiêu chí đưa ra phải tiên tiến vừa dễ quản lý cũng như vừa để DN dễ thực hiện.

Trong dự thảo tiêu chí Cửa hàng tiện lợi được kinh doanh một số dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Trong dự thảo tiêu chí Cửa hàng tiện lợi được kinh doanh một số dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Cụ thể, về tiêu chí "Cửa hàng tiện lợi (CHTL) với đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m”, bà Hậu cho rằng mục tiêu của Bộ Công thương là sẽ có những quy định phù hợp cho sự phát triển tổng thể của mạng lưới bán lẻ, chứ không phải khách ở xa 500 m là không được mua hàng, đây là quan điểm chưa thuyết phục.

"Theo đó, Hiệp hội đang lấy ý kiến các đơn vị thành viên để góp ý cho Bộ Công thương nhằm có văn bản quản lý tốt nhất, phù hợp với bối cảnh phát triển của hệ thống bán lẻ Việt Nam” - bà Hậu nói.

Trong khi đó, bà Lê Việt Nga cho rằng tiêu chí trên nhằm làm rõ hơn tính tiện lợi của các CHTL. Đó là việc dễ dàng tiếp cận của người tiêu dùng khi có thể chỉ cần đi bộ cũng đã tới được cửa hàng. Bên cạnh đó để người tiêu dùng tiếp cận được dễ dàng, tiêu chí cho phép CHTL được phép hoạt động 24/24 giờ mà siêu thị, chợ truyền thống, các loại hình thương mại khác không được quyền lợi như vậy.

Thêm vào đó, tiêu chí CHTL được mở rộng ra là được kinh doanh một số dịch vụ thiết yếu như đóng tiền điện, nước…được kinh doanh những dược phẩm không kê đơn.

“Chúng tôi tạo ra những tiêu chí để chuỗi CHTL là một trong những loại hình hạ tầng thương mại mà bộ nhận thức phù hợp với điều kiện Việt Nam và là một trong những định hướng của bộ trong thời gian tới” - bà Nga nói.

Ngoài ra, theo bà Nga, tập quán tiêu dùng của người Việt tìm kiếm các loại hình hạ tầng thương mại ở gần nhà đang rất mạnh. Kinh nghiệm của Thái Lan họ đang hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh được nâng cấp từ cửa hàng bách hóa, cửa hàng tạp hóa lên thành chuỗi CHTL nhằm chuẩn hóa các hoạt động kinh doanh theo hướng văn minh hiện đại.

Hàng hóa nguồn gốc xuất xứ được cung cấp từ các nhà cung cấp theo chuỗi để bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao dịch vụ cho người dân theo hướng văn minh, hiện đại. Hàng hóa luôn rõ nguồn gốc, xuất xứ, có giá cả cạnh tranh. Đó là mục tiêu tổ soạn thảo khi nói về khoảng cách 500 m.

Nhiều quốc gia cũng có quy định riêng đối với CHTL như Trung Quốc nói rất rõ CHTL là nơi NTD có thể đi bộ 5 phút là có thể đến được.

Doanh nghiệp FDI không biết được đặt tên là gì

Một trong những tiêu chí của dự thảo được DN quan tâm đó là quy định các loại hình hạ tầng thương mại phải ghi bằng tiếng Việt trước tên thương mại hoặc tên riêng do thương nhân tự đặt và trước các từ chỉ địa danh hay tính chất của loại hình hạ tầng thương mại. Ví dụ: Siêu thị A, Trung tâm thương mại D, Cửa hàng tiện lợi C...

Ngoài ra, thương nhân kinh doanh có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt.

Bà Lê Việt Nga cho biết, ghi tên biển hiệu tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng đang lắng nghe đóng góp của DN, chuyên gia về việc có nên Việt hóa một số tên gọi đặc thù của loại hình hạ tầng thương mại hay không.

Đơn cử như Bộ Công thương cũng đang phải tạm sử dụng từ logistics để xây dựng chiến lược phát triển quốc gia về logistics là từ tiếng Anh để thể hiện đúng những chức năng và hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế.

Do đó, cửa hàng outlet (bán lẻ) nếu Việt hóa ra, rất mong các nhà ngôn ngữ học hay DN gợi ý cho Bộ Công thương có từ nào hay hơn, bao quát hơn để thay thế được từ outlet không.

“Hiện chúng tôi gặp nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài đề xuất muốn đầu tư tại Việt Nam thì được gọi tên là gì”-bà Nga cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm