Xung đột Israel - Hamas đang cho thấy những dấu hiệu lan rộng ở Trung Đông, gần đây nhất là việc Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani ngày 5-1 thông báo bắt đầu quá trình loại bỏ liên minh quân sự quốc tế do Mỹ dẫn đầu khỏi Iraq, theo hãng tin Reuters.
Động thái trên diễn ra sau cuộc không kích bằng máy bay không người lái ngày 4-1 của Mỹ vào thủ đô Baghdad (Iraq) tiêu diệt ông Mushtaq Jawad Kazim al Jawari, một thủ lĩnh nhóm dân quân Hashed al-Shaabi ở Iraq mà Washington cho là có liên hệ với Iran.
Lầu Năm Góc cáo buộc ông Jawari đã lập kế hoạch và tham gia vào các cuộc tấn công nhắm vào binh sĩ Mỹ ở Iraq. Kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ, nhiều nhóm Hồi giáo vũ trang được Iran hậu thuẫn đã tấn công quân đội Mỹ ở Iraq, Syria và Biển Đỏ.
Chính phủ Iraq gần đây đã thể hiện mong muốn giải tán liên quân do Mỹ dẫn đầu sau các vụ tấn công trả đũa của Mỹ ở Iraq.
Theo Reuters, vụ tấn công ngày 4-1 của Mỹ đã làm các nhóm thân Iran ở Iraq nổi giận và như giọt nước tràn ly khiến chính phủ Iraq phải hành động.
Một cố vấn chính trị thân cận với Thủ tướng Sudani cho biết ông Sudani đang chịu áp lực rất lớn từ các đảng theo Hồi giáo dòng Shiite hùng mạnh thân Iran trong việc chấm dứt sự hiện diện của Mỹ ở Iraq.
Các đảng người Shiite đã hỗ trợ để ông Sudani giành được quyền lực một năm trước và hiện các đảng này đang có quyền lực lớn trong liên minh cầm quyền của ông.
Về phía Washington, các quan chức Mỹ (đề nghị không nêu tên) chia sẻ với Reuters rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ban đầu tránh đưa ra phản ứng nào trước làn sóng tấn công vào quân đội Mỹ ở Iraq do lo ngại sẽ có phản ứng chính trị dữ dội.
Tuy nhiên, theo các quan chức, việc Iraq không thể kiềm chế được lực lượng dân quân khiến số vụ tấn công nhân viên Mỹ ngày càng nhiều dường như đã đẩy Washington đến cách tiếp cận quyết liệt hơn.
Liên minh quân sự quốc tế do Mỹ dẫn đầu được thành lập vào năm 2014 dưới thời tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama nhằm đáp trả các cuộc tấn công của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vào miền Bắc Iraq. Thời điểm này, phần lớn lãnh thổ của Iraq và Syria nằm dưới sự kiểm soát của IS.
Mỹ hiện có 2.500 binh sĩ ở Iraq và 900 binh sĩ ở nước láng giềng Syria để thực hiện nhiệm vụ cố vấn và hỗ trợ các lực lượng địa phương chống lại IS.