Đằng sau việc Mỹ khẩn cấp chặn xung đột Israel - Hamas lan rộng Trung Đông

(PLO)- Xung đột Israel - Hamas nổ ra, hết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Tổng thống Mỹ Joe Biden cấp tập sang Israel bàn chặn xung đột leo thang rộng ra Trung Đông. Đằng sau các động thái khẩn trương và quyết liệt của Mỹ là gì?

Xung đột Israel - Hamas ngày một leo thang nguy hiểm và có nguy cơ lan rộng ra Trung Đông. Chỉ trong bốn ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bận rộn công du con thoi tới sáu nước trong khu vực, trong đó có hai lần đến Israel. Ngày 18-10, đến lượt Tổng thống Mỹ Joe Biden sang Israel.

Chủ đề chính trong các chuyến đi này là tìm cách hạ nhiệt xung đột Israel - Hamas, không để leo thang rộng ra các mặt trận khác ở Trung Đông.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Tel Aviv (Israel) vào ngày 18-10. Ảnh: REUTERS

Mỹ can hệ thế nào đến Israel và thế giới Ả Rập?

Israel là đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Trung Đông. Ngay sau khi xung đột xảy ra, Mỹ lên tiếng ủng hộ “quyền tự vệ” của Israel và khẳng định sẽ “sát cánh” với đồng minh Israel.

Chỉ trong vài ngày, Mỹ điều hai nhóm tàu sân bay tấn công đến Địa Trung Hải để “phòng ngừa, răn đe” các chủ thể trong khu vực đừng lợi dụng tình hình mà mở mặt trận tấn công Israel. Và dù Quân đội Mỹ chưa tuyên bố chính thức nhưng đài CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ ngày 16-10 cho biết nước này đã chuẩn bị khoảng 2.000 thủy quân lục chiến sẵn sàng hỗ trợ Israel.

Đáng lưu ý là dù khẳng định “sát cánh” với Israel nhưng cả ông Biden và ông Blinken đều kêu gọi Israel kiềm chế ở Dải Gaza, hạn chế hết sức thương vong dân thường, tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo. Ông Biden còn cảnh báo nghiêm túc rằng Israel không được mắc “sai lầm lớn” chiếm đóng Dải Gaza, kêu gọi Israel quay lại đàm phán với Palestine về giải pháp hai nhà nước. Mỹ cũng đang tập trung tìm cách giảm nhẹ cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza, trong bối cảnh Israel không ngừng không kích.

Song song giữ quan hệ đồng minh với Israel, Mỹ cũng ưu tiên tăng cường gắn kết và duy trì ảnh hưởng với thế giới Ả Rập trong khu vực. Cuối tuần rồi, nhiều quan chức Mỹ cho biết Mỹ đang cố gắng hết sức để duy trì thế hòa hoãn ở Trung Đông, giữ mục tiêu hòa giải để Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với Israel.

Hezbollah mạnh hơn Hamas rất nhiều và nếu chiến tranh nổ ra thì Israel sẽ tổn thất hơn nhiều so với cuộc chiến với Hamas.

Sau khi Hiệp định Abraham do Mỹ bảo trợ thành hình năm 2020, cùng nhiều nhượng bộ thỏa thuận từ phía Mỹ với thế giới Ả Rập, đã có nhiều nước Ả Rập (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Sudan, Morocco, Bahrain) bình thường quan hệ ngoại giao với Israel. Trước khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, Saudi Arabia đang trong quá trình đàm phán tiến tới bình thường quan hệ với Israel. Nhưng với bối cảnh Israel không kích không ngừng nghỉ vào Dải Gaza - lãnh thổ thuộc nhà nước Ả Rập Palestine, Saudi Arabia cuối tuần rồi thông báo ngưng đàm phán với Israel.

“Chúng ta có thể giải quyết cả hai vấn đề này mà vẫn duy trì được khả năng phòng thủ quốc tế tổng thể của mình. Nếu chúng tôi không làm thì ai làm?” - Tổng thống Mỹ Biden trả lời phỏng vấn đài CBS cuối tuần rồi, khẳng định Mỹ có thể hỗ trợ cả Israel và Ukraine.

Mỹ nỗ lực ngăn chiến tranh lan rộng

CNN nhận định Mỹ đang “nỗ lực điên cuồng” ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh Trung Đông rộng lớn hơn. Theo CNN, Mỹ lo ngại xung đột lan rộng ra khu vực có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn hơn xung đột Israel - Hamas hiện tại.

ý kiến cho rằng mục đích của Hamas (được Iran ủng hộ) khi phát động tấn công Israel ngày 7-10 là nhằm xoay chuyển làn sóng ngoại giao và chính trị trong khu vực đang có chiều hướng có lợi cho Israel và Mỹ, phá bỏ Hiệp định Abraham và buộc các nước Ả Rập quay lại ủng hộ Palestine, từ đó làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông.

Ngay sau khi Israel tấn công trả đũa Hamas, Hezbollah và các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Syria đã nã rocket, súng cối sang Israel. Nếu tình hình không được kiềm lại, khả năng sẽ có một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Israel (Mỹ ủng hộ) với Hezbollah, các lực lượng Syria và Hamas (Iran ủng hộ).

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian đã cảnh báo rằng các lực lượng kháng chiến sẽ mở “nhiều mặt trận” chống Israel nếu Israel tiếp tục tấn công vào Dải Gaza. Khi được hỏi liệu Iran có tham chiến hay không, ông Abdollahian để ngỏ rằng: “Mọi chuyện đều có thể”.

Bản thân cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng cảnh báo rằng cuộc chiến Israel - Hamas có thể chỉ là sự khởi đầu và có thể leo thang mở ra mặt trận thứ hai ở phía Bắc Israel “và tất nhiên có sự tham gia của Iran”.

Đây có nguy cơ sẽ là một vũng lầy cho Mỹ. Xung đột lan rộng có thể khiến các lực lượng của Mỹ ở Iraq và Syria chịu đe dọa từ các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở các nước này. Càng áp lực hơn khi Mỹ đang phải co kéo nguồn lực quân sự hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột dài ngày với Nga.

Tại Ai Cập, ông Blinken đề cập quyết tâm ngăn chặn xung đột Israel - Hamas leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực lớn hơn. Tuy nhiên, theo CNN, nhiệm vụ này cực kỳ phức tạp và Mỹ có thể khó dung hòa được các bên. Nếu Israel đổ quân sang Dải Gaza và sự tàn phá cùng thiệt hại nhân mạng to lớn sau đó có thể sẽ khiến căng thẳng với thế giới Ả Rập khó xuống thang khi các đồng minh Ả Rập chọn xa lánh Mỹ, không gian ngoại giao với các quốc gia Ả Rập chủ chốt như Saudi Arabia và Ai Cập sẽ bị thu hẹp, theo CNN.•

Hơn 500 người chết ở BV Gaza: Ông Biden tin không phải Israel làm

Xung đột Israel - Hamas chứng kiến diễn biến đau thương nghiêm trọng. Tối 17-10, BV Baptist Al-Ahli ở Dải Gaza trúng không kích, hơn 500 người thiệt mạng, theo kênh Al Jazeera. Nhân chứng tại hiện trường và nhân viên y tế của các bệnh viện lân cận nói với hãng tin AFP rằng ngoài 500 người chết, có khoảng 1.200 người bị kẹt dưới đống đổ nát.

Phía Hamas cáo buộc Israel là bên gây ra thảm cảnh và Mỹ phải chịu trách nhiệm vì đã “che đậy hành động gây hấn của Israel”. Lực lượng Phòng vệ Israel bác bỏ mọi liên quan, khẳng định mình “không cố ý tấn công bất kỳ cơ sở nhạy cảm nào, bao gồm bệnh viện”, theo đài CNN. Israel cho rằng đây là hậu quả “vụ phóng tên lửa thất bại” của nhóm Hồi giáo Jihad (cũng là một phong trào Hồi giáo của người Palestine) ở Dải Gaza, khẳng định mình có thông tin tình báo về một vụ phóng tên lửa thất bại của nhóm này.

Israel cho biết đã chia sẻ thông tin với phía Mỹ. Gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv ngày 18-10, Tổng thống Biden nói rằng ông “vô cùng đau buồn và phẫn nộ” nhưng vụ việc “có vẻ như do bên kia thực hiện chứ không phải ông”. Trước đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby lưu ý đến việc “Israel bác bỏ một cách dứt khoát và rất cương quyết rằng họ có liên quan gì đến vụ việc này”. Ông Kirby cho biết ông Biden đã chỉ đạo nhóm an ninh quốc gia thu thập thông tin và tìm hiểu bối cảnh “để chúng tôi có thể tìm hiểu thêm về những gì đã xảy ra”.

Vụ bệnh viện ở Dải Gaza trúng không kích khiến các nước Hồi giáo phản ứng dữ dội. Jordan hủy kế hoạch tổ chức thượng đỉnh giữa ông Biden với các lãnh đạo Jordan, Ai Cập và Palestine. Về việc này, ông Kirby cho biết đây là “quyết định chung” giữa các quan chức Jordan và Mỹ.

Saudi Arabia lên án mạnh “tội ác ghê tởm” mà nước này tin rằng do Israel gây ra. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng quy trách nhiệm và lên án Israel. Nga và UAE yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn. Biểu tình phản đối diễn ra tại nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới