Đằng sau việc Mỹ muốn lập lực lượng đặc nhiệm ở Biển Đỏ

(PLO)- Mỹ muốn lập lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia ở Biển Đỏ không chỉ chống mối đe dọa từ nhóm vũ trang Houthis mà còn phục vụ lợi ích của Mỹ trong khu vực.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ vào ngày 7-10, nhóm vũ trang Houthis ở Yemen được Iran hậu thuẫn đã liên tục tấn công tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào các tàu đi qua Biển Đỏ - một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Lực lượng này tuyên bố nhắm vào tàu liên quan đến Israel, tàu đang hướng đến các cảng của Israel hoặc đang đi ngang qua bờ biển ven Biển Đỏ của Yemen. Houthis gọi đây là hành động đáp trả Israel trong xung đột Israel - Hamas và để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine.

Lực lượng Mỹ và đồng minh ở Trung Đông đã bắn hạ nhiều tên lửa, UAV của Houthis phóng từ Yemen kể từ tháng 10. Tuy nhiên, trước việc ngày càng nhiều tàu qua Biển Đỏ bị tấn công, Mỹ đã đề xuất ý tưởng thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân đa quốc gia để hộ tống, đảm bảo an toàn cho các tàu thương mại di chuyển trên tuyến đường biển này.

Mỹ, Iran nói về đề xuất lập lực lượng đặc nhiệm

Đầu tháng này, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết Mỹ đang tích cực đàm phán với các đồng minh về việc thành lập lực lượng đặc nhiệm hàng hải hộ tống tàu thương mại ở Biển Đỏ. Ông Sullivan cho biết lực lượng này sẽ có sự tham gia của các tàu từ nhiều quốc gia đối tác nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Theo ông Sullivan, đây là phản ứng tự nhiên trước những hành động nguy hiểm của Houthis.

Trước các cuộc tấn công nguy hiểm bằng tên lửa và UAV của lực lượng Houthis ở Yemen nhằm vào các tàu di chuyển trên Biển Đỏ, Mỹ đang làm việc tích cực với các đồng minh, đối tác để thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân đa quốc gia nhằm bảo vệ an toàn cho hoạt động vận chuyển hàng hải ở khu vực này.

Sau đó, vào ngày 14-12, Đặc phái viên Mỹ tại Yemen Tim Lenderking nói với hãng tin Reuters rằng Washington muốn mở rộng hết mức có thể lực lượng đặc nhiệm hiện tại để bảo vệ các tàu ở Biển Đỏ. Tuy nhiên, ông Lenderking từ chối cho biết Washington đã tiếp cận những nước nào và bao nhiêu nước để mở rộng liên minh hàng hải. Lực lượng đặc nhiệm hiện tại ở Biển Đỏ và vịnh Aden được gọi là lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp 153 (CTF 153) thuộc lực lượng Hàng hải Liên hợp (CMF).

Cũng trong ngày 14-12, Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin đã thảo luận với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Saudi Arabia Khalid bin Salman về các mối đe dọa của Houthi đối với quyền tự do hàng hải ở vùng biển này. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Charles Q. Brown Jr. cũng đã có cuộc nói chuyện tương tự với người đồng cấp Pháp Stéphane Mille, theo Lầu Năm Góc.

Phản ứng với kế hoạch của Mỹ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Iran Mohammad Reza Ashtiani cảnh báo lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia Mỹ dự kiến thiết lập ở Biển Đỏ sẽ gặp phải “những vấn đề nghiêm trọng” và tuyên bố “không ai có thể tiến hành những động thái nào trong khu vực (Biển Đỏ) mà Iran đang chiếm ưu thế nhiều hơn”. Tuy nhiên, ông không chỉ ra các biện pháp mà Tehran dự định thực hiện để đáp trả đề xuất của Mỹ.

Ngày 13-12, hãng thông tấn nhà nước SABA của Yemen dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên đã bác bỏ thông tin Yemen đồng ý tham gia lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia do Mỹ đề xuất, đồng thời cho biết quyết định này sẽ do các cơ quan thẩm quyền cao nhất trong nước, đặc biệt là Hội đồng lãnh đạo của tổng thống, đưa ra.

Anh1-my-lap-luc-luong-dac-nhiem-o-bien-do.jpg
Tàu chỉ huy đổ bộ USS Mount Whitney của Mỹ và khinh hạm ENS Alexandria của Ai Cập hoạt động tại Biển Đỏ để hỗ trợ lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp 153 vào ngày 20-4-2022. Ảnh: QUÂN ĐỘI MỸ

Giới chuyên gia nói gì?

Ông Mick Mulroy, quan chức Lầu Năm Góc thời chính quyền Tổng thống Donald Trump với nhiều kinh nghiệm về các vấn đề Trung Đông, cho rằng việc dùng lực lượng an ninh hàng hải để bảo vệ các tuyến đường thủy trong khu vực là một ý tưởng hay, theo tờ The Washington Post. Tuy nhiên, theo ông Mulroy, việc tìm đủ tàu để thực hiện đề xuất lực lượng đặc nhiệm sao cho hiệu quả có thể là một thách thức. Ông nói rằng Mỹ có thể làm nhiều cách nhưng có thể cần phải di chuyển tàu từ các khu vực khác tới Biển Đỏ.

Hiện tại Mỹ vẫn chưa cung cấp chi tiết về đường hướng hình thành lực lượng đặc nhiệm hải quân, tức là chưa nói rõ sẽ lập mới hay mở rộng lực lượng đặc nhiệm hiện có - CTF 153. Bài bình luận đăng trên chuyên trang quốc phòng Defense News cho rằng Washington không cần thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới, mà chỉ cần mở rộng CTF 153 bằng cách thu hút thêm các thành viên và tăng cường năng lực hoạt động. Bài bình luận gợi ý rằng một số nước gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain và các nước G7 nên tích cực tham gia lực lượng này do có lợi ích ở Biển Đỏ, có mối quan tâm đối với quyền tự do hàng hải ở Trung Đông cũng như tư cách thành viên CMF.

Mỹ -lap-luc-luong-dac-nhiem-o-bien-do.png
Trực thăng quân sự của Houthi bay trên tàu chở hàng Galaxy Leader ở Biển Đỏ vào tháng 11-2023. Ảnh: HOUTHI MILITARY MEDIA/REUTERS

Bà Zoe Ciaccio, nhà phân tích của Công ty tư vấn rủi ro Dragonfly Intelligence có trụ sở tại Anh, cho rằng việc thu hút thêm các nước tham gia lực lượng đặc nhiệm sẽ giúp Mỹ chia sẻ gánh nặng tài chính cho những hoạt động hải quân trong khu vực, đồng thời mong muốn các đồng minh hỗ trợ các mục tiêu hàng hải của mình.

Theo bà Ciaccio, việc lập lực lượng đặc nhiệm mới để bảo vệ hoạt động vận chuyển ở Biển Đỏ có thể là một nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn xung đột mở rộng, theo tờ The National. Bà Ciaccio nói: “Có lẽ Washington đang tìm cách đảm bảo an ninh tốt hơn cho các tuyến đường vận chuyển, đồng thời tránh bị lôi kéo vào một cuộc trả đũa quân sự liên quan đến họ hoặc Israel về việc chống lại người Houthis ở Yemen”.•

Biết gì về lực lượng đặc nhiệm CTF 153?

Hiện tại, ở khu vực Biển Đỏ đã có một lực lượng đặc nhiệm của Mỹ và các đối tác gọi là lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp 153 (CTF 153) hoạt động.

CTF 153 là một trong năm lực lượng đặc nhiệm do lực lượng Hàng hải Liên hợp (CMF) - nhóm gồm 39 quốc gia điều hành. Nhiệm vụ của CTF 153 là tập trung vào việc duy trì an ninh và xây dựng năng lực tác chiến ở Biển Đỏ, eo biển Bab al-Mandeb và vịnh Aden.

CTF 153 được thành lập vào ngày 17-4-2022, gồm 15 quân nhân, bao gồm lính Mỹ và lính của một số nước thành viên CMF. Nhóm lính này ở trên tàu chỉ huy đổ bộ USS Mount Whitney của Hải quân Mỹ hoạt động trong vùng biển này. Khi không tác chiến trên biển, quân nhân thuộc CTF 153 làm việc ở các văn phòng tại trụ sở CMF ở thủ đô Manama (Bahrain).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm