Đằng sau việc phương Tây gửi Ukraine hàng loạt xe chiến đấu bọc thép

(PLO)- Việc các nước phương Tây gửi Ukraine nhiều loại xe chiến đấu bọc thép thể hiện hy vọng Ukraine sẽ phản công thành công nhưng điều này cũng có thể gây khó khăn về mặt hậu cần cho Kiev.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đầu tháng này, ba nước Pháp, Mỹ, Đức đã thông báo gửi các loại xe chiến đấu bọc thép cho Ukraine. Theo đó, Pháp sẽ gửi xe bọc thép AMX-10 RC, Mỹ sẽ gửi Bradley và Đức gửi Marder cho Ukraine. Bộ ba phương tiện này không phải là những phương tiện bọc thép đầu tiên được phương Tây gửi đến Ukraine, nhưng chúng được coi là phương tiện bọc thép tiên tiến nhất được gửi cho Kiev.

Đây là một sự thay đổi lớn trong chính sách gửi vũ khí sát thương cho Ukraine bởi trước nay, các nước phương Tây luôn chần chừ vì lo ngại cuộc chiến sẽ leo thang căng thẳng nếu gửi loại vũ khí này.

Không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Kiev vô cùng hoan nghênh động thái này của phương Tây. Ngoại trưởng Ukraine - ông Dmytro Kuleba bày tỏ sự vui mừng khi nhận được vũ khí sát thương mới, ông viết trên Twitter: “Thời kỳ tránh né việc gửi vũ khí (cho Ukraine) đã qua”.

Phía Nga đã phản ứng gắt với động thái của phương Tây. Đại sứ quán Nga tại Berlin đăng thông báo rằng các phương tiện mới là “một bước nữa dẫn đến sự leo thang của cuộc xung đột Ukraine”.

Tính toán và hy vọng của phương Tây

Theo tờ The New York Times, ba loại xe bọc thép mới này được gửi đến Kiev báo hiệu rằng các đồng minh của Ukraine đang chuẩn bị cho một năm chiến sự nữa và mong chờ một chiến thắng cho Ukraine, trong bối cảnh cuộc chiến bước vào giai đoạn mới, Ukraine quyết liệt phản công và Nga tích cực phòng thủ.

Xe bọc thép Đức Marder

Xe bọc thép Marder trong cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Lithuania vào tháng 10-2022. Ảnh: GETTY IMAGES

Nhà phân tích chính sách đối ngoại người Đức Ulrich Speck cho biết quyết định của ba nước “thể hiện rõ sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine cho một cuộc phản công có thể diễn ra trong những tháng tới…Và nó báo hiệu cho Moscow rằng Ukraine và phương Tây sẽ không sớm đi vào quỹ đạo của các cuộc đàm phán hòa bình (mà Nga đưa ra-PV)”.

Các phương tiện bọc thép mới này gần như chắc chắn sẽ được dùng vào mục đích tấn công, trong nỗ lực đẩy lùi quân Nga ra khỏi Ukraine. Các quan chức Mỹ cho rằng điều này sẽ đặc biệt hữu ích cho các đơn vị Ukraine chiến đấu ở vùng Donbass, miền đông Ukraine.

Xe bọc thép Bradley và Marder có thể chở quân, khiến chúng trở nên quan trọng đối với bất kỳ loại hoạt động tấn công nào của Ukraine trong tương lai nhằm thọc sâu vào hệ thống phòng thủ của Nga dọc theo chiến tuyến trải dài hơn 965 km. Trong những tuần gần đây, các hệ thống phòng thủ này hầu như đã ổn định sau khi được tăng cường bởi lực lượng quân đội được tổng động viên của Nga.

Ông Rob Lee - chuyên gia phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “Ukraine đang lên kế hoạch tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn nhằm vào các cứ điểm của Nga. Vì vậy việc trang bị các phương tiện chiến đấu bộ binh tốt hơn để áp sát các vị trí phòng thủ là điều rất quan trọng”, The New York Times cho hay.

Xe bọc thép AMX-10 của Pháp

Xe bọc thép AMX-10 của Pháp không có bánh xích như Marder và Bradley. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Theo quân đội Ukraine và một quan chức Mỹ, sau hơn 10 tháng giao tranh quyết liệt, từ kinh nghiệm rút ra từ các phương tiện từ thời Liên Xô của Ukraine, những người này ước đoán rằng xe bọc thép loại mới AMX-10 RC,Bradley và Marder sẽ bị hư hại hoặc bị phá hủy chậm hơn so với những phương tiện thời Liên Xô mà Ukraine đã dùng.

Có vũ khí mới lại chồng thêm khó khăn?

Một nhà ngoại giao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết Pháp, Đức và Mỹ đã thảo luận về việc cung cấp cho Ukraine những phương tiện chiến đấu bọc thép này và Pháp đã thông báo quyết định của mình trước.

Ngày 4-1, Tổng thống Emmanuel Macron thông báo Pháp sẽ cung cấp xe chiến đấu bộ binh AMX-10 cho Ukraine. Một ngày sau, sau cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Joe Biden và ông Olaf Scholz, phía Mỹ nói sẽ gửi 50 chiếc Bradleys và Đức thông báo cung cấp 40 chiếc Marder cho Ukraine.

Tuy nhiên, nếu phương Tây không gửi các vũ khí chiến đấu, bao gồm xe bọc thép này với số lượng lớn, thì những đợt gửi xe bọc thép này có thể mang lại rất ít thay đổi trên chiến trường.

Thậm chí, nó còn làm tăng thêm gánh nặng hậu cần cho Ukraine khi các thợ cơ khí Ukraine phải vật lộn với việc nghiên cứu, sửa chữa một đội xe đa dạng mà mỗi chiếc có những yêu cầu về bảo dưỡng, sửa chữa mỗi bộ phận, đạn dược hoàn toàn khác nhau, theo The New York Times.

Xe bọc thép M2 Bradley của Mỹ với biệt danh là sát thủ xe tăng. Ảnh: EPA/SHUTTERSTOCK

Xe bọc thép M2 Bradley của Mỹ với biệt danh là sát thủ xe tăng. Ảnh: EPA/SHUTTERSTOCK

Xe AMX-10 có pháo 105 mm, còn M2 Bradley có thể được trang bị pháo 25 mm và tên lửa chống tăng có điều khiển và Marder thường được trang bị súng 20 mm. Ba phương tiện khác nhau có cách vận hành và sử dụng các loại đạn khác nhau đồng nghĩa với việc quân Ukraine phải mất thời gian học, tập luyện và ghi nhớ cách vận hành của các loại này.

Ukraine thường xuyên gây sức ép với các đồng minh phương Tây để có được các vũ khí bộ binh tinh vi hơn, bao gồm xe chiến đấu bộ binh bọc thép và xe tăng tối tân của phương Tây, như Abrams của Mỹ và Leopard II của Đức.

Tuy nhiên, Washington, Paris và Berlin đã thận trọng, cố gắng cung cấp vũ khí mà Ukraine thực sự cần và có khả năng vận hành, đồng thời cân nhắc về số lượng dự trữ trong kho của mình.

Bước tiến của Đức với Ukraine

Đức luôn cẩn thận vạch ra ranh giới giữa vũ khí phòng thủ, như phương tiện phòng không di động Gepard và vũ khí có thể được sử dụng để tấn công, chiến đấu cùng với bộ binh như Marder và Leopard. Berlin đã khẳng định rằng họ sẽ không phải là đồng minh NATO đầu tiên cung cấp vũ khí tấn công cho Ukraine.

Cùng với xe bọc thép Marder, Đức cũng thông báo rằng sẽ cung cấp một khẩu đội tên lửa Patriot cho Ukraine ngoài khẩu đội mà Đức đang cung cấp cho Ba Lan. Đây là một bước ngoặt vì trước nay, Đức luôn từ chối gửi Patriot cho Ukraine.

Bà Ulrike Franke - chuyên gia quốc phòng người Đức tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng về Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) đánh giá: “Đó là một bước tiến quan trọng nữa đối với Đức, vốn đã tiến từng bước một kể từ ngày Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt 24-2”, theo The New York Times.

Bà nói rằng Ukraine đã yêu cầu những vũ khí này từ tháng 4, nhưng Đức luôn chần chừ gửi: “Ở Berlin, chúng tôi tiếp tục có những cuộc tranh luận có vẻ là hơi vô lý như loại vũ khí đó là tấn công hay phòng thủ, nhẹ hay nặng, hiện đại hay đã cũ (để gửi cho Ukraine)”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm