Trong phiên làm việc ngày 23-6 (giờ địa phương) của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), các lãnh đạo của khối đã nhất trí cấp quy chế ứng cử viên gia nhập EU cho Ukraine và Moldova, hãng tin Reuters thông tin từ Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.
Theo ông Michel, “đây là khoảnh khắc lịch sử, tương lai của chúng ta là đi cùng nhau”. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng quyết định ngày 23-6 của EU là một trong những quyết định quan trọng nhất đối với Ukraine kể từ khi nước này tách khỏi Liên Xô vào năm 1991. Song theo ông, quyết định này không chỉ vì lợi ích của Ukraine mà “là bước đi lớn nhất hướng tới củng cố châu Âu và là khoảnh khắc lịch sử trong quan hệ giữa Ukraine và EU” và “tương lai của Ukraine là nằm trong EU”.
Phiên làm việc ngày 23-6 của Hội nghị thượng đỉnh EU ở thủ đô Brussels (Bỉ). Ảnh: REUTERS |
Cú huých lớn cho vị thế của Ukraine
Đơn đề nghị được gia nhập EU được Kiev đệ trình chỉ bốn ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine hồi cuối tháng 2. Nhiều quốc gia EU lúc đó và cho đến gần đây vẫn thận trọng về khả năng kết nạp Ukraine vì lo ngại các khác biệt về giá trị theo đuổi. Cuối tháng 5, Thủ tướng Ý Mario Draghi còn khẳng định rằng chỉ có Ý ủng hộ việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên EU, còn các thành viên chủ chốt khác trong khối đều phản đối.
Dù vậy, tình hình bắt đầu sáng sủa hơn cho Ukraine khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ quyết tâm trao tư cách ứng cử viên EU cho Ukraine trong chuyến công du tới Kiev, theo đài CNN.
Ngay sau chuyến thăm của lãnh đạo các nước EU chủ chốt, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng tuyên bố ủng hộ cấp tư cách ứng cử viên EU cho Ukraine. “Chúng ta đều biết rằng người Ukraine sẵn sàng chết vì tư tưởng châu Âu. Chúng tôi muốn họ sống cùng chúng tôi vì giấc mơ châu Âu. Ukraine sẽ được hoan nghênh là một nước ứng cử viên EU”, theo bà von der Leyen.
Theo giới quan sát, việc cánh cửa gia nhập EU được mở lúc này có ý nghĩa biểu tượng chính trị đặc biệt quan trọng và nhiều khả năng sẽ khích lệ tinh thần của người dân với giới lãnh đạo Ukraine, đặc biệt trong thời điểm chiến dịch quân sự của Nga đang rất quyết liệt. Hãng tin Ukrinform dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba khẳng định vị thế ứng cử viên EU vạch ra một ranh giới sau nhiều thập niên mơ hồ và chứng minh một thực tế là “Ukraine thuộc về cộng đồng châu Âu chung”.
Ngoài ra, kênh Euronews còn cho rằng việc Ukraine được EU trao cho tư cách ứng cử viên còn gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới rằng Ukraine là một cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư quốc tế với khả năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai, dĩ nhiên điều đó chỉ diễn ra với kịch bản xung đột với Nga kết thúc. Quyết định của EU cũng sẽ phần nào tạo động lực tích cực để Kiev sớm trở lại bàn đàm phán với Moscow nhằm tìm kiếm một giải pháp cân bằng lợi ích của cả hai bên để chấm dứt chiến sự.
Hiện Mỹ chưa lên tiếng về quyết định của EU cấp tư cách ứng cử viên cho Ukraine. Ngày 23-6 (giờ địa phương), chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố kế hoạch viện trợ quân sự bổ sung trị giá 450 triệu USD cho Ukraine.
Nhiều thách thức phía trước
Để đi từ ứng cử viên lên thành viên chính thức, Ukraine vẫn còn một quãng đường dài phía trước. Theo quy định của EU, việc công nhận Ukraine là quốc gia ứng cử viên không đồng nghĩa rằng nước này chắc chắn sẽ trở thành thành viên của khối. Ukraine sau quyết định ngày 23-6 sẽ nhận được một danh sách yêu cầu liên quan đến việc phải cải cách kinh tế, tư pháp, giải quyết tham nhũng cùng nhiều vấn đề khác về chính sách theo bộ Tiêu chuẩn Copenhagen của EU. Ukraine cần phải đáp ứng những điều kiện này trước khi có thể chuyển sang giai đoạn đàm phán gia nhập chính thức.
Cụ thể, theo hãng tin Bloomberg, bộ Tiêu chuẩn Copenhagen được chia thành 35 chương lĩnh vực chính sách. Quá trình thảo luận về một chương sẽ kết thúc khi quốc gia ứng cử viên chứng minh được rằng họ có sự tương đồng với các giá trị của EU.
Khi tất cả các chương được thảo luận xong, EU và Ukraine sẽ xây dựng hiệp ước gia nhập. Hiệp ước phải được tất cả các nước thành viên EU thông qua và phải được sự đồng ý của Nghị viện châu Âu. Sau đó, hiệp ước sẽ được từng quốc gia EU ký kết với Ukraine để chính thức có hiệu lực.
“Ukraine đã đáp ứng khoảng 70% các quy tắc, chuẩn mực và tiêu chuẩn của EU. Tuy nhiên, một số công việc quan trọng vẫn cần phải thực hiện, đặc biệt về vấn đề pháp quyền, chống tham nhũng và các quyền cơ bản” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen cho biết.
Với mỗi ứng cử viên, thời gian thực hiện và triển khai bộ Tiêu chuẩn Copenhagen khác nhau. Ví dụ, Slovakia nhận được tư cách ứng cử viên năm 1999 và trở thành thành viên EU sau năm năm. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn đề nghị được gia nhập từ năm 1987, được cấp tư cách ứng cử viên năm 1999 nhưng đến nay vẫn chưa phải thành viên. Phát biểu trong chuyến thăm thủ đô Kiev hồi tuần trước, Thủ tướng Ý Draghi nhấn mạnh: “Tổng thống Zelensky tất nhiên hiểu rằng quá trình từ ứng cử viên tới thành viên là một con đường. Con đường này đòi hỏi sự cải cách sâu rộng trong xã hội Ukraine”.•
Phản ứng của Nga trước quyết định của EU
Ngày 23-6, họp báo sau hành động của EU cấp tư cách ứng cử viên cho Ukraine, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn điện Kremlin, cho rằng việc EU quyết định như thế nào là chuyện nội bộ của khối này, theo hãng tin AFP.
“Đây là những vấn đề nội bộ của châu Âu. Điều quan trọng đối với Nga là tất cả quá trình này không gây ra thêm nhiều vấn đề cho chúng tôi, cũng như cho mối quan hệ giữa Nga với các quốc gia này. Với tình hình hiện tại thì không còn điều gì có thể làm cho quan hệ hai bên xuống thấp hơn nữa” - ông Peskov nói.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói ông không đặt nặng chuyện Ukraine gia nhập EU, vì EU không phải là một khối quân sự.