Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đã nộp đơn đăng ký gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Ông Zelensky đề nghị có "sự thông qua ngay lập tức bằng một quy trình thủ tục đặc biệt mới".
Đã có 11 quốc gia thành viên EU (tất cả các quốc gia Trung, Đông và Balkan) ủng hộ đơn đăng ký của Ukraine. Các nước như Bulgaria, Cộng hòa Czech, Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Slovakia và Slovenia yêu cầu "các tổ chức của EU tiến hành các biện pháp nhằm ngay lập tức thông qua tình trạng quốc gia ứng viên EU cho Ukraine và mở ra quy trình đàm phán".
Nếu được gia nhập, Ukraine sẽ là nước thành viên lớn thứ năm của EU tính theo quy mô dân số, có ảnh hưởng tương đối trong Nghị viện và Hội đồng EU, nơi các ghế được phân bổ theo quy mô dân số. |
Nhiều trở ngại, gian nan
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định hôm 7-3 rằng các nước thành viên EU "sẽ thảo luận về đơn đăng ký của Ukraine" (đợt này có cả của Georgia và Moldova).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (giữa) vỗ tay hoan nghênh khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trên màn hình) có bài phát biểu trực tuyến tại trụ sở EU ở Brussels (Bỉ) ngày 1-3. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES
Có vẻ mong muốn của ông Zelensky sẽ được thực hiện suôn sẻ, nhưng thực tế không hề đơn giản. Trang tin Politico nhận xét quyết định xem xét đơn đăng ký chỉ là bước đi mang tính kỹ thuật và biểu tượng. Suy xét kỹ sẽ thấy có rất nhiều trở ngại để Ukraine có thể trở thành thành viên EU.
Trước tiên là bất đồng nội khối. Trong khi đa số các nước EU ở khu vực Đông Âu kêu gọi đẩy nhanh quá trình cho nước láng giềng Ukraine gia nhập thì Đức, Hà Lan và nhiều quốc gia Tây Âu khác lại chưa ủng hộ.
Một yếu tố giải thích cho sự ngần ngại của Đức và Hà Lan vì Ukraine là quốc gia nghèo nhất châu Âu. Với thu nhập bình quân 3.727 USD/người, GDP của nước này còn chưa bằng một nửa của quốc gia có GDP thấp nhất EU là Bulgaria. Đức và Hà Lan đều là những nước thường đóng góp nhiều hơn là nhận về từ EU – Đức đóng góp nhiều nhất và Hà Lan đóng góp nhiều thứ sáu cho ngân sách thường niên của EU. Việc chấp nhận Ukraine gia nhập EU có thể làm gia tăng sức ép lên nền kinh tế của hai nước.
Bên cạnh đó, các điều kiện của Ukraine còn cách quá xa tiêu chuẩn của EU. Khi đánh giá thông qua tình trạng quốc gia ứng viên EU, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ xem xét mọi thứ, từ sự phát triển kinh tế cho tới hệ thống luật pháp, các quy định về môi trường, cho tới cả các quy định thực hành nông nghiệp, theo hãng tin Bloomberg.
EU cũng không ủng hộ những quốc gia có tỉ lệ tham nhũng cao. Ukraine bị coi là quốc gia tham nhũng nhất ở châu Âu và một trong những quốc gia có tỉ lệ tham nhũng cao nhất thế giới.
Theo Bloomberg, các nước như Đức, Hà Lan muốn EC thẩm tra kỹ các tiêu chuẩn và sự sẵn sàng của Ukraine trước khi chấp nhận để nước này tham gia vào khối. Ngày 7-3 Ngoại trưởng Đức Annalena Baerboc cho biết "tham gia vào EU không phải là việc có thể hoàn thành trong một vài tháng, nó liên quan đến một quy trình cải cách mạnh mẽ và lâu dài".
Nhiều nhà ngoại giao cũng cho rằng thật khó để tưởng tượng Ukraine có thể đột ngột thực hiện được những cải cách mà các nước này đã nỗ lực trong thời gian dài nhưng chưa đạt được.
Không có “thủ tục đặc biệt" nào cả
"Một thủ tục đặc biệt" như ông Zelensky đề xuất không tồn tại, và thậm chí cả khi đạt được tình trạng quốc gia ứng viên Ukraine cũng phải trải qua cuộc điều tra của EC và phải được sự nhất trí của toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU. Quá trình này có thể mất hàng năm hoặc thậm chí hàng thập niên.
Theo trang tin ukandeu.uk, thời gian đàm phán đối với các quốc gia mới gia nhập EU gần đây nhất như Bulgaria, Romania là bảy năm, Croatia là tám năm.
Trước khi Ukraine nộp đơn, có sáu quốc gia đang trong quá trình cố gắng gia nhập EU. Bosnia & Herzegovina đã bị từ chối đơn đăng ký do không đáp ứng được các tiêu chí gia nhập; Albania và North Macedonia được chấp nhận đơn đăng ký nhưng đàm phán chưa thành; Thổ Nhĩ Kỳ, Montenegro và Serbia lần lượt đàm phán từ năm 2005, 2012 và 2014 (đáng chú ý Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hiệp định liên kết từ năm 1963, nộp đơn năm 1987, có tư cách ứng viên năm 1999).
Nếu EU nhanh chóng kết nạp Ukraine có thể tạo sự bất bình ở một số quốc gia khác, những nước đã nỗ lực nhiều năm nhưng chưa được chấp thuận.
Ngoài nhiều bước kỹ thuật, quá trình gia nhập cũng có thể sẽ có căng thẳng chính trị giữa các quốc gia thành viên, và điều này có thể đẩy nhanh hoặc cản trở tiến độ. Năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron can thiệp ngăn chặn đàm phán chính thức với Albania và North Macedonia, cho rằng EU cần tập trung trước tiên vào cải cách nội bộ.
Tiến trình gia nhập EU như thế nào? Theo ukandeu.uk, các bước gia nhập EU được quy định tại Điều 49 của Hiệp ước về Liên minh châu Âu (TEU), được thiết kế để đảm bảo các ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn trọng tâm của liên minh như pháp lý và kinh tế. Việc nộp đơn đăng ký thành viên là bước đầu tiên. Ủy ban châu Âu (EC) xem xét đơn đăng ký và ra quyết định liệu quốc gia đó có đáp ứng các tiêu chuẩn gia nhập, được gọi là “tiêu chí Copenhagen” hay không, đó là: Thể chế ổn định đảm bảo dân chủ, pháp quyền, nhân quyền, tôn trọng và bảo vệ các nhóm thiểu số; Nền kinh tế thị trường, khả năng đối phó với sự cạnh tranh và các thị trường trong EU; Có khả năng đảm nhận và thực hiện hiệu quả các nghĩa vụ của tư cách thành viên, bao gồm việc tuân thủ các mục tiêu của liên minh chính trị, kinh tế và tiền tệ. Qua được bước này, đơn đăng ký sau đó phải được tất cả 27 nước thành viên tại Hội đồng châu Âu (và đa số nghị viên trong Nghị viện châu Âu) nhất trí thông qua. Đương đơn được cấp tư cách là "ứng viên chính thức". Sau đó, nước ứng viên và EC đi tới bước xây dựng một khuôn khổ đàm phán. Nếu quá trình đàm phán thành công, hiệp ước gia nhập sẽ được soạn thảo, ký kết, và phê chuẩn. |