Đang tìm mọi biện pháp nhanh nhất hạ nhiệt giá xăng dầu

(PLO)- Bộ Công Thương cho biết đến nay Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn đang sản xuất rất “chập chờn”, trong khi nhà máy này chiếm 35%-40% thị phần xăng dầu trong nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 16-6, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ quý II-2022. Tại đây, nội dung được báo chí quan tâm nhiều nhất vẫn là vấn đề giá xăng dầu, nguồn cung xăng dầu, dự trữ xăng dầu, giá xăng dầu Malaysia…

Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã trải qua 12 kỳ tăng giá, hiện giá xăng A95 đã tăng vọt lên mốc 32.370 đồng/lít. Ảnh: HOÀNG GIANG

Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã trải qua 12 kỳ tăng giá, hiện giá xăng A95 đã tăng vọt lên mốc 32.370 đồng/lít. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bộ Công Thương ủng hộ giảm thuế, phí

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay tính ở mốc kỳ điều hành ngày 13-6 vừa qua, giá xăng dầu Việt Nam đứng thứ 85 trên bảng xếp hạng giá của 170 quốc gia trên thế giới có xếp hạng.

“Đây là mức trung bình của các nước” - Thứ trưởng Hải nói và cho biết so sánh với các nước xung quanh, như Lào đang có giá xăng cao hơn Việt Nam. “Tuy nhiên, chúng ta không nên đánh giá giá xăng dầu trong nước là cao hay thấp. Vì muốn đánh giá phải đánh giá tổng thể, toàn diện và khảo sát kỹ càng từ mức thu nhập bình quân đầu người đến nhu cầu, đối tượng…” - ông Hải nói.

Về vấn đề giảm thuế, phí để kìm giữ đà tăng của giá xăng dầu, Thứ trưởng Hải cho hay có một số giải pháp như sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và thuế, phí.

Phân tích cụ thể, ông Hải nhấn mạnh không thể lạm dụng vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Lý do quỹ có hạn, có lúc âm, nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN). Về thuế, ngay từ đầu Bộ Công Thương đã có quan điểm phải giảm thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua giảm 50% thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1-4 đến 31-12. Tuy nhiên, với tình trạng giá xăng dầu còn tăng cao như hiện nay thì việc giảm tiếp tục thuế bảo vệ môi trường sẽ được tính đến. Ngoài ra, xem xét giảm thuế nhập khẩu…

“Cái gì giảm được thì nên giảm nhưng phải tính, vì thuế nhập khẩu giảm nhiều cũng không tốt. Bởi sau khi giảm, khi cần tăng không phải là tăng ngay được. Ví dụ như mặt hàng thịt heo, khi thiếu cần có nhiều nguồn cung, phải cho nhập khẩu thịt heo từ các nước. Thế nhưng đó là sự đánh đổi vì sau đó muốn ngăn rất khó, lại ảnh hưởng đến sản xuất trong nước” - ông Hải nói.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết các bộ, ngành, Chính phủ đều đang rất quyết liệt, tìm mọi biện pháp nhanh nhất để có thể hạ nhiệt giá xăng dầu. Nếu cả hai biện pháp này không làm được thì còn biện pháp thứ ba là chính sách an sinh cho người nghèo, chính sách hỗ trợ cho DN để giảm tác động của giá xăng dầu.

Các bộ, ngành, Chính phủ đều đang rất quyết liệt, tìm mọi biện pháp nhanh nhất để có thể hạ nhiệt giá xăng dầu.

Nâng dự trữ, đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Đánh giá về tình hình nguồn cung xăng dầu, Thứ trưởng Hải cho hay trên thế giới, nguồn cung xăng dầu đang bị ảnh hưởng. Nguồn cung xăng dầu của nhiều quốc gia như Lào, Sri Lanka… đang rất khó khăn, thậm chí có thời điểm không có xăng dầu để bán.

Thông tin về nhập khẩu xăng dầu từ Malaysia, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay tất cả quốc gia, vùng lãnh thổ đều tiếp cận với mức giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế. Việt Nam đang chọn sàn Singapore là cơ sở để tính giá cơ sở xăng dầu trong nước. Đối với Malaysia cũng không có khác biệt gì.

“Một số DN Việt Nam vẫn đang nhập khẩu xăng dầu từ Malaysia với giá tương đương như nhập khẩu từ các thị trường châu Á khác như Singapore” - Thứ trưởng Hải thông tin.

Đối với việc đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho hay: Đến nay, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn đang rất “chập chờn” trong công bố khả năng sản xuất. Tuy nhiên, bằng mọi biện pháp, từ sản xuất trong nước, nhập khẩu…, Bộ Công Thương đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Về vấn đề dự trữ xăng dầu, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, thông tin: Cơ cấu dự trữ xăng dầu quốc gia của Việt Nam có ba nguồn gồm dự trữ trong sản xuất, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia. Hiện nay, dự trữ sản xuất có dự trữ tại hai nhà máy lọc dầu. Về dự trữ thương mại, hiện nay dự trữ tại các thương nhân kinh doanh phân phối xăng dầu, các thương nhân đầu mối cũng như các thương nhân phân phối với thời gian 30 ngày.

“Đúng là hiện nay nguồn dự trữ quốc gia của Việt Nam còn mỏng so với các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản…” - bà Hiền đánh giá và cho biết để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án để nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu lên. Hiện Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đề án này. Bộ đang lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan để báo cáo chi tiết hơn về nâng mức dự trữ.

Thông tin thêm, Thứ trưởng Hải nói mục đích của dự trữ là để sử dụng khi nguồn cung xăng dầu thiếu hụt và đây là dự trữ lưu chuyển. “Trong thời gian qua, dự trữ của DN có đóng góp rất lớn vào việc đảm bảo nguồn cung trong bối cảnh nguồn cung thế giới và việc sản xuất trong nước bị ảnh hưởng” - Thứ trưởng Hải nhấn mạnh. Hiện một số nước như Úc, Mỹ, Nhật Bản đều có mức dự trữ quốc gia ở mức 90 ngày.•

Cân nhắc việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Liên quan đến việc sửa Luật Giá, nhiều chuyên gia có ý kiến đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, tại buổi họp báo, đại diện Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu kỹ, tham khảo các ý kiến của các đơn vị liên quan có nên bỏ quỹ này hay không. Bởi trong bối cảnh thời gian qua, quỹ đã hỗ trợ hiệu quả cho việc giá xăng dầu không tăng quá sốc và tránh những cộng hưởng từ việc tăng giá.

Thứ trưởng Hải ví von Quỹ bình ổn giá xăng dầu như “hồ điều hòa”, phần “tiết kiệm” để lúc cần thì bỏ ra. Chẳng hạn vừa qua, giá thế giới tăng mạnh nhưng ở trong nước tăng thấp hơn. Vì vậy nếu bàn đến vấn đề bỏ quỹ bình ổn thì cũng cần có biện pháp khác để đảm bảo hạn chế thấp mức tăng giá xăng dầu tác động đến người dân và DN.

“Nếu nói bỏ thì đơn giản lắm. Tôi cũng nói nhiều lần, bỏ quỹ này để “cong ăn cong, thẳng ăn thẳng” nhưng vấn đề tác động như thế nào thì phải xem xét. Nếu bỏ thì xăng dầu có thể tăng sốc, giật cục. Ví dụ hôm rồi giá tăng tới 4.000-5.000 đồng thì sao, lúc đó làm thế nào?” - Thứ trưởng Hải đặt vấn đề.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm