Dứt khoát phải giảm thuế, phí để hạ nhiệt giá xăng dầu

(PLO)-  Giá xăng tăng đến mức kỷ lục đã tác động tiêu cực đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã trải qua 12 kỳ tăng giá. Hiện giá xăng A95 đã tăng vọt lên mốc 32.370 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu cũng vừa tăng rất cao, 2.490-2.630 đồng/lít, đẩy giá bán dầu diesel lên 29.020 đồng/lít. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử.

Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, TS Bùi Duy Tùng, giảng viên kinh tế ĐH RMIT Việt Nam (VN), nhấn mạnh: Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục lập đỉnh mới như hiện nay, Nhà nước cần nhanh chóng có các biện pháp mạnh mẽ và dứt khoát để hạ nhiệt giá mặt hàng này.

Giá xăng dầu cao, chất lượng cuộc sống giảm

. Phóng viên:Thưa ông, việc giá xăng dầu liên tục tăng phi mã như thời gian qua đã tác động thế nào đến bữa cơm của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế?

+ TS Bùi Duy Tùng: Xăng dầu là mặt hàng nằm trong chi tiêu hằng ngày của các hộ gia đình. Vì vậy, giá xăng dầu tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc chi tiêu của người dân.

Trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở VN, chi tiêu cho xăng dầu chiếm khoảng 3,6% tổng chi tiêu của cư dân. Lưu ý rằng đây chỉ là con số trung bình, vì sẽ có những hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn con số này và cũng có những hộ chi tiêu ít hơn con số này.

Khi giá xăng tăng thì tỉ trọng chi tiêu cho mặt hàng này sẽ tăng lên, dẫn đến giảm thu nhập để chi tiêu vào những mặt hàng khác. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cũng kéo theo sự tăng giá của những loại hàng hóa khác, do xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất khác.

Như vậy, với cùng một mức thu nhập, người dân chỉ mua được một lượng hàng hóa ít hơn khi giá xăng dầu tăng, đồng nghĩa sức mua của người dân sẽ giảm. Tác động của tăng giá xăng dầu đến sức mua sẽ lớn nhất ở nhóm người có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội. Điều này dẫn đến chất lượng cuộc sống sẽ giảm đi. Đây là nhóm đối tượng cần được quan tâm nhất trong thời bão giá.

. Ông có cho rằng giá xăng dầu tăng chóng mặt đang gây áp lực lên lạm phát?

Nên hỗ trợ người nghèo trước bão giá xăng dầu

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô VN tháng 6-2022 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng các cấp thẩm quyền của VN nên thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tăng. Điều này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước.

Từ thực tế trên, cơ quan này khuyến nghị những biện pháp hỗ trợ tạm thời, bao gồm hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng. Đồng thời cần tính đến chính sách trợ giá tạm thời cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính, ví dụ tài xế xe tải.

+ Chắc chắn khi giá xăng tăng cao sẽ dẫn đến việc tăng giá các mặt hàng khác do tính chất truyền dẫn. Đồng thời, chính việc tăng giá xăng dầu đóng góp lớn vào lạm phát của những tháng đầu năm, nhất là trong tháng 1, tháng 3 và tháng 5. Giá xăng đã đóng góp 50%, 70% và 56% vào lạm phát hằng tháng ở những tháng trên.

Tổng cục Thống kê cho biết xăng dầu, lương thực, hàng hóa thiết yếu tăng giá là nguyên nhân chính khiến CPI tháng 5 tăng mạnh lên 2,86%. Có thể thấy rằng nguy cơ lạm phát đã bắt đầu lộ diện.

Nhưng nhìn chung, lạm phát trong năm tháng đầu năm hiện vẫn ở dưới mức trung bình trong ba năm và vẫn còn khoảng cách so với mục tiêu 4% của Quốc hội. Có điều, tốc độ tăng CPI hiện nay cho thấy xu hướng tăng của chỉ số này trong những tháng gần đây mà nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu.

. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước cho rằng giá xăng dầu ở VN vẫn ở mức trung bình so với thế giới. Ông nhận định về điều này ra sao?

+ Theo tính toán của tôi căn cứ từ số liệu thống kê của trang Global Petrol Prices (ngày 13-6-2022) thì giá xăng ở VN đang ở quanh mức trung vị của thế giới. Có nghĩa là giá xăng ở VN đang cao hơn giá xăng tại 84 quốc gia khác trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia xuất khẩu xăng dầu.

Giá xăng dầu tăng khiến người dân phải đắn đo trong việc mua sắm hàng hóa. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Giá xăng dầu tăng khiến người dân phải đắn đo trong việc mua sắm hàng hóa.
Ảnh: PHƯƠNG MINH

Cần hành động quyết liệt, dứt khoát

. Hiện nay giá dầu thô toàn cầu khó có cơ hội giảm trước căng thẳng địa chính trị, do đó giá xăng trong nước sẽ không thể hạ nhiệt. Lạm phát cũng đã hiện diện trong cuộc sống. Vậy theo ông, có cách nào đưa giá xăng giảm nhằm giảm bớt kỳ vọng lạm phát?

+ VN là một nước xuất khẩu dầu thô nhưng lại nhập xăng dầu thành phẩm. Do đó, giá xăng dầu của VN phụ thuộc nhiều vào giá cả của thế giới. Để hạ nhiệt giá xăng dầu thì có hai giải pháp tạm thời: Giảm các loại thuế và trợ giá xăng dầu.

Trong các loại thuế đánh vào giá xăng dầu, Nhà nước nên xem xét giảm thêm thuế bảo vệ môi trường trong thời điểm này để hỗ trợ người dân. Tiếp theo, như nhiều chuyên gia tại VN đã đề xuất là cần giảm hoặc loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho việc sử dụng xăng dầu.

Do mục đích của thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào các mặt hàng xa xỉ như ô tô, máy bay, hoặc sản phẩm không được khuyến khích tiêu dùng như thuốc lá, rượu bia… Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, không phải mặt hàng xa xỉ… vì vậy không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem xét miễn, giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại phí để hạ nhiệt giá xăng dầu.

. Ông có cho rằng thuế, phí quá cao khiến giá xăng tại VN duy trì mức cao. Vậy có cách nào khác để cân đối giữa việc Nhà nước vẫn thu được thuế cho ngân sách mà giá xăng ở mức hợp lý để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp?

+ Muốn kiềm chế lạm phát tại thời điểm này, Nhà nước cần lập tức thông qua chính sách giảm thuế, phí để ghìm đà tăng của giá xăng dầu. Bởi trong thời kỳ giá xăng tăng cao thì nỗi lo lớn nhất là lạm phát do chi phí đẩy. Khi lạm phát xảy ra thì cả Chính phủ và người dân đều phải chịu thiệt hại.

Do đó, để ứng phó với lạm phát, cả Chính phủ và người dân phải đồng thời vượt qua. Chính phủ cần hỗ trợ người dân bằng cách giảm các khoản chi tiêu không thực sự cần thiết để cân đối lại ngân sách. Người dân cũng cần tính toán lại chi tiêu của mình hợp lý hơn trong cơn bão giá.

Ngoài ra, VN vẫn đang xuất khẩu dầu thô. Giá dầu thô tăng lên sẽ bù vào phần ngân sách bị mất đi khi Chính phủ hỗ trợ người dân. Như vậy, Chính phủ vẫn có thể tính toán lại nguồn thu và nhiệm vụ chi trong bối cảnh lạm phát ở tương lai.

. Xin cám ơn ông.

TS NGUYỄN BÍCH LÂM,nguyên Tổng cục trưởng
Tổng cục Thống kê
:

Giảm thuế không làm giảm thu ngân sách

Giá xăng đã vượt mốc 32.000 đồng/lít. Trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu thì mỗi lít xăng dầu bán ra đang có bốn loại thuế: Thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, giá mỗi lít xăng còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn và lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo tính toán, tổng các khoản thuế, phí chiếm 44% giá thành bán ra của 1 lít xăng A95.

Với cơ cấu hình thành giá với 44% là thuế, phí, mặt hàng xăng dầu có nhiều dư địa để giảm giá khi cắt giảm thuế, phí đánh vào xăng dầu.

Tôi cho rằng việc giảm thuế đối với xăng dầu không làm giảm thu ngân sách nhà nước mà chỉ thay đổi cơ cấu thu. Cụ thể, thu từ các loại thuế đánh vào xăng dầu sụt giảm nhưng khi giảm thuế xăng dầu sẽ giữ ổn định sản xuất của nền kinh tế. Từ đó thu ngân sách từ thuế sản xuất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác gia tăng sẽ bù đắp và vượt phần hụt thu từ giảm thuế xăng dầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm