Hội nghị Trung ương 8, khóa XII vừa kết thúc. Hai vấn đề mà dư luận chú ý là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Trung ương giới thiệu để Quốc hội (QH) bầu làm Chủ tịch nước và “đề án nêu gương” của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Trung ương.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đình Hương, cựu Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nói: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để được giới thiệu QH bầu vào vị trí Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XIV khai mạc vào cuối tháng 10 này”.
Đảng tín nhiệm, nhân dân tin tưởng
. Phóng viên: Thưa ông, vì sao ông nói việc trung ương giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để QH bầu làm Chủ tịch nước là “ý Đảng, lòng dân”?
+ Ông Nguyễn Đình Hương: Chưa bao giờ trung ương thống nhất cao như trong trường hợp này. 100% ủy viên Trung ương, đại diện cho toàn Đảng giới thiệu Tổng Bí thư để QH bầu làm Chủ tịch nước, đó là ý Đảng đã thống nhất.
Về lòng dân thì qua công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư phát động, Đảng tiến hành đang đạt được những kết quả to lớn khiến nhân dân tin tưởng hơn vào Đảng, vào Tổng Bí thư. Vì thế lòng dân rất thuận.
. Được biết ông đã nhiều lần kiến nghị Tổng Bí thư nên đồng thời là Chủ tịch nước. Lúc ấy các cấp phản hồi thế nào?
+ Tôi đã đề cập vấn đề này từ Đại hội VII và vừa qua cũng tiếp tục ý kiến.
Thực ra vấn đề Tổng Bí thư và Chủ tịch nước cũng có những lý do lịch sử, do yêu cầu kháng chiến mà sau khi Bác mất thì không tiếp tục. Nhưng khi thống nhất đất nước rồi thì vai trò lãnh đạo của Đảng là rất vững chắc. Vì vậy, khóa VII tôi đề xuất Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước.
Các đồng chí lãnh đạo lúc ấy như ông Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết cũng đều thấy vấn đề cả. Ai cũng thấy Tổng Bí thư mà đồng thời là Chủ tịch nước thì sẽ thuận cho đối nội, đối ngoại hơn.
Vừa rồi, khi tình huống Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đột ngột, tôi cũng trao đổi với nhiều người. Ông Nguyễn Minh Triết, ông Nguyễn Tấn Sang và cả Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng đồng tình. Ngay cả cụ Đỗ Mười khi còn khỏe cũng ủng hộ.
. Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri Hà Nội hôm 9-10 có nói rằng ông được giới thiệu làm Chủ tịch nước là “tình huống”. Vậy nhiệm kỳ tới, ông nghĩ “tình huống” này có tiếp tục không?
+ Điều ấy có thể hiểu được trong bối cảnh hiện nay.
Trung ương 8 vừa rồi đã phân công Tổng Bí thư làm trưởng Tiểu ban nhân sự chuẩn bị cho Đại hội XIII. Tôi nghĩ đại hội tới sẽ phải có một tổng bí thư mà phẩm chất chủ yếu là trong sạch, tương tự như Tổng Bí thư hiện nay. Đó là điều rất quan trọng, có tính chất quyết định tới điều mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng gọi là “tình huống”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 8, khóa XII. Ảnh: TTXVN
Nêu gương: Ai giám sát ủy viên Bộ Chính trị?
. Thưa ông, điều đó cũng liên quan chặt chẽ tới vấn đề “nêu gương” mà Hội nghị Trung ương 8 vừa cho ý kiến. Theo ông, vấn đề này cốt lõi là gì?
+ Giả sử anh là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Trung ương, anh có thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Điều lệ Đảng, anh có tuân thủ pháp luật không?
Đề án này tôi có tham gia hai lần. Có vấn đề đặt ra là: Vậy giữa các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương và các đảng viên khác có khác nhau về phẩm chất không? Trung thành thì ai cũng phải trung thành. Ai vi phạm pháp luật cũng phải đi tù. Ai vi phạm điều lệ cũng phải bị kỷ luật. Dù là đảng viên cấp nào cũng phải thế thôi.
Phẩm chất trung thành hay kiên định thì tất cả đảng viên đều phải có chứ không riêng gì ủy viên Trung ương, Ban Bí thư và Bộ Chính trị.
Theo tôi, phải học Bác. Bác lưu ý bốn chữ “thật”: Thật trung thành; thật sự chí công vô tư, cần kiệm liêm chính; thật đoàn kết; Đảng lãnh đạo, đồng thời phải thật sự coi mình là đầy tớ của dân. Vậy thì mỗi ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mỗi ủy viên Trung ương cần phải thực sự sạch và thực sự gương mẫu. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” mà.
. Nhưng trách nhiệm nêu gương thì chỉ là tự thân thôi. Vậy ai giám sát mấy chữ THẬT ấy, nhất là đối với những đảng viên cao cấp?
+ Tôi cũng từng đặt vấn đề: Ai giám sát, ai chế tài nếu ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương không gương mẫu? Ta cứ nói chung chung là dân giám sát thì đúng một vế là dân biết hết. Nhưng dân có nói không mới quan trọng. Đưa trách nhiệm nêu gương vào kỳ kiểm điểm, phê bình, bình bầu thi đua cuối năm thì liệu cấp dưới có dám phê cấp trên không? Công chức một bộ có dám phê bình bộ trưởng không?
Vậy nên trước Trung ương 7, tôi có đề nghị là nên lập một “siêu ủy ban” phòng, chống tham nhũng có thẩm quyền vượt trội. “Siêu ủy ban” ấy do Tổng Bí thư đứng đầu, do QH phê chuẩn, chịu trách nhiệm trước QH.
Từ năm 1947, Bác Hồ đã nói về lạm dụng quyền lực và đến nay thì tình hình ấy rất phổ biến. Tôi mong Đại hội XIII có thể cho ra đời một cơ quan như vậy, đồng thời bầu được một tổng bí thư thật sạch. Muốn vậy thì những người có “phốt” phải bị loại sớm.