Liên quan đến việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ông Trần Viết Hoàn (cử tri phường Vĩnh Phúc, Ba Đình) băn khoăn: Sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đến nay, thêm nhiều vụ án lớn được đưa ra ánh sáng, nhiều vụ việc gây bất bình trong dân và trong đời sống xã hội đang dần được phơi bày, các quan tham đã phơi bày bộ mặt thật trước pháp luật như vụ MobiFone mua AVG, vụ Vũ "nhôm", vụ đánh bạc công nghệ cao...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 8-10.
“Dân chúng kinh hoàng khi có những vị tướng công an bảo kê đánh bạc, tiền của sòng bạc lên tới 10.000 tỉ đồng, một cuộc chiêu đãi của trùm sòng bạc Nguyễn Văn Dương tiêu 10 tỉ đồng” - ông Hoàn dẫn chứng...
Theo ông Hoàn, người dân kinh hoàng khi biết Vũ "nhôm" là thượng tá công an, lại được mệnh danh là “ông vua” chiếm đất, chiếm nhà ở cả Đà Nẵng và TP.HCM. Người dân cũng muốn biết cụ thể thực hư của các vụ việc như vụ nạo vét sông Sào Khê dự toán 72 tỉ đồng nhưng quyết toán 1.570 tỉ đồng, nạo vét sông Đáy qua Ninh Bình dự toán 2.000 tỉ đồng, quyết toán hơn 9.750 tỉ đồng. Việc đội giá này lại được người đứng đầu địa phương giải thích “do cơ chế”. “Nếu việc trên là vi phạm, dân mong Đảng, N nước xử thật nghiêm” - ông Hoàn nói.
“Qua những vụ án đã xử, điều kỳ lạ là đa số người phạm tội là cán bộ cấp cao, những cán bộ này đều quyền to, lộc nhiều, lương cao nhưng vẫn tham, tham tiền, tham đất, tham nhà, cậy có quyền nên ra sức vơ vét làm giàu bất chính, hại đến thanh danh của Đảng, đến kinh tế của đất nước, đời sống của dân. Nếu các ông quan tham cứ bòn rút tiền của dân, của nước nhiều như vậy thì biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh các cháu đi học phải chui vào túi nylon để qua sông đến trường. Thậm chí các cháu đi học phải nhịn đi vệ sinh vì nhà vệ sinh quá bẩn...” - ông Hoàn bức xúc.
Đáp lại sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vừa qua đã khắc phục tình trạng chậm xử lý các vụ án tham nhũng. “Trước kia, có vụ án bao nhiêu năm còn để chìm xuống nhưng năm năm nay, đưa vụ nào ra là làm đến nơi đến chốn luôn, công khai hết” - Tổng Bí thư nói và mong cử tri thông cảm vì quy trình xem xét, xử lý rất phức tạp, trải qua nhiều khâu...
“Các bác bảo chưa nghiêm nhưng phải căn cứ vào quy định, đến mức nào thì xử hành chính, mức nào thì hình sự… Phải cho mọi người tâm phục khẩu phục, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn. Ta xử không phải cốt thật nặng mới là nghiêm, mà để răn đe, ngăn ngừa để không xảy ra mới là tốt, chống cũng là để xây, mục đích của ta là để xây cho tốt để đỡ phải chống” - Tổng Bí thư khẳng định và dẫn chứng chúng ta phải chờ đến hội nghị trung ương cũng xử được hai ông nguyên ủy viên trung ương là Trần Văn Minh và Nguyễn Bắc Son.
“Ông Trần Văn Minh, giờ còn đang điều tra cả về hình sự. Ông Nguyễn Bắc Son, nguyên bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, mười mấy năm đi bộ đội chiến đấu ở mặt trận phía Bắc, phía Nam, công lao cũng phải xem xét nhiều mặt. Vừa rồi, cũng cách chức ủy viên trung ương, các bác bảo nhẹ nhưng đây mới là kỷ luật về Đảng, còn kỷ luật hành chính phải tương xứng với kỷ luật đảng, rồi đến mức hình sự cũng phải đưa ra hình sự xem. Như vụ Đinh La Thăng, kỷ luật cho về phó Ban Kinh tế, các bác bảo nhẹ nhưng sau đó kỷ luật về hành chính, rồi cũng xử lý hình sự, giờ 30 năm tù là nặng hay nhẹ?” - Tổng Bí thư nói.
Cũng theo Tổng Bí thư, thu hồi tài sản trước đây là khâu yếu nhưng giờ đã khắc phục được hạn chế đó. “Thu hồi tài sản năm vừa rồi đã công bố công khai, tôi nhớ là 31%, 36.000 tỉ đồng. Riêng vụ AVG đã thu hồi 8.500 tỉ đồng cho Nhà nước. Khi thu hồi được tài sản thì phải giảm nhẹ cho người ta mức khác, cái cốt của chúng ta là thu hồi tài sản cho Nhà nước, giáo dục, răn đe, ngăn ngừa để không được xảy ra, để người ta nhìn vào đây mà sợ, mục đích cao cả lắm” - Tổng Bí thư nói.