Đảng viên sinh con thứ ba trở lên có phạm luật?

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, ông P. (42 tuổi, ở quận 10, TP.HCM) cho biết ông là đảng viên, công tác tại một đội quản lý nhà nước thuộc TP.HCM, đã bị kỷ luật vì sinh con thứ tư.

Kỷ luật về mặt đảng và chính quyền do sinh con thứ tư

Ông P. trình bày: “Tháng 11-2019, vợ chồng tôi sinh con thứ tư. Do đó, tôi đã vi phạm Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Tháng 12-2019, chi bộ nơi tôi công tác kỷ luật tôi bằng hình thức cảnh cáo và tôi đã chấp hành, không có ý kiến”.

Ông P. trình bày tiếp: “Tuy nhiên, tháng 4-2020, tôi có nhận quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về mặt chính quyền do giám đốc sở chủ quản ký với lý do sinh con thứ tư, vi phạm Pháp lệnh Dân số”.

Ông P. thắc mắc: “Hành vi sinh con thứ tư của tôi có phải là hành vi vi phạm pháp luật ở mức nghiêm trọng hay không?”.

Thực hiện đúng Pháp lệnh Dân số để trẻ em được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Ảnh: TRẦN NGỌC

Vi phạm Pháp lệnh Dân số

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết: Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008 theo Pháp lệnh số 08/2008) có quy định rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Theo đó, mỗi cặp vợ chồng sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.

Liên quan đến nội dung “trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”, bà Lệ dẫn chứng Điều 2 Nghị định 20/2010 và Điều 1 Nghị định 18/2011 (sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định 20/2010) đã quy định những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con.

“Ông P. hiện là công chức nhà nước. Căn cứ hai nghị định nói trên, ông P. không nằm trong những trường hợp được sinh con thứ ba trở lên. Do vậy, ông P. đã vi phạm quy định sinh một hoặc hai con theo Pháp lệnh số 08/2008.

Việc xử lý kỷ luật về mặt chính quyền đối với hành vi vi phạm chính sách dân số do cơ quan nơi ông P. đang công tác thực hiện” - bà Lệ cho biết thêm.

Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính

Trong công văn trả lời thắc mắc của ông P., Vụ Pháp chế - Thanh tra thuộc Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) viện dẫn khoản 4 Điều 8 Luật Cán bộ, công chức quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân có nội dung: “Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Việc ông P. sinh con thứ tư là đã vi phạm chính sách dân số của Đảng và Nhà nước.

Cũng theo Vụ Pháp chế - Thanh tra, khoản 6 Điều 2 Quy định số 102-QĐ/TW có nội dung: “Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật.

Đảng viên bị thi hành kỷ luật về đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định”.

Do vậy, sở chủ quản áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông P. là có căn cứ, phù hợp với Quy định số 102-QĐ/TW, Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bảy trường hợp đảng viên được sinh con thứ ba

Theo quy định hiện hành tại Điều 2 Nghị định 20/2010 và Điều 1 Nghị định 18/2011 (sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định 20/2010) thì có bảy trường hợp đảng viên được sinh con thứ ba. Cụ thể như sau:

1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỉ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỉ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương xác nhận.

6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): a) Sinh một hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ); b) Sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người từng có hai con chung trở lên và các con đang còn sống.

7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

Hướng dẫn trên thay thế Điều 7 trong Hướng dẫn số 11 (ngày 24-3-2008) và Công văn số 3204 (ngày 22-6-2009) của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Tại TP.HCM, cơ quan quản lý ghi nhận ít có đảng viên vi phạm quy định sinh con thứ ba trở lên.

Bà PHẠM THỊ MỸ LỆPhó Chi cục trưởng
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm