Sáng nay 9-6, HĐXX TAND tỉnh An Giang do thẩm phán Lý Ngọc Sơn làm chủ toạ đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm lần hai vụ bị cáo Nguyễn Tấn Khoa bị truy tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đây là vụ án báo Pháp Luật TP.HCM đã từng có bài phản ánh và cho rằng đây chỉ là quan hệ vay mượn đơn thuần nhưng đã bị hình sự hóa.
Từng nhận án 15 năm tù
Ông Khoa từng bị TAND tỉnh An Giang xử 15 năm tù về tội danh này, buộc bồi thường cho các bị hại. Ông Khoa kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Những người bị hại cũng kháng cáo yêu cầu tăng nặng hình phạt và xử lý hình sự đối với vợ ông Khoa.
Tháng 5-2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã tuyên huỷ án để điều tra, xét xử lại với nhận định cơ quan điều tra cũng như tòa sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi xác định thiếu tư cách người bị hại…
Bị cáo Nguyễn Tấn Khoa tại toà sáng nay 9-6
Theo cáo trạng, từ năm 2010 đến 2013, ông Khoa cần tiền thu mua lúa nếp nên đã vay của ba người tổng cộng hơn 10 tỉ đồng, lãi suất 2,5%-3%/tháng.
Bán hết số nếp trong kho được hơn 4 tỉ đồng, ông không trả cho ba người bị hại mà lại đem trả nợ cho người khác và trả nợ ngân hàng, chuộc giấy đỏ về sang cho con trai đứng tên. Còn lại 1,25 tỉ đồng, ông Khoa gửi ngân hàng.
Bị đòi nợ rát, ông Khoa lập một hợp đồng mua bán, giả rằng ông có bán lô hàng trị giá hơn 8 tỉ đồng cho một người tên Trí nhưng người này chưa thanh toán tiền.
Suốt quá trình tố tụng, bị cáo thừa nhận các khoản nợ, nêu lý do làm ăn thua lỗ nên chậm trả nợ và nhận mình có lỗi lớn khi chậm trễ thanh toán cho các chủ nợ.
Làm hợp đồng giả để giãn nợ
Tại toà hôm nay, ông Khoa khai: “Đầu năm 2013, lúc bán số nếp cuối cùng, vì còn nhiều khoản nợ khác và cả nợ ngân hàng nên bị cáo quyết định trả các khoản cấp bách trước. Còn 1,25 tỉ đồng bị cáo mang đến trả cho anh D. nhưng anh đòi trả đủ cả vốn lẫn lãi trong một lần. Do bị đòi rát quá, không kịp xoay xở nên bị cáo phải lập một hợp đồng mua bán, giả rằng bị cáo có bán lô hàng trị giá hơn 8 tỉ đồng cho một người tên Trí nhưng người này chưa thanh toán tiền”.
Theo ông Khoa, ông làm vậy để đối phó nhằm có thời gian giãn nợ. Trước khi bị khởi tố, ông đã thừa nhận việc giả này với chủ nợ D., đồng thời thế chấp các tài sản gồm một nhà kho 815 m2, một nhà kho 400 m2, 1.700 m2 đất trồng mai có 1.500 cây mai và 117 m2 đất thổ cư, bảo đảm cho khoản tiền vay và được ông D đồng ý. Ông Khoa cho rằng ông vay để kinh doanh lúa gạo nhưng lúa gạo rớt giá, thua lỗ. Sổ sách giấy tờ không còn nên không chứng minh được lỗ bao nhiêu, lỗ thế nào...
Tại toà, chủ toạ cũng nêu rằng ngày 27-1-2014, các bên ngồi lại và xác nhận số nợ mới là 7,4 tỉ đồng. Ông Khoa đưa hợp đồng giả, thể hiện có bán lô hàng trị giá hơn 8 tỉ đồng nhưng chưa được thanh toán tiền. Sau khi tố cáo ông Khoa, chủ nợ D. đã đồng ý nhận thế chấp, thể hiện ở việc hai bên thống nhất lập và ký biên bản có nội dung “chúng tôi đã bàn bạc và đi đến kết luận”…
Đại diện theo uỷ quyền của chủ nợ D tại toà hôm nay cũng thừa nhận căn cứ vào giấy tờ thì ngày 23-2-2014, sau khi chủ nợ D đã tố cáo, vợ chồng ông Khoa lên TP.HCM thừa nhận chuyện giả hợp đồng, xác nhận nợ 7,4 tỉ đồng, đồng thời đưa ra các giấy tờ nhằm bán tài sản trả nợ. Chủ nợ D ký vào giấy là đồng ý việc ông Khoa có số tài sản ấy chứ không phải đồng ý sẽ nhận thế chấp.
Phiên toà vẫn đang phần xét hỏi. Hết giờ làm việc buổi sáng, toà nghỉ, 2 giờ chiều nay tiếp tục
Mở mắt ra là chịu 10 triệu tiền lãi Ba chủ nợ được xác định là người bị hại gồm ông Q, ông B và ông D, theo hình thức tín chấp, có lập khế ước, ghi rõ các khoản như tiền vay, tiền lãi, hạn trả. Chủ nợ Q. cho ông Khoa vay 1,5 tỉ, đã đóng lãi khoảng 1,2 tỉ đồng, tiền gốc còn nguyên. Chủ nợ B cho ông Khoa vay 2 tỉ đồng. Cả hai khoản vay này, hằng tháng ông Khoa đóng lãi khoảng 70 triệu đồng. Cả hai khoản vay này vẫn còn trong hạn đóng lãi, chưa đến thời gian trả vốn. Chủ nợ thứ ba là ông D. Ông Khoa vay của chủ nợ D., 7,2 tỉ đồng, trung bình một ngày 8 triệu đồng tiền lãi. |