Ngày 18-5, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm lưu động tại TAND tỉnh An Giang vụ án “chậm trả nợ bị xử 15 năm tù”. Trong vụ này, bị cáo Nguyễn Tấn Khoa bị truy tố, xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau khi nghị án, HĐXX phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Vụ án này báo Pháp Luật TP.HCM đã từng có nhiều bài phân tích, phản ánh. Bản chất vụ việc chỉ là quan hệ dân sự, bị cáo chỉ chậm trả nợ và được phía người bị hại nhận thế chấp nhà xưởng, đất đai để giãn thời gian trả nợ cho bị cáo. Tuy nhiên, vụ việc sau đó bị hình sự hóa, bị cáo có dấu hiệu bị xử oan.
Theo cáo trạng, từ năm 2010 đến 2013, ông Khoa cần tiền thu mua lúa nếp nên đã vay của ba người bị hại tổng cộng hơn 10 tỉ đồng, lãi suất 2,5%-3%/tháng. Bán hết số nếp trong kho được hơn 4 tỉ đồng, ông không trả cho ba người bị hại mà lại đem trả nợ cho người khác và trả nợ ngân hàng, chuộc giấy đỏ về sang cho con trai đứng tên. Còn lại 1,25 tỉ đồng, ông Khoa gửi ngân hàng. Số tiền này sau đó đã được chia cho ba người bị hại để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Nguyễn Tấn Khoa (phải) đang trò chuyện cùng luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân. Ảnh: LỆ TRINH
Ông Khoa lập một hợp đồng mua bán giả, theo đó ông có bán lô hàng trị giá hơn 8 tỉ đồng cho một người tên Trí nhưng người này chưa thanh toán tiền.
Quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo khai nhận toàn bộ sự việc, nêu lý do làm ăn thua lỗ nên chậm trả nợ và thừa nhận mình có lỗi lớn khi chậm trễ thanh toán cho các chủ nợ.
Ông Khoa khai đầu năm 2013, ông D., một chủ nợ, yêu cầu ông phải trả cả vốn lẫn lãi trong một lần. Vì quá đột xuất không kịp xoay xở nên ông phải lập hợp đồng mua bán giả để xin thêm thời gian giãn nợ.
Lúc bán số nếp cuối cùng, vì còn nhiều khoản nợ khác và cả nợ ngân hàng nên ông quyết định trả các khoản cấp bách trước. Còn 1,25 tỉ đồng ông mang đến trả cho ông D. nhưng ông này đòi trả đủ một lần mới nhận. Cuối cùng, ông đã thế chấp một số tài sản của mình cho ông D. gồm một nhà kho 815 m2, một nhà kho 400 m2, 1.700 m2 đất thổ cư.
Ông D. cũng đồng ý nhận thế chấp để giãn thời gian trả nợ cho ông Khoa. Hai bên thống nhất lập biên nhận. Tuy nhiên, sau đó ông D. bất ngờ quay lại tố cáo ông Khoa đến cơ quan chức năng.
Tháng 5-2015, TAND tỉnh An Giang xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo 15 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Cùng lúc phía người bị hại cũng kháng cáo yêu cầu tăng nặng hình phạt và xử lý hình sự đối với vợ ông Khoa.
Tại phiên tòa phúc thẩm, tòa nhận định trong vụ án này vợ ông D. là người cho ông Khoa vay tiền, chính ông D. đứng đơn tố cáo vì ông cho rằng tiền đó là của ông. Cơ quan điều tra cũng như tòa sơ thẩm không xác định tư cách người bị hại cho ông D. là vi phạm tố tụng.
Tương tự, một khoản nợ khác mà ông Khoa đã vay từ vợ ông B. Tòa xác định ông B. là người bị hại mà không triệu tập vợ ông B. tham gia tố tụng là thiếu sót.
Từ đó, tòa quyết định hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.