Ngày 29-8, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo, tuyên giảm án cho Nguyễn Đăng Trường từ ba năm xuống còn hai năm tù về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS (mức án từ năm đến 15 năm tù). Cùng tội này, Trần Văn Tiến, Trần Văn Trung, Nguyễn Đăng Quý, Nguyễn Đăng Lợi được tòa giảm án từ hai năm sáu tháng xuống còn hai năm tù. Tòa giữ nguyên án sơ thẩm hai năm tù đối với bị cáo Nguyễn Trung Hà; bốn bị cáo còn lại y án hai năm tù treo.
Các bị cáo phải liên đới bồi thường cho gia đình hai người bị hại hơn 60 triệu đồng mai táng phí và trợ cấp nuôi con của các bị hại đến năm 18 tuổi.
Mai phục và đánh chết
Theo hồ sơ, do bức xúc với nạn trộm chó lộng hành nên ngày 28-8-2012, Tiến, Trường, Trung và Nguyễn Thanh Kháng đã rủ nhau đi rình để bắt “cẩu tặc”. Cả nhóm chuẩn bị sẵn gậy gộc, ống tre và mai phục ở cổng làng Nhĩ Trung, xã Gio Thành (Gio Linh, Quảng Trị).
Đến khoảng 1 giờ sáng 29-8-2012, họ phát hiện hai thanh niên tên Cường và Triều đang phóng xe vào làng. Do thấy có người rình nên Triều dùng đèn pin cực sáng chiếu thẳng về phía Trường. Cả hai quay ngược xe bỏ chạy.
Tiếp đó, Triều và Cường chiếu đèn pin, ném chai thủy tinh và ớt bột thủ sẵn vào người nhóm này để tẩu thoát nhưng bị Kháng dùng gậy đốn ngã xe. Sau khi bị ngã xe, hai bên xảy ra ẩu đả. Trường dùng gậy ném vào Cường nhưng không trúng. Khi hai thanh niên này bỏ chạy thì cả nhóm đuổi theo dùng cán chổi đập vào chân, đá vào bụng, tát vào mặt.
Lúc này, bà con trong làng kéo đến ngày càng đông. Sau đó, cả nhóm tìm số điện thoại để gọi cho công an nhưng không có. Lúc này, các bị cáo kẻ tát, người đá vào hai nạn nhân...
Sau sự việc, cả hai được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong do vết thương quá nặng.
Các bị cáo trước vành móng ngựa. Ảnh: DH
Cả làng cùng đánh?
Sau khi vụ án xảy ra, hơn 70 người dân trong làng đã làm đơn tự thú vì cho rằng mình tham gia đánh nạn nhân gây hậu quả chết người. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng cho rằng chỉ có 10 bị cáo tham gia đánh và gây nên cái chết cho nạn nhân nên chỉ truy tố và xét xử 10 bị cáo này.
Tại tòa, các bị cáo cho rằng mình chỉ đánh, đấm, đá, còn nạn nhân chết là do bị cả đám đông dân làng vây đánh chứ không riêng gì 10 bị cáo. Có bị cáo nói: “Khi công an huyện đến hiện trường đã thu giữ hơn 50 gậy gộc. 10 người làm sao cầm được hơn 50 cây?”.
Bị cáo Nguyễn Thanh Bình (58 tuổi) nói việc đánh hai nạn nhân là do bức xúc và có căn cứ chứ không phải chỉ do nghi ngờ bâng quơ. Ông Bình cho rằng khi bị vây bắt, hai thanh niên này có mang theo dây thòng lọng bắt chó, năm gói bột ớt và hai gói bả chó. Từ đó, bị cáo cho rằng do quá bức xúc nạn trộm chó xảy ra liên tục nên bà con trong làng xúm lại người đánh, người đấm mới gây ra hậu quả chết người.
Từ những điều trên, các bị cáo cho rằng mức án mà TAND tỉnh Quảng Trị tuyên phạt là quá cao.
Cuối cùng, VKS và tòa cho rằng cho dù có bức xúc với nạn trộm chó thì cũng không được đánh kẻ trộm đến chết. Lẽ ra các bị cáo phải để cơ quan pháp luật xử lý kẻ trộm chứ không manh động, gây hậu quả rất nghiêm trọng như vậy. Vì vậy, án sơ thẩm xử vậy là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, xét các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt, có ý thức khắc phục hậu quả nên tòa tuyên giảm án như trên.
DƯƠNG HẰNG
Coi thường mạng sống người khác Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng con chó ngoài giá trị về vật chất còn có giá trị về mặt tinh thần nên khi bị bắt trộm, ai cũng bức xúc, phẫn nộ. Nhưng không phải vì bức xúc đó mà cướp đi tính mạng của người khác. Trong vụ án này, dù không có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức bảo vệ an ninh trong thôn nhưng các bị cáo đã tự ý tổ chức, rình bắt những người trộm chó. Trong quá trình thực hiện, các bị cáo đã dùng vũ lực tấn công dẫn đến nạn nhân bị thương quá nặng, gây hậu quả chết người. Điều này đủ cơ sở để kết luận các bị cáo phạm vào khoản 3 Điều 104 BLHS (khung hình phạt từ năm đến 15 năm tù). Tương tự, tòa nhận định việc xử lý kẻ trộm cắp đã có cơ quan chức năng mà cụ thể là lực lượng công an. Đáng lẽ khi nghi ngờ đó là kẻ trộm chó, các bị cáo phải giao nộp cho công an xử lý. Đằng này các bị cáo lại tự xử lý và gây nên hậu quả chết người. Việc làm này là coi thường pháp luật, coi thường mạng sống, sức khỏe của người khác. Thuê sáu xe khách đi dự tòa Dù phiên tòa phúc thẩm diễn ra tại Đà Nẵng nhưng có hơn 100 người dân làng Nhĩ Trung, xã Gio Thành (Gio Linh, Quảng Trị) thuê xe vào đây dự tòa. Ông Nguyễn Đăng Thiết (74 tuổi) cho biết bà con trong làng đã thu xếp công việc, tập trung từ 19 giờ hôm trước, thuê sáu chiếc xe khách để vào dự tòa. Một số thanh niên đi xe máy từ nửa đêm để vào kịp giờ. Dân làng trắng đêm đi xe từ Quảng Trị vào Đà Nẵng dự tòa. Ảnh: DH “Sự việc xảy ra là do bà con quá bức xúc chuyện mất trộm chó. 10 bị cáo này đều là thanh niên tốt, có đứa còn là học sinh lớp 12, có đứa đang học đại học, có đứa đang là bí thư chi đoàn của thôn, là công an viên. Chúng nó chỉ vì muốn bắt kẻ trộm chó chứ không hề có ý định giết chết người. Nhưng vì bà con quá bức xúc nên mỗi người “góp” một đấm, một đá, dẫn đến hậu quả này” - ông Thiết nói. Có mặt tại tòa, chị Linh (người làng Nhĩ Trung) nước mắt đầm đìa: “Cơ sự xảy ra là do bức xúc. Tội cho các anh, các chú ấy. Giờ tù tội lấy ai nuôi con, nuôi mẹ già. Để giúp các anh, các chú, bà con trong làng có nhà bán thóc, bán gà để quyên tiền phụ họ bồi thường thiệt hại cho nạn nhân”. |