Nhiều ý kiến cho rằng pháp luật của chúng ta chưa nghiêm, không công bằng và dường như bất lực với việc xử lý hình sự kẻ trộm chó. Ngược lại, đối với những người vì bức xúc với kẻ trộm chó mà đánh đập họ là bị xử lý nặng…
Có thật hành vi trộm chó không xử lý hình sự được (vì dính tới yếu tố định lượng của luật hình sự) hoặc chỉ bị xử phạt hành chính nhẹ hều?
Không ai phủ nhận, con chó gắn bó với gia chủ như một thành viên, là “cảnh vệ’ cho gia chủ - tuy giá trị vật chất không lớn - mà còn có giá trị tinh thần. Con chó là đối tượng tác động của tội trộm tài sản nhưng chưa phải là tài sản có giá trị đặc biệt như các loại tài sản khác hay vật nuôi khác. Những con chó quý có thể có giá trị lên tới hàng chục triệu đồng; nếu chó do lực lượng quân đội, công an nuôi dạy và sử dụng vào việc truy bắt tội phạm thì đó không chỉ là tài sản của đơn vị mà còn là công cụ hỗ trợ, được coi như là vũ khí. Thực tế là hầu hết chó bị chiếm đoạt trong dân hiện nay không thuộc các loại chó quý trên và nếu bọn trộm chó có bắt được loại chó quý cũng mang vào các quán “cầy tơ” chứ không bán theo giá trị thật của con chó.
Đang có một thực tế nhầm lẫn là hành vi chiếm đoạt chó đang xảy ra trên cả nước hiện nay, hầu hết không phải là hành vi trộm cắp tài sản. Các dấu hiệu, thủ đoạn của bọn trộm chó chủ yếu thuộc các trường hợp cưỡng đoạt, cướp giật hoặc công nhiên chiếm đoạt, có một số trường hợp phạm tội cướp nhưng khi bị mất chó, chủ sở hữu và người dân chỉ dùng chung một khái niệm trộm chó. Nếu mọi trường hợp chiếm đoạt chó mà chỉ xử lý về tội trộm cắp tài sản là không đúng. Vì vậy khi bắt được người chiếm đoạt chó, cơ quan chức năng cần xác định hành vi chiếm đoạt đó thuộc trường hợp phạm tội gì. Nếu là hành vi trộm cắp hoặc công nhiên chiếm đoạt thì mới phải xác định giá trị thật của con chó bị chiếm đoạt chứ không căn cứ vào giá bán hoặc giá mua thực tế của con chó đó mà kẻ trộm đã bán. Nếu là cướp, cưỡng đoạt hoặc cướp giật thì không cần phải xác định giá trị vật chất của con chó. Ngay cả trường hợp trộm hay công nhiên chiếm đoạt thì cũng không nhất thiết phải lệ thuộc vào giá trị tài sản (con chó) mà tùy trường hợp có thể coi hành vi trộm chó có giá trị dưới 2 triệu đồng là trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng để xử lý người trộm chó. Dư luận xã hội sẽ đồng tình vì chó là loại tài sản không chỉ có giá trị vật chất mà còn có giá trị to lớn về tinh thần, chó bị mất có sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho chủ chó và xã hội như nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp luật và người dân đã phân tích.
Cách khác, với các quy định hiện hành, hoàn toàn có thể xử lý hình sự với những kẻ trộm chó chứ không nên đặt vấn đề có thêm tội trộm chó vào Bộ luật Hình sự như một số ý kiến vừa qua. Bởi khoa học luật hình sự về kỹ thuật lập pháp, đối với tội trộm cắp tài sản, nhà làm luật căn cứ vào khách thể loại (quan hệ sở hữu về tài sản) chứ không căn cứ vào đối tượng tác động cụ thể (tài sản). Nếu quy định thêm tội trộm chó thì còn phải bổ bung nhiều tội khác mà tài sản bị chiếm đoạt là “chó” như: cướp chó, bắt cóc nhằm chiếm đoạt chó, cưỡng đoạt chó, cướp giật chó, lừa đảo chiếm đoạt chó, chiếm giữ trái phép chó... và nếu như vậy, riêng loại tài sản “chó” này cũng phải có hàng chục điều luật.
Mặt khác, cũng phải tính đến giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe đối với người trộm chó, nên coi hành vi phạm tội này thuộc trường hợp bị kích động mạnh về tinh thần do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân.
ĐINH VĂN QUẾ