Theo chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM, đến quý I-2020 phải hoàn thành nội dung cơ bản về điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Hiện nay, các chuyên đề nghiên cứu liên quan đến công tác điều chỉnh quy hoạch do Sở QH-KT TP chủ trì cũng đang gấp rút được thực hiện và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Tuy nhiên, trong các chuyên đề này chưa thấy nội dung liên quan đến quy hoạch dọc sông Sài Gòn từ hạ nguồn đến thượng lưu.
Một cơ thể nước rất sống động
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, một cán bộ phụ trách thông tin chung về các chuyên đề nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cho TP.HCM cho biết hiện nay diện mạo dọc sông Sài Gòn bị chi phối bởi các quy hoạch đã có như: Quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm; quy hoạch khu trung tâm TP; quy hoạch đô thị sinh thái ở Củ Chi.
“Khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung cho TP, Sở sẽ đề nghị đơn vị tư vấn quy hoạch đưa vấn đề quy hoạch khai thác phát triển dọc sông Sài Gòn làm định hướng xuyên suốt trong quá trình thực hiện. Còn hiện nay, các chuyên đề nghiên cứu chưa thực hiện riêng về nội dung này” - vị cán bộ Sở QH-KT TP cho biết.
TS-KTS Xuân Quang, chuyên gia đô thị đang làm việc cho một công ty xây dựng tại TP.HCM, cho rằng công tác quy hoạch đô thị ven sông Sài Gòn cần phải sớm được thực hiện để tổ chức triển khai như một phương án khả thi chứ không phải quy hoạch mang tính định hướng.
“Lâu nay khái niệm quy hoạch được hiểu là kế hoạch phát triển trong tương lai. Do đó, nhiều quy hoạch thực hiện theo mong muốn của cơ quan làm quy hoạch nhưng không triển khai thực hiện được. Quy hoạch đó trở thành quy hoạch “treo”, tác dụng ngược lại với sự phát triển đô thị” - ông Quang giải thích.
Quy hoạch gắn với dòng sông Sài Gòn sẽ làm cho TP.HCM có một diện mạo đẹp và đầy sức sống. Trong ảnh: Thi công công viên, tạo cảnh quan bờ sông Sài Gòn đoạn cầu Kinh Thanh Đa. (Ảnh chụp trưa 20-7). Ảnh: HTD
Một chuyên gia về quy hoạch đô thị (đề nghị không nêu tên - PV) cho rằng sông Sài Gòn có vị thế quá đặc biệt đối với TP.HCM nhưng trong một thời gian dài tiềm năng bị bỏ phí chưa được khai thác. “Dòng sông Sài Gòn và hệ thống kênh, rạch dày đặc ở TP.HCM là một cơ thể nước rất sống động. Nếu xây dựng được một TP gắn với môi trường sông nước này thì chúng ta sẽ có một TP.HCM có giá trị rất lớn về cảnh quan, môi trường sinh thái mà hiếm nơi nào có được. Đã đến lúc đánh thức tiềm năng của dòng sông Sài Gòn, nếu không thì sẽ rất phí” - vị chuyên gia nói.
Quy hoạch không phải để “treo”
TS-KTS Xuân Quang phân tích thêm: “Quy hoạch cũng giống như ta vẽ cái nhà thiệt đẹp, đúng như ta mơ ước nhưng lại không biết được để xây dựng ngôi nhà đó ta cần bao nhiêu tiền, bao nhiều thời gian, tiền đó ở đâu, không có thì làm thế nào… Tương tự vậy, ta có thể vẽ ra diện mạo ven sông Sài Gòn thật đẹp nhưng không biết để thực hiện được bức tranh đó thì cần thực hiện ra sao, phương án tài chính thế nào…”.
TS-KTS Xuân Quang cho rằng rút kinh nghiệm từ những hạn chế trong quy hoạch trong thời gian qua, những quy hoạch đô thị quan trọng của TP.HCM trong thời gian tới phải có tính khả thi cao, không nên để xảy ra tình trạng quy hoạch xong rồi để đó.
Quy hoạch dọc sông Sài Gòn là con đường đi lâu dài nhưng cũng phải đưa ra những phương án thực hiện mang tính thực tiễn. Như vậy thì mới mong tạo được sự chuyển biến về diện mạo dọc sông Sài Gòn. TS-KTS Xuân Quang, chuyên gia đô thị đang làm việc cho một công ty xây dựng tại TP.HCM |
“Quy hoạch ở bán đảo Thanh Đa bị treo hàng chục năm là một ví dụ cho câu chuyện quy hoạch hoành tráng nhưng không thực hiện được. Quy hoạch như vậy sẽ gây nhiều bức xúc cho người dân, nó cũng kìm hãm sự phát triển chung của TP” - ông dẫn chứng.
TS-KTS Xuân Quang cho rằng để thực hiện được quy hoạch khả thi về phát triển tiềm năng dọc sông Sài Gòn, TP nên thực hiện ngay việc thống kê hiện trạng đất, xác định những khu vực nào đất đang do Nhà nước quản lý, đất nào của người dân đang sử dụng để lên phương án khai thác, sử dụng. Tiếp đến thuê các đơn vị tư vấn giỏi để lập quy hoạch chi tiết…
Một chuyên gia về đô thị từng có nhiều năm nghiên cứu mô hình đô thị sông nước ở nước ngoài cho hay qua những chuyến đi thực tế trên đất Mỹ, ông thấy có nhiều dòng sông nhỏ hơn sông Sài Gòn nhưng được quy hoạch diện tích mặt nước rất tốt, tạo ra những khu nhà ở trên sông rất đẹp.
“Họ giữ nguyên bờ sông, chỉ bố trí các cọc cố định ở những vị trí bố trí nhà trên sông. Từ đó người thuê diện tích mặt nước chỉ việc dời những căn nhà di động vào đó ở ngay trên sông, hình thành những làng biệt thự rất đẹp. Chuyện này TP.HCM hoàn toàn có thể thực hiện được. Cách làm này giúp chúng ta kiếm được tiền nhưng vẫn bảo vệ được dòng sông, không xây dựng phá vỡ hệ sinh thái ven sông” - ông bày tỏ.
Nên bỏ tư duy “cái gì cũng muốn làm to” Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, một số chuyên gia về đô thị có kinh nghiệm quốc tế cho rằng nếu không bỏ tư duy quy hoạch “cái gì cũng muốn làm to” thì rất khó thực hiện. “Người lập quy hoạch giỏi là làm sao để lực lượng tham gia càng nhiều càng tốt chứ không phải tạo điều kiện chỉ cho một vài đơn vị. Trên thực tế ở Việt Nam đã có rất nhiều dự án lớn làm theo kiểu ôm đồm rồi không thực hiện được hoặc thực hiện không tốt. Theo tôi, việc lập quy hoạch, khai thác tiềm năng dọc sông Sài Gòn phải làm sao để doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước cũng như người địa phương tham gia. Như vậy, quy hoạch mới thúc đẩy được sự phát triển chung cho TP” - một chuyên gia bày tỏ thêm. |